Vitamin D giảm nguy cơ tiểu đường type 2

21/02/2023 - 06:23

PNO - Những người có dấu hiệu tiền tiểu đường hấp thụ nhiều vitamin D hơn có khả năng giảm 15% nguy cơ phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2.

Một đánh giá phân tích tổng hợp được công bố gần đây trên ấn bản Annals of Internal Medicine (Mỹ) phát hiện ra rằng, những người có dấu hiệu tiền tiểu đường hấp thụ nhiều vitamin D hơn có khả năng giảm 15% nguy cơ phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2. Đồng thời, tỉ lệ trải qua các vấn đề như sỏi thận, tăng canxi máu và tăng canxi niệu của họ cũng thấp hơn.

Ngoài vitamin D, còn có nhiều chất dinh dưỡng khác có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường như a xít béo omega-3, selenium và chromium.
Ngoài vitamin D, a xít béo omega-3, selenium và chromium cũng giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Tiến sĩ Anastassios G. Pittas - Trưởng khoa Nội tiết, Tiểu đường và Chuyển hóa tại Trung tâm Y tế Tufts (Mỹ) và là đồng tác giả của báo cáo - cho biết thêm, trong phân tích kết hợp bao gồm 4.190 người tham gia từ Nhật Bản, Mỹ và Na Uy, không có sự khác biệt về tác dụng phụ giữa nhóm sử dụng vitamin D và nhóm giả dược. 

Các tác giả lưu ý, khả năng giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường của phương pháp bổ sung vitamin D không lớn bằng các chiến lược phòng ngừa bệnh tiểu đường khác. Trong một nghiên cứu năm 2002 đăng trên Tạp chí y dược New England, việc điều chỉnh lối sống tích cực và dùng thuốc metformin giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lần lượt là 58% và 31%. Bên cạnh đó, ấn bản Annals of Internal Medicine nhấn mạnh rằng “lượng vitamin D hấp thụ ở mức cao nhất không mang lại nguy cơ ảnh hưởng xấu đáng kể đến sức khỏe được tất cả cơ quan chính phủ (Mỹ) quy định ở mức 100mcg (4.000 IU)”. 

Tiến sĩ Ambrish Mithal - Trưởng phòng Nội tiết và Bệnh tiểu đường của chuỗi bệnh viện Max Healthcare tại New Delhi, Ấn Độ - giải thích: “Những kết quả từ nghiên cứu chứng minh việc điều chỉnh tình trạng thiếu vitamin D với liều lượng vừa phải ở bệnh nhân tiền tiểu đường có thể giúp giảm gánh nặng bệnh tiểu đường. Tất nhiên, đây không phải là thuốc chữa bách bệnh nhưng có khả năng là một biện pháp can thiệp bổ sung, áp dụng cùng với những thay đổi lối sống mà chuyên gia đề xuất”. Ngoài vitamin D, còn có nhiều chất dinh dưỡng khác có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường như a xít béo omega-3, selenium và chromium.

Ngược lại, một phân tích tổng hợp bao gồm hơn 26.000 người tham gia không mắc bệnh tiểu đường cho thấy quá trình điều trị lâu dài bằng niacin (vitamin B3) có thể làm tăng tình trạng kháng insulin và lượng đường trong máu.

Báo cáo đăng trên Tạp chí y học Anh (BMJ) tuyên bố: “Một tác dụng phụ quan trọng có thể xảy ra đối với niacin là làm tăng mức đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tác động này cũng có thể xảy ra ở những người không mắc bệnh, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường”. Trong thời gian theo dõi kéo dài trung bình 43 tháng, khoảng 1.371 người tham gia được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Nói cách khác, việc điều trị cho 43 bệnh nhân không mắc bệnh tiểu đường bằng niacin trong 5 năm sẽ dẫn đến 1 trường hợp mắc bệnh tiểu đường mới. 

Ngọc Hạ (theo Medical News Today, Express.co.uk)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI