WHO kêu gọi các nhà sản xuất dược Trung Quốc chia sẻ bằng sáng chế vắc xin COVID-19

06/12/2021 - 12:28

PNO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang làm việc với 2 nhà phát triển vắc xin lớn của Trung Quốc, và kêu gọi các công ty này sẽ chia sẻ bằng sáng chế vắc xin COVID-19 cho các nước đang phát triển.

WHO đã nhiều lần kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin hàng đầu trên thế giới chia sẻ bằng sáng chế vắc xin COVID-19 của họ nhằm tăng nguồn cung cấp, và đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng cho các nước đang phát triển.

WHO đã nhiều lần kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin hàng đầu trên thế giới chia sẻ bằng sáng chế vắc xin COVID-19
WHO đã nhiều lần kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin hàng đầu trên thế giới chia sẻ bằng sáng chế vắc xin COVID-19 - Ảnh: AP

Tuy nhiên, cho đến nay WHO vẫn chưa nhận được sự ủng hộ từ các công ty này, trong đó có Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca, mặc dù tổ chức này đã thành lập một trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA ở châu Phi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ công nghệ vắc xin tiên tiến.

Ngoài Trung Quốc, WHO cũng đang tìm đến Ấn Độ để kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin ở nước này chia sẻ công nghệ phát triển vắc xin COVID-19 cho các nước trên thế giới.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Trung Quốc đã trở thành một nước đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, và đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển, vắc xin phòng virus này. Trong đó, Ấn Độ hiện là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới sử dụng các công nghệ phương Tây.

“Chúng tôi đang liên hệ với 2 công ty lớn của Trung Quốc có vắc xin được WHO chấp thuận”, bà Erika Dueñas Loayza - người đứng đầu bộ phận sở hữu trí tuệ thuộc Phòng tiếp cận dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của WHO - cho biết.

Hiện, Sinopharm và Sinovac đều có vắc xin bất hoạt được WHO phê duyệt để sử dụng khẩn cấp. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp vắc xin COVID-19 lớn nhất cho các nước đang phát triển.

Bà Loayza cho biết WHO đã biết về tiềm năng của các nhà phát triển vắc xin khác ở Trung Quốc và cũng sẽ liên hệ với họ.

“Chúng tôi rất quan tâm đến việc tổ chức một hội thảo về vắc xin COVID-19 ở khu vực châu Á hoặc ở Trung Quốc, vì biết rằng có nhiều công ty công nghệ sinh học nhỏ cũng đang phát triển vắc xin này, và chúng tôi cũng mong các chính phủ tạo điều kiện cho cuộc hội thảo này”, bà Loayza chia sẻ.

Bà cũng cho biết thêm, Sinopharm và Sinovac đã thể hiện sự quan tâm đến việc chia sẻ công nghệ trong giai đoạn đầu, nhưng vẫn mong muốn đạt được các thỏa thuận song phương với các quốc gia sau khi vắc xin của các công ty này đã được WHO chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Đến nay, Trung Quốc đã xuất khẩu 1,2 tỷ liều và tặng 119 triệu liều vắc xin COVID-19, theo Bridge Consulting - công ty theo dõi hoạt động xuất khẩu vắc xin của Trung Quốc. Năm 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này muốn đưa vắc xin do nước này sản xuất trở thành một “sản phẩm thông dụng toàn cầu”.

Tuy nhiên, hầu hết vắc xin do Trung Quốc sản xuất đều được xuất khẩu thông qua các giao dịch thương mại song phương, với giá cao hơn nhiều so với vắc xin châu Âu và Mỹ như AstraZeneca và Johnson & Johnson, tuy rẻ hơn vắc xin mRNA do Pfizer và Moderna sản xuất.

Trung Quốc cũng đã ký kết các thỏa thuận song phương để sản xuất vắc xin tại một số nước như Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Indonesia và Pakistan.

Tuần trước, khi thế giới bắt đầu đối mặt với biến chủng mới, Trung Quốc đã cam kết cung cấp thêm 1 tỷ liều cho châu Phi trong năm 2022.

Bà Loayza cho biết cần đẩy nhanh việc chia sẻ bằng sáng chế về công nghệ vắc xin, để chuẩn bị đối phó không chỉ với biến thể Omicron, mà còn cả những biến thể khác có thể tiếp tục xuất hiện trong tương lai.

Cho đến nay, chỉ có 7,3% dân số ở châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, so với khoảng 60% ở Mỹ và gần 80% ở Trung Quốc.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI