Vụ xả súng ở New Zealand: Nghi phạm kêu gọi ám sát Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ

17/03/2019 - 08:45

PNO - Số người thiệt mạng trong vụ xả súng hàng loạt tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand, hôm 15/3 đã tăng lên 50 người, con số bị thương cũng tăng lên 50 người.

Ủy viên cảnh sát New Zealand Mike cung cấp thông tin cập nhật về thương vong của vụ thảm sát và cho biết trong số người bị thương, 36 người vẫn được điều trị trong bệnh viện và hai người trong tình trạng nguy kịch.

Vu xa sung o New Zealand: Nghi pham keu goi am sat Thu tuong Tho Nhi Ky
Cảnh sát New Zealand tăng cường bảo vệ các cơ sở Hồi giáo sau vụ xả súng ở Christchurch

Cảnh sát cho biết, Brenton Harris Tarrant, 28 tuổi, dường như là nghi phạm duy nhất bị giam giữ có liên quan đến vụ xả súng, còn 3 người khác bị bắt giữ trước đó không liên quan đến vụ thảm sát. Nghi phạm Tarrant xuất hiện tại tòa hôm 16/3 và bị buộc tội giết người, tuy nhiên nhà chức trách cho biết các tội danh của y sẽ còn tăng lên. Tarrant bị tạm giam và sẽ ra tòa lần tới vào ngày 5/4.

Nhà chức trách từ chối trao đổi về động cơ vụ xả súng, nhưng bản tuyên ngôn dài 87 trang của nghi phạm được y đăng lên ngay trước khi vụ nổ súng bắt đầu, chứa đầy những lời lẽ ​​chống người nhập cư và bài Hồi giáo.

Vu xa sung o New Zealand: Nghi pham keu goi am sat Thu tuong Tho Nhi Ky
Brenton Tarrant xuất hiện trước tòa ngày 16/3

Văn phòng Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tiết lộ họ nhận được email tài liệu trên chỉ ít phút trước khi cuộc tấn công bắt đầu. Thư ký báo chí của bà Ardern cho biết email được gửi đến một tài khoản email chung của nhân viên văn phòng và Thủ tướng không hay biết việc này.

Thủ tướng Ardern hôm 16/3 đã đến thăm các thành viên của cộng đồng Hồi giáo tại một trung tâm tị nạn ở thành phố Christchurch, bà chia sẻ mất mát đối với các gia đình nạn nhân và đưa ra thông điệp hỗ trợ của chính phủ đối với người Hồi giáo ở nước này.

Vu xa sung o New Zealand: Nghi pham keu goi am sat Thu tuong Tho Nhi Ky
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern gặp gỡ đại diện cộng đồng Hồi giáo ở thành phố Christchurch.

Bà đánh giá cao hành động của hai nhân viên cảnh sát cộng đồng đã tham gia chấm dứt 36 phút xả súng kinh hoàng khi họ lái chiếc xe của nghi phạm, trong xe có hai khẩu súng, cách xa cổng thánh đường Hồi giáo.

Tập trung vào nạn nhân

Trong khi giam giữ nghi phạm Tarrant, chính quyền địa phương tiếp tục tập trung vào các nạn nhân của vụ xả súng và và gia đình của họ. Tuyên bố của cảnh sát New Zealand nhấn mạnh: "Ưu tiên quan trọng của chúng tôi là đảm bảo những người bị ảnh hưởng bởi sự kiện khủng khiếp này nhận được sự hỗ trợ và phúc lợi họ cần".

Thủ tướng Ardern nói thêm, trường hợp các gia đình mất người thân mà phụ thuộc vào nạn nhân, thì chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính cho các gia đình này.

Bàn tưởng niệm tạm thời mọc lên ở khu vực xung quanh các nhà thờ Hồi giáo bị tấn công, người dân thành phố mang đến đây những bông hoa và thông điệp về hy vọng và tình yêu. Một thông điệp gắn vào bó hoa đặt trên dải phân cách nói rằng, "họ có thể tước đi của chúng tôi sự hồn nhiên, nhưng chúng tôi sẽ cho thế giới thấy ý nghĩa của tình yêu và lòng trắc ẩn".

Nạn nhân vụ thảm sát là công dân nhiều nơi trên khắp thế giới, họ là người Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Bangladesh, Indonesia và Malaysia. Theo một danh sách do Ủy ban Chữ thập đỏ công bố những người thiệt mạng mang quốc tịch của 15 quốc gia. Bộ Ngoại giao Jordan xác nhận, ít nhất hai công dân nước này thiệt mạng và năm người khác bị thương trong vụ xả súng.

Vu xa sung o New Zealand: Nghi pham keu goi am sat Thu tuong Tho Nhi Ky
Cảnh sát bảo vệ khu vực phía trước nhà thờ Hồi giáo Masjid al Noor sau vụ xả súng ở thành phố Christchurch

Khaled Mustafa, một người tị nạn Syria, đã thiệt mạng trong vụ tấn công, tổ chức Đoàn kết với Syria ở New Zealand cho biết trên trang Facebook của mình. Ông Mustafa đang cầu nguyện trong nhà thờ cùng hai con trai thì kẻ sát nhân bước vào. Gia đình Khaled Mustafa nghĩ New Zealand là “một thiên đường an toàn” và họ đến đây năm 2018. Ngoài người cha trúng đạn qua đời, một con trai của ông Khaled bị thương nặng, đã trải qua một cuộc phẫn thuật kéo dài 6 giờ.

Một bé gái năm tuổi bị thương nặng vào mặt, bụng và chân và phải phẫu thuật, nhưng hiện vẫn trong tình trạng nguy kịch. Chú của cô bé – ông Sabri al-Daraghmeh nói với kênh truyền hình al-Mamlaka của Jordan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Mohammad Faisal hôm 16/3 cho biết 4 công dân nước này bị thương trong vụ xả súng, trong khi đó 5 người khác vẫn được coi là mất tích.

Một trong những nạn nhân là ông Haji Daoud Nabi, người Afghanistan, đã tị nạn ở New Zealand từ năm 1977. Ông Omar Nabi cho biết cha ông, Haji Daoud, đã thiệt mạng trong vụ xả súng.

Vu xa sung o New Zealand: Nghi pham keu goi am sat Thu tuong Tho Nhi Ky
Ông Omar Nabi cho biết cha ông, Haji Daoud (ảnh trong điện thoại), đã thiệt mạng trong vụ xả súng.

Chân dung nghi phạm

Tarrant là công dân Australia nhưng y từng sống ở thành phố Dunedin của New Zealand, cách Christchurch 362 km về phía nam. Tarrant đã đi nhiều nơi trên thế giới, lâu lâu y mới dừng chân ở New Zealand.

Nhà chức trách cho biết, Tarrant không có tiền sử tội phạm ở New Zealand hoặc Úc và không thu hút sự chú ý của cộng đồng tình báo hai nước vì quan điểm cực đoan.

Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Tarrant từng mấy lần đến Thổ Nhĩ Kỳ và dừng chân khá lâu ở đây. Trong một chương của bản tuyên ngôn đầy thù hận, Tarrant kêu gọi ám sát Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, y tuyên bố "ông ta phải mất máu đến chết”. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang điều tra các hoạt động và những tiếp xúc của nghi phạm ở nước này.

Sau vụ thảm sát ở Christchurch, New Zealand lập tức bắt tay vào xem xét vấn đề sở hữu súng. Thủ tướng Ardern tuyên bố đã đến lúc thay đổi luật sở hữu súng ở New Zealand. Bà nói đây là một việc phải làm, ngoài ra còn có phương án “cấm sở hữu súng trường bắn tỉa”.

Nghi phạm Tarrant có  giấy phép sử dụng súng từ tháng 11/2017. Y đã sử dụng hai vũ khí bán tự động, hai khẩu súng ngắn và một khẩu súng nạp đạn kiểu đòn bẩy trong vụ tấn công hôm 15/3.

Tô Châu (Theo CNN, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI