Vở bài tập, sách tham khảo chỉ là… vẽ chuyện

09/09/2020 - 07:58

PNO - Nhìn danh mục 23 quyển sách mà học sinh lớp Một phải mua, cũng như mỗi khi nhìn vào sự đổi mới, cải cách giáo dục càng về sau này, tôi xin lỗi phải nhắc lại chuyện ngày xưa… Ngày xưa tôi đi học, lớp Một chỉ có hai quyển sách: toán và tiếng Việt. Thời bố tôi thì không mua sách, bài chép trên lớp.

Phải nói ngay, nhìn cái sớ sách vở các kiểu nói trên, có hơn một nửa là "vở bài tập". Cái gọi là "vở bài tập" thật ra đang núp bóng sách. Trong sách giáo khoa (SGK) ngày xưa và cả hiện nay cũng đã có phần câu hỏi, bài tập rồi. Như vậy, lẽ ra chỉ cần hướng dẫn học sinh (HS) làm bài tập trong SGK vô tập (vở) như xưa nay bao thế hệ HS đã làm.

Khi làm bài tập trong vở, HS được rèn luyện kỹ năng viết, chính tả, trình bày, giữ gìn vở sạch đẹp, có thể nhớ lâu... Trong khi cái "vở bài tập" chẳng qua là cách qua mắt dư luận, đánh tráo khái niệm. Mang tiếng là "vở" nhưng làm như sách, dùng xong năm học là vứt luôn. Cách này dạy cho trẻ thói phung phí. Chỉ duy nhất hiệu quả là bán được nhiều hơn.

sách
Trẻ lớp Một chỉ mới tập đọc, tập viết có nhất thiết phải quá nhiều sách - Ảnh Mai Trúc

Ngành giáo dục và các nhà làm sách phải định nghĩa lại vở là gì? Vở, hay còn gọi là vở ghi, vở viết, tập viết, được hiểu là tập giấy trắng được đóng lại dùng để viết lên. Còn “vở bài tập” hiện nay dạy cho HS tính lười biếng, không cần phải viết chi cả, thậm chí đề bài, chỉ cần điền vào chỗ trống. Vở mà in chi chít chữ, số trong đó, trách sao học trò càng về sau viết càng không ra chữ. Học rất nhiều nhưng lưu giữ kiến thức không bao lâu.

Học trò ngày xưa đều coi SGK là món đồ đáng trân trọng. Không trò nào dám viết, vẽ bậy trong sách, vì sách mượn của thư viện, học xong cuối năm trả lại cho nhà trường. Nhà nghèo, mấy anh em phải học chung bộ sách, anh lớn phải giữ gìn cho em nhỏ. Do vậy, SGK được học trò bao bọc, giữ gìn cẩn thận, học từ lứa này sang lứa khác vẫn ngon lành.

Tôi còn nhớ SGK xưa có lời kêu gọi HS giữ gìn sách cho các bạn sau để tiết kiệm tiền, biết trân quý một sản phẩm trí tuệ… Lời dặn dò của người làm sách không chỉ là giữ gìn cuốn sách mà đó là giữ gìn cốt cách của một người được đi học, có ăn học. Bài học đầu tiên HS phải học khác xa bây giờ. Người học sách xưa sẽ có cách ứng xử với sách khác hẳn với cách mà bộ sách 800.000 đồng dạy cho người học.

Trẻ học lớp Một, về nguyên tắc là tờ giấy trắng tinh, mới tập đọc, tập viết thì tham khảo cái gì chứ, sao gọi là sách tham khảo? Vậy mà người ta bắt trẻ lớp Một học sách Giáo dục thể chất, Thực hành tâm lý học đường, Văn hóa giao thông... Những thứ này là hoạt động cơ mà.

Ai bảo mớ sách bao đồng bạc đâu mà nói thì xin mời về các vùng quê còn khó khăn, hỏi thăm những người thu nhập thấp, họ phải dành dụm từng đồng để sống. Dân ta còn nghèo lắm, mong các thầy bớt vẽ chuyện từ sách vở học trò!

Quý Ngọc

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(9)
  • Phương 15-09-2020 16:25:43

    Bài viết rất hay, rất đúng thực tế. Hiện nay cấp học nào cũng thế, mỗi môn học đều có sách bài tập đi kèm. Giải bài tập thì có thể giải vào vở, học sinh tự trình bày, cần gì phải sách bài tập in sẵn (dùng xong vứt luôn, quá lãng phí).
    Khi mà lãnh đạo Bộ giáo dục chưa thoát ra được cái bánh lợi ích nhóm trong vấn SGK thì giáo dục VN cứ mãi loay hoay với bài toán SGK thôi. Giáo dục VN sao nhiều chuyện buồn thế không biết. Chỉ khổ cho học sinh, phụ huynh, nhất là những vùng còn nghèo, gia đình khó khăn.

  • thắng 12-09-2020 08:53:32

    NGÀY XƯA TÔI ĐI HỌC LỚP 1 CHỈ CÓ 2 QUYỂN SÁCH GK CÓ CÂY ĐÈN LÀM BIỂU TƯỢNG...SÁCH THAM KHẢO, TRANH ẢNH ĐỂ TRÊN LỚP TẤT. MỖI PHÒNG HỌC CÓ MỘT CÁI TỦ ĐỰNG ĐẦY ĐỦ SÁCH...THIẾT BỊ DẠY VÀ HỌC VÀ THÊM 2 THƯỚC, 2 CÂY ROI MÂY. CHÚNG TÔI HỌC RẤT TỐT. TÂM CỦA NGƯỜI DẠY RẤT SÁNG TRONG.TRONG MỘT THÁNG ĐÃ THUỘC 24 CHỮ CÁI VÀ GHÉP VẦN ĐỌC VIẾT ĐƯỢC. ĐỌC ĐƯỢC MỚI HỌC HIỂU ĐƯỢC...

  • Công Nghệ 11-09-2020 19:57:04

    Bộ Gddt cũng có sân sau, cũng có nhóm lợi ích thôi mà. Các cháu phải oằn lưng cõng sách và phụ huynh phải oằn lưng trả tiền mua sách. Không biết đến bao giờ mới xoá được tham nhũng và các nhóm lợi ích ở nước ta nữa

  • Minhle 11-09-2020 10:22:51

    Đồng ý với tác giả...

  • Vinh quang Đoàn 10-09-2020 16:47:17

    bài viết rất đúng, tôi thấy mục tiêu giáo dục thì ít, đây là lợi ích của một nhóm, tuy nhiên ko hiểu tại sao Bộ giáo dục, đặc biệt là chính phủ ko quản lý, can thiệp. để lợi ích nhóm làm băng hoại xã hội. Các vị có thấy nỗi khỏ của dân ko. Các vị đang làm sói mòn niềm tin của nhân dân vào chính phủ sói mòn niềm tin cua dân với Đảng đó.

  • Trần Anh Tuấn 10-09-2020 16:20:56

    Hoàn toàn ủng hộ tác giả bài viết này. Tôi đánh giá cao sự hiểu biết và sự tuân thủ của bộ sách giáo khoa chuẩn của lớp 1( chẳng hạn như toán, tiếng việt...) nhưng những sách tham khảo khác liệu đã cần cho các cháu lớp 1 như trang vở trắng tinh, nét chữ đầu đời, gọi là học mà chơi để có thể làm những phép tính đơn giản, viết chữ, đọc được tên của mình, trên sách báo, ti vi. Tôi nghĩ những đứa trẻ chỉ cần thế là đủ có chăng học một số kỹ năng cơ bản như tham gia giao thông, tự làm việc nhà, học cách ứng xử với người lớn, với thày cô giáo và bạn bè...
    Ngày xưa đi học tôi trân trọng quển sách, quển vở giữ gìn hết năm này sang năm khác, thế mà do cải cách giáo dục đến năm sau bộ sách lớp 1 như năm nay gần 800.000 đồng sang năm cân giấy vụn được 20.000-30.000 đồng thật xót xa.
    Không hiểu các nhà giáo dục khi làm sách giáo khoa có tính đến số tiền chi phí cho 1 năm học bỏ đi hàng ngàn tỷ đồng có lãng phí không?
    Tư duy lợi ích nhóm trong Bộ giáo dục đào tạo về việc in sách giáo khoa đã và đang là cái bánh được chia nhau chưa có hồi kết, nhưng khổ cho bố mẹ gia đình học sinh phải gánh chịu liệu có đáng là giáo dục không?

  • Hoàng 10-09-2020 14:11:40

    Bài báo quá chuẩn, quá lãng phí, phản tác dụng và chứa đựng lợi ích nhóm trong cái gọi là sách. Càng ngày càng thấy giáo dục đi xuống

  • nguyễn phương 10-09-2020 03:34:19

    Bài viết hay ,nói lên được tâm tư của PHHS .

  • Phạm đình vọng 09-09-2020 09:37:24

    Bài viết quá đúng, một bài viết có tâm mang tính chất xây dựng cao, mong các nhà giáo dục để tâm xem lại. Lớp 1 chỉ cần đọc thông vết thạo, làm toán cộng trừ đơn giản, lứa tuổi để các cháu vừa học vừa chơi để phát triển thể chất.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI