WHO nâng mức cảnh báo dịch bệnh COVID-19 lên mức ‘rất cao’

29/02/2020 - 00:56

PNO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa quyết định nâng mức đánh giá rủi ro toàn cầu cho dịch bệnh COVID-19 từ "cao" lên "rất cao".

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO cho biết: "Sự gia tăng liên tục về số lượng các trường hợp COVID-19 và số lượng các quốc gia bị ảnh hưởng trong vài ngày qua rõ ràng đáng lo ngại".

Sáng 29/2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc thông báo thêm 594 bệnh nhân dương tính COVID-19 nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.931 người. Đây là mức tăng kỷ lục trong 40 ngày bắt đầu mùa dịch tại Hàn. Trong số 594 ca nhiễm mới, có 476 trường hợp ở Daegu (trung tâm bùng phát dịch). Tính đến thời điểm hiện tại, 16 trường hợp tử vong do virus corona trên toàn quốc.

Dù nâng mức cảnh báo rủi ro toàn cầu lên rất cao, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới vẫn bày tỏ sự lạc quan về khả năng chống dịch của các quốc gia.
Dù nâng mức cảnh báo rủi ro toàn cầu lên "rất cao", người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới vẫn bày tỏ sự lạc quan về khả năng chống dịch của các quốc gia

Theo WHO, một số quốc gia đã xác nhận các trường hợp nhiễm virus đầu tiên của họ trong vài ngày qua và tất cả đều có liên kết đến Ý hoặc Iran.

Nigeria đã ghi nhận trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên ở khu vực châu Phi cận Sahara. Bệnh nhân là một người đàn ông Ý, đã đến thành phố Lagos sau chuyến đi tới Milan vào ngày 25/2. Vụ việc gây lo ngại rằng, các nguồn lực hạn chế và hệ thống y tế quá tải trong khu vực có thể không đủ sức xử lý một đợt bùng phát lớn của virus.

Tại Ý, có hơn 600 trường hợp nhiễm virus và 17 trường hợp tử vong vì COVID-19.

Mặc dù đánh giá rủi ro toàn cầu đã được nâng lên ngang bằng với cảnh báo tại Trung Quốc - nơi xuất phát dịch bệnh, ông Tedros cho biết, thế giới vẫn còn cơ hội để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

COVID-19 đã lan tới châu Phi, với nhiều quốc gia thiếu nguồn lực, trình độ y tế, làm dấy lên mối lo ngại về một đại dịch ngoài tầm kiểm soát.
COVID-19 đã lan tới châu Phi, với nhiều quốc gia thiếu nguồn lực, trình độ y tế, làm dấy lên mối lo ngại về một đại dịch ngoài tầm kiểm soát

Ông Tedros nhận định: "Chúng tôi chưa có bằng chứng nào cho thấy virus đang lây lan tự do trong cộng đồng". Vì vậy, WHO vẫn chưa tuyên bố COVID-19 là đại dịch.

Mặt khác, ông Tedros nói, các thử nghiệm điều trị bằng thuốc đang được tiến hành và dự kiến ​​sẽ có kết quả sau vài tuần nữa. Đồng thời, hơn 20 loại vắc-xin đang được phát triển trên khắp thế giới.

Tấn Vĩ (Theo US News, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI