Xét nghiệm tràn lan, bất tiện cho học sinh

11/02/2022 - 06:12

PNO - Việc xét nghiệm khi học sinh quay trở lại trường học hay kiểm tra định kỳ là điều không cần thiết và gây lãng phí.


Trước khi con gái lớp Hai quay trở lại trường học vào ngày 10/2, chị Thảo Phương (H.Thanh Oai, TP.Hà Nội) cho hay, nhà trường yêu cầu toàn bộ trẻ đến trường đều tự test COVID-19 tại nhà và báo kết quả cho cô giáo chủ nhiệm. Đây cũng là quy định của rất nhiều trường tại các tỉnh, thành khi triển khai cho học sinh quay trở lại trường học sau tết Nguyên đán. 

việc test COVID-19 cho tất cả học sinh khi đến trường gây tốn kém về kinh tế trong khi đó hiệu quả không cao
Việc test COVID-19 cho tất cả học sinh khi đến trường gây tốn kém về kinh tế trong khi đó hiệu quả không cao

“Quy định này theo tôi, dù tính trên diện rộng cũng khá tốn kém nhưng trải qua kỳ nghỉ tết dài, các gia đình đi chúc tết, du lịch, gặp gỡ nhiều… nguy cơ mắc COVID-19 cao nên test là cần thiết. Qua đó có thể sàng lọc sớm các trường hợp mắc bệnh, tránh ảnh hưởng tới việc trẻ vừa đi học đã phải nghỉ ở nhà”, chị Thảo Phương chia sẻ.

Tuy nhiên, chị rất bức xúc trước việc nhiều phụ huynh trong lớp đang thảo luận để thống nhất xét nghiệm định kỳ hằng tuần cho trẻ nhằm phát hiện sớm ca mắc. Theo đó, lớp này đề xuất một tuần thực hiện test nhanh hai lần cho toàn bộ học sinh. “Kiểm tra liên tục với tần suất dày đặc như vậy, theo tôi là quá tốn kém, lãng phí. Bên cạnh đó, trẻ bị tạo tâm lý, áp lực và quá lo sợ bệnh dịch”, chị Thảo Phương nói.

Đây cũng không phải là trường hợp cá biệt. Chị Thanh Phương (TP.Nha Trang) cho hay, con trai chị đang học ở một trường tư thục và thường xuyên test định kỳ hằng tuần. Hình thức là lựa chọn ngẫu nhiên vài học sinh trong lớp để xét nghiệm, từ đó đánh giá nguy cơ bệnh dịch.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho rằng việc xét nghiệm khi học sinh quay trở lại trường học hay kiểm tra định kỳ là điều không cần thiết và gây lãng phí. Ông cho rằng, F0 trong giai đoạn ủ bệnh vẫn cho kết quả âm tính. Nếu như test hằng ngày thì ảnh hưởng quá lớn tới vấn đề kinh tế. Chưa kể, độ chính xác của test nhanh không quá cao, dễ để “lọt lưới” một số ca bệnh, tạo tâm lý chủ quan. 

Đặc biệt, vị chuyên gia khẳng định, Việt Nam đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, do đó, việc xét nghiệm tràn lan không phù hợp, gây bất tiện cho cả học sinh và phụ huynh. Thay vào đó, cần chú trọng tới các đối tượng nguy cơ và nâng cao ý thức, công tác phòng, chống dịch. Xét nghiệm COVID-19 chỉ áp dụng với người có tiền sử tiếp xúc với F0 hoặc nghi ngờ tiếp xúc với F0; các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất khứu giác hoặc triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 khác.

Bên cạnh đó, cần phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình. Khi gia đình phát hiện con có biểu hiện bất thường cần báo ngay cho cơ quan y tế và sau đó thông báo tới nhà trường. Khi trẻ được xác định F0, cần cho nghỉ học và thông báo để nhà trường điều tra dịch tễ. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI