Vượt qua biến cố cuộc đời: 40 năm tôi đi tìm… tôi

19/04/2025 - 12:10

PNO - Tôi là đứa con ngoài giá thú. Một bản hợp đồng nghiệt ngã đã được ký kết giữa nhà nội và nhà ngoại tôi, giá của tôi là 3 cây vàng.

Tuổi thơ đầy nước mát của đứa trẻ bị cha và nhà nội bỏ rơi. Ảnh Freepik.com
Tôi là đứa trẻ bị cha và nhà nội bỏ rơi (ảnh minh họa: Freepik)

Theo thỏa thuận, ngay khi tôi vừa chào đời, mẹ tôi sẽ phải trao tôi cho nhà nội và vĩnh viễn không được nhìn con. Đám đông người trong vùng đổ xô đến nhà bảo sanh để chứng kiến việc thực thi bản hợp đồng. Nhưng khi vừa nghe tiếng khóc và nhìn thấy khuôn mặt bé bỏng của tôi, mẹ tôi - cô gái 17 tuổi lỡ dại yêu cậu chủ, đã cương quyết không giao con. Bà nội và cô ba tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc "sang tay" đứa trẻ sơ sinh là tôi, cuối cùng đành bất lực.

Tôi lớn lên trong sự yêu thương của ông bà ngoại và cưu mang, đùm bọc của hàng xóm. Mẹ tôi trở nên u uất khi bị phụ tình và chịu điều tiếng “không chồng mà chửa”, nhưng chòm xóm ai cũng tin tôi sẽ sớm được nhà nội đón về, bởi tôi đáng yêu, giống cha y đúc và là cháu đích tôn của dòng họ nội.

Nhưng dù 2 nhà chỉ cách một con sông nhỏ, và mỗi ngày tôi đều đi học ngang nhà nội. Vậy mà tôi chưa bao giờ được bước chân vào, cũng như chưa bao giờ được gọi ba hay nội. Bởi vì sau pha "lật kèo" của mẹ tôi, nhà nội đã "coi như không có đứa cháu này".

Năm tôi 9 tuổi, mẹ tôi đi bước nữa, tôi phải ở lại với ngoại. 5 năm sau, ông bà ngoại tôi lần lượt qua đời. Tôi được mẹ đón về nhà chồng của mẹ. Tôi vui mừng vì được sống cùng mẹ. Nhưng thực tế lại phũ phàng, tôi như một người thừa trong gia đình mới.

Để nhà chồng không khó dễ với tôi, mẹ cho tôi nghỉ học ở nhà phụ làm bún (gia đình chồng mẹ có nghề làm bún). Dù rất thích đi học, tôi vẫn nghe theo mẹ. Trong một lần sơ suất, tay phải của tôi bị cuốn vào máy xay, cụt gần tới nách. Lúc đó tôi 15 tuổi và chết danh “Khánh cụt”. Lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ rệt sự thê thảm của cuộc đời và nghĩ rằng đây chính là dấu chấm hết cho đời mình.

Nỗi đau của số phận, sự mặc cảm tật nguyền khiến tôi trở nên bất cần, buông thả. Thuốc lá, rượu chè, cờ bạc trở thành những người bạn đồng hành. Tôi kiếm sống bằng những nghề bất chính: canh trường gà, ghi đề mướn, cá độ đá banh... Tiền làm ra bao nhiêu, tôi nướng vào cờ bạc và rượu chè. Tôi trượt dài trên con đường lầm lỗi.

Rồi một ngày tôi nhận được cuộc gọi của dì Linh - là vợ của ba tôi. Dì báo ông nội tôi mất và nhắc tôi về chịu tang. Khi tôi xuất hiện, các cô, bác bên nội - đã trò chuyện với tôi như một đứa cháu đi xa về. Dì Linh lấy đưa tôi chiếc khăn tang có ghi chữ “Khánh” (tên tôi) khiến tôi lặng người - khi mình được là một phần của nhà nội.

Tối ấy, khi ngồi trực bên linh cữu ông nội, dì Linh nói “mai mốt con về đây ở, rồi dì bày cho bán cơm tấm, kiếm đứa phụ bán là được”. Dì kết thúc câu chuyện bằng câu: “Lo làm ăn rồi cưới vợ đi con, gần nửa đời người rồi con”.

Thật ra, trước đây dì Linh có đi tìm tôi mấy lần và cho tôi ít tiền. Nhưng tôi luôn coi đó là sự đền bù tất nhiên, nên chẳng xúc động hay hàm ơn. Dì cũng từng khuyên tôi đi học một nghề để mưu sinh, dì sẽ giúp vốn. Nhưng tôi từ chối vì nghĩ dì chỉ "làm màu", chứ làm gì có chuyện một người dưng thương và lo cho tôi, trong khi nhà nội và cả ba ruột tôi dửng dưng.

Tôi đã từng có năm tháng sống bất cần đời và trượt dài trong cờ bạc. Ảnh Canva
Những năm tháng sống bất cần đời, tôi trượt dài trong cờ bạc, cá độ đá banh qua mạng (ảnh minh họa: Canva)

Cô Tư kể: “Dì Linh hay than thở và nói với các cô, tìm cách khuyên con để con chịu học nghề gì đó. Nhưng con đi lông bông hoài, có gặp được đâu!”. Cô tôi còn kể, lý do dì Linh lo cho tôi là: “Cũng là con của ông Tấn (ba tôi), mà 2 đứa nhà em thì sung sướng, còn thằng Khánh tội quá, tội từ lúc mới lọt lòng”.

Sau lần trò chuyện này, thay vì ngồi oán trời trách đất, căm giận con người, tôi đã hình dung về tương lai của mình. Bước ngoặc cuộc đời đến khi tôi bị tai nạn giao thông chấn thương chân, đi không được. Tay cụt, chân gãy, nên khi em tôi đón tôi xuất viện thì tôi đi theo em ngay.

Về tới nhà nội, tôi đã thấy dì chuẩn bị một mâm cơm tươm tất để tôi chính thức ra mắt nhà nội và lạy trước bàn thờ tổ tiên. Dì cứ khéo léo kéo tôi đến gần ba, hoặc ngược lại, vì cả 2 đều ngại ngùng. Dì dặn đi dặn lại 2 con của dì: “Anh em phải thương yêu và giúp đỡ nhau nghen tụi con”.

Một cảm giác lạ lẫm, ấm áp trào dâng trong tôi khi gọi tiếng "ba" và cảm nhận được không khí gia đình. Sau đó, dì Linh truyền cho tôi nghề bán cơm tấm. Dì thuê cho tôi một khoảnh đất nhỏ gần chợ xã để tôi có nơi buôn bán. Thời gian đầu dì bán phụ tôi, sau đó thì tôi thuê người.

Chính tình thương của dì, gánh cơm tấm của dì đã cứu vớt tôi khỏi bóng tối. Những ngày tháng trước đó, tôi chưa từng nghĩ đến tương lai hay làm lại cuộc đời. May mắn thay, lòng trắc ẩn và tình thương của người đàn bà ấy đã kéo tôi ra khỏi vũng lầy, giúp tôi tìm về nguồn cội, sống ổn định, vững vàng.

Giờ đây, ở tuổi 42, tôi có tố ấm riêng với người vợ hiền, chấp nhận quá khứ đầy sóng gió của tôi và chuẩn bị đón con gái đầu lòng. Nhiều lúc, tôi cứ ngỡ đang mơ. Qua quá nhiều thăng trầm, cuối cùng, tình thương và sự bao dung đã dẫn lối tôi đến bến bờ của hạnh phúc. Hành trình 40 năm tìm lại chính mình của tôi đã đơm hoa kết trái...

Hoàng Anh (ghi theo lời kể của anh N.M.K)

Có những biến cố cuộc đời chực chờ ghìm bạn xuống, nhưng bạn đã từng bước vượt qua, để nay nhìn lại, bạn tràn đầy niềm tự hào về bản thân...

Mời quý độc giả chia sẻ câu chuyện và kinh nghiệm vượt nghịch cảnh cùng chúng tôi. Bài viết và hình ảnh có bản quyền xin gửi về hộp thư email: online@baophunu.org.vn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI