Biến thể Omicron: Lời nhắc nhở sự bất công trong phân phối vắc xin

30/11/2021 - 09:43

PNO - Từ lâu, các nhà khoa học đã biết rằng thế giới sẽ phải chứng kiến các biến thể coronavirus mới do loại virus này biến đổi liên tục.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết phải mất thêm vài tuần nữa mới có thể kết luận về độc lực và đặc tính lây nhiễm của biến thể mới Omicron,  nhưng các nước đã đặt mức cảnh giác cao nhất. Bên cạnh ban hành những hạn chế mới, phong tỏa biên giới, các nước còn nhanh chóng đẩy mạnh tiêm vắc xin hơn nữa. 

Bộ trưởng Nội vụ Israel Ayelet Shaked cho biết: “Giả thuyết ban đầu của chúng tôi là các loại vắc xin có hiệu quả chống lại biến thể này, mặc dù chúng tôi chưa biết ở mức độ nào, chúng tôi cần thêm thời gian”. Giáo sư Andrew Pollard - Giám đốc Tập đoàn vắc xin Oxford, nơi đã phát triển vắc xin AstraZeneca - bày tỏ: “Ít nhất từ quan điểm suy đoán, chúng tôi có một số lạc quan rằng vắc xin vẫn có tác dụng chống lại một biến thể mới đối với bệnh hiểm nghèo, nhưng thực sự chúng tôi cần đợi vài tuần để điều đó được xác nhận”. 

Một phụ nữ Nam Phi được tiêm ngừa vắc-xin COVID-19
Một phụ nữ Nam Phi được tiêm ngừa vắc xin COVID-19

Một số chuyên gia cho biết, sự xuất hiện của biến thể này đã minh chứng cho việc các nước giàu tích trữ vắc xin gây nguy cơ kéo dài đại dịch như thế nào. Hiện chưa tới 6% người dân ở châu Phi được chủng ngừa đầy đủ. Và đây là nguyên nhân có thể làm tăng tốc độ lây lan của virus, tạo ra nhiều cơ hội hơn để virus phát triển thành một biến thể mới nguy hiểm. “Một trong những yếu tố chính dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể có thể là tỷ lệ tiêm chủng thấp ở các nơi trên thế giới”, giáo sư Peter Openshaw - Đại học Hoàng gia London - cho biết.

Trong khi đó, ông Gordon Brown - cựu Thủ tướng Anh, đại sứ WHO về tài trợ y tế toàn cầu - đã phản ứng gay gắt về việc các nước giàu dự trữ vắc xin trong khi các nước nghèo khan hiếm. “Rõ ràng, không có vắc xin để tiêm hàng loạt, COVID-19 không chỉ lây lan ở những người không được bảo vệ mà còn gây đột biến, với các biến thể mới xuất hiện từ các nước nghèo nhất; và giờ đây Omicron đe dọa trên cả những người đã được tiêm chủng đầy đủ ở các nước giàu nhất trên thế giới”.

Theo ông, hậu quả của tình trạng mất cân bằng vắc xin là tạo cơ hội cho các biến thể mới xuất hiện. Vắc xin tại nhiều nước giàu đang dư thừa, thậm chí phải bỏ đi vì hết hạn trong khi nhiều sinh mạng ở các nước nghèo đã mất đi do thiếu chúng. Theo cơ quan nghiên cứu dữ liệu COVAX, khoảng 100 triệu liều vắc xin của các nước phương Tây sẽ hết hạn sử dụng vào tháng 12 và có thể phải bỏ đi nếu chúng không được phân phối kịp thời cho những nước nghèo đang thiếu. 

Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng, tin vui là các nhà khoa học đang làm việc ngày đêm để đảm bảo rằng biến thể Omicron mới đã được xác định, đồng thời đang được giải trình tự gen với tốc độ nhanh nhất. Nếu Omicron được khẳng định có khả năng lây truyền cao hơn Delta, miễn dịch với các loại vắc xin hiện tại thì một loại vắc xin mới có khả năng sớm xuất hiện.

Nhưng điều ông lo ngại là nếu sắp tới, sự tương phản giữa thành công của các nhà khoa học và sự mất cân bằng phân phối vắc xin tiếp tục lặp lại thì sẽ khiến đại dịch phải bước sang năm thứ ba - thậm chí là năm thứ năm, thứ mười. “Chỉ khi nào chúng ta từ chối chủ nghĩa dân tộc vắc xin và chủ nghĩa bảo hộ y tế thì chúng ta mới ngăn chặn được các đợt bùng phát trở thành đại dịch”, ông nói. 

Thảo Nguyễn (theo ABC News, Guardian)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI