Làm sao để trẻ an toàn trở lại trường học?

06/02/2022 - 10:56

PNO - Phụ huynh phải luôn tuân thủ các biện pháp phòng dịch tại cộng đồng và trong trường học. Đây chính là môi trường xanh để trẻ an tâm đến trường, là rào chắn giảm thiểu nguy cơ với học sinh chưa tiêm vắc xin khi đi học trực tiếp.

Người lớn phải tự tầm soát chính mình

Nhận định trẻ mầm non là lứa tuổi dễ tổn thương nhất khi trở lại trường trong bối cảnh dịch, cô Phan Thị Ánh Hiệp (Hiệu trưởng Trường Mầm non 14, Q.Tân Bình) cho rằng, để đảm bảo an toàn cho trẻ thì song song với các biện pháp phòng dịch của trường, quan trọng nhất là ý thức của người lớn, bao gồm phụ huynh và giáo viên. 

“Ý thức sẽ là việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch tại trường; việc phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường; thông tin kịp thời tình hình sức khoẻ của trẻ và các thành viên trong gia đình trẻ. Và quan trọng không kém đó là ý thức tự tầm soát bản thân mình của mỗi người lớn”, cô Hiệp bày tỏ.

Hiệu trưởng này phân tích thêm, trẻ mầm non không thể đeo khẩu trang trong thời gian dài học tập, vui chơi tại trường, vì vậy phụ huynh phải tuyệt đối tuân thủ việc đeo khẩu trang cho con từ nhà đến trường và từ trường về nhà, cùng với các cô phối hợp rèn các kỹ năng phòng dịch cho trẻ tại nhà như rửa tay đúng cách và thường xuyên với xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi…

Người lớn phải tự tầm soát mình để bảo vệ học sinh khi đi học trực tiếp
Người lớn phải tự tầm soát mình để bảo vệ học sinh khi đi học trực tiếp

Tương tự, với gần 1.800 học sinh ở 5 khối lớp, cô Lê Thanh Hương (Hiệu trưởng Trường TH Trần Hưng Đạo, Q.1) nhìn nhận, khi học sinh toàn trường đi học trực tiếp, việc đảm bảo an toàn cho các em sẽ là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, không vì thế mà nặng nề, tạo áp lực cho trẻ, đội ngũ và phụ huynh.

“Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) sẽ tăng cường giáo dục, trang bị cho các em tiểu học, đặc biệt là khối lớp nhỏ 1, 2 về các kỹ năng phòng dịch. Nhà trường, GVCN đã xây dựng các chuyên đề về phòng dịch để nói chuyện với các em nhằm làm cho các em hiểu và thực hiện”, cô Hương chia sẻ.

Dù vậy, hiệu trưởng này cho rằng, quan trọng hơn cả vẫn là ý thức của mỗi người lớn, làm sao biết tự tầm soát chính mình trong việc phòng dịch. Như vậy, sẽ tạo ra môi trường xanh để trẻ được học tập, rèn luyện trực tiếp ổn định, lâu dài…

Chung tay tạo môi trường xanh khi học sinh trở lại trường

Tại TP.HCM, việc dạy học trực tiếp được triển khai cho học sinh khối 9 và 12 từ ngày 13/12. Sau đó 3 tuần, quy mô dạy học trực tiếp được mở rộng với học sinh từ khối 7 đến khối 11.

Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng đánh giá, kết quả tổ chức dạy học trực tiếp thời gian qua trên địa bàn TP rất khả quan. Các ca F0 được phát hiện tại trường hầu hết là lây nhiễm tại địa phương và được phát hiện trong trường chứ chưa có bằng chứng về việc lây lan trong trường học.

Ông cho rằng, đây là cơ sở củng cố thêm tính hiệu quả của phương án phòng dịch trong trường. Trong kế hoạch phòng chống dịch tại trường, quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp với phụ huynh hàng ngày, thông báo tư vấn về dấu hiệu sức khỏe của học sinh. Nhà trường cần tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, thường xuyên phối hợp với phụ huynh không chỉ là khai báo y tế mà còn để chăm lo cho trẻ, đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Môi trường xanh là rào chắn giúp giảm thiểu nguy cơ với trẻ chưa tiêm vắc xin khi trở lại trường
"Môi trường xanh" là rào chắn giúp giảm thiểu nguy cơ với trẻ chưa tiêm vắc xin khi trở lại trường

Ông Lê Duy Tân (Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM) nhấn mạnh, việc đi học trực tiếp là cực kỳ cần thiết, là quyền lợi của mỗi học sinh. Để đảm bảo an toàn nhất cho học sinh khi đến trường, ngoài yếu tố vắc xin và 5K thì quan trọng không kém đó là “cộng đồng xanh” phòng chống COVID. “Cộng đồng xanh” sẽ tạo ra môi trường xanh, là rào chắn giảm thiểu nguy cơ với học sinh chưa tiêm vắc xin khi đi học trực tiếp.  

Đối với quy định về khoảng cách tại trường học đảm bảo phòng dịch khi mật độ học sinh gia tăng, ông Tân cho rằng các trường cần căn cứ vào cấp độ dịch của thành phố, cùng từng quận, huyện cũng như điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường để tổ chức phù hợp. Phương án dạy học cần tận dụng, phối hợp linh hoạt giữa trực tuyến và trực tiếp, tận dụng thời gian vàng để học sinh có nhiều cơ hội nhất tiếp cận kiến thức, rèn luyện….

“Mục tiêu cuối cùng vẫn là học sinh được đến trường học trực tiếp một cách an toàn nhất. Để làm được điều này, bên cạnh quy định, biện pháp phòng dịch phù hợp của trường thì rất cần sự chia sẻ, hợp tác của phụ huynh. Cha mẹ học sinh phải luôn luôn tuân thủ các biện pháp phòng dịch tại cộng đồng và trong trường học. Đây chính là môi trường xanh để trẻ an tâm đến trường”, ông Lê Duy Tân phân tích. 

Én Bông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI