Vụ bằng giả Đại học Đông Đô: Mỗi hồ sơ “lôi kéo” về sẽ được thưởng 7 triệu đồng

23/12/2021 - 19:12

PNO - Nhiều bị cáo khai chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô quy định mỗi nhân viên “lôi kéo” được một hồ sơ đăng ký sẽ được thưởng ít nhất 7 triệu đồng.

Chiều 23/12, phiên tòa xét xử vụ án cấp bằng giả tại Trường Đại học Đông Đô tiếp tục làm việc với phần xét hỏi.

Bị cáo Trần Kim Oanh, cựu Hiệu phó Đại học Đông Đô, khai bị can Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT nhà trường, đang bỏ trốn) có đặt ra quy định mỗi nhân viên của trường phải “môi giới, lôi kéo” về cho trường mỗi năm ít nhất 4-10 hồ sơ xin làm giả văn bằng 2 tiếng Anh.

Với mỗi hồ sơ “lôi kéo” thành công, nhân viên sẽ được trường trích lại và chia cho ít nhất 7 triệu đồng, tuỳ theo số tiền học phí mà học viên nộp.  “Đây được gọi là tiền thưởng, do nhà trường quy định chứ không phải tiền học viên cảm ơn”, bà Oanh khai. Theo VKS, bị cáo này được hưởng lợi 48 triệu đồng.

Bị cáo Trần Kim Oanh tại tòa
Bị cáo Trần Kim Oanh tại tòa

Tương tự, bị cáo Lê Ngọc Hà, cựu Hiệu phó Đại học Đông Đô, cũng cho biết được hưởng lợi 100 triệu đồng. Bị cáo cho biết tổng số tiền nhận từ những học viên này là 1,8 tỷ đồng, trong đó nộp 800 triệu đồng về quỹ của trường.

Sau khi có thông tin về vụ việc bằng giả, một số học viên đòi lại tiền nên bị cáo Hà trả lại 900 triệu đồng, giữ lại 100 triệu đồng. Hiện nay bị cáo đã tự nguyện nộp lại số tiền này.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Huệ, cựu trưởng Phòng tài vụ Đại học Đông Đô, cho biết nhà trường có công khai việc trích thưởng cho nhân viên đối với mỗi hồ sơ học viên được “môi giới”. Tuy vậy, bị cáo không nắm cụ thể mỗi người đã được chia bao nhiêu tiền.

Theo cáo trạng của VKS, Đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị và chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có ngành ngôn ngữ tiếng Anh.

Quá trình tuyển sinh, Trần Khắc Hùng thấy nhiều người có nhu cầu lấy văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh. Hùng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chỉ đạo ban giám hiệu, Viện đào tạo liên tục, Viện 4.0… thực hiện cấp văn bằng 2 giả của hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho người có nhu cầu lấy bằng không qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định.

Trường này tiếp nhận hồ sơ học viên, không tổ chức thi đầu vào, không đào tạo theo tín chỉ mà hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi bằng hình thức phát đề và đáp án cho học viên chép lại. Cá biệt có trường hợp còn không cần hợp thức hóa bài thi, nhưng vẫn được cấp bằng.

Từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Đại học Đông Đô đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và đã được sử dụng, trong đó 67 người làm nghiên cứu sinh, 2 người học thạc sĩ, 4 người kê khai hồ sơ công chức và viên chức, 3 người thi công chức hoặc thi thăng hạng.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI