Vĩnh biệt nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương (1937-2021): Thơ đẫm yêu thương người gửi lại

25/12/2021 - 19:35

PNO - Thơ chính là người. Tâm tính chị thế nào thơ chị thế ấy. Đáng quý lắm một hồn thơ đôn hậu, sống trọn vẹn, tràn đầy nghĩa tình thủy chung như nhất.

Trong cuộc đời làm báo, tôi may mắn được quen biết với nhiều chị là con của người nổi tiếng, có thể kể đến chị Nguyễn Bính Hồng Cầu (con nhà thơ Nguyễn Bính), chị Giáng Vân (con nhà văn Lê Văn Trương), chị Lâm Bích Thủy (con nhà thơ Yến Lan), chị Tôn Nữ Hỷ Khương (con nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị)… Ở các chị, tôi nhận thấy đều có đức tính đáng quý là luôn thể hiện lòng hiếu thảo dành cho thân phụ. 

Tác giả Lê Minh Quốc và nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương
Tác giả và nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương 

Với chị Hỷ Khương, khi hay tin chị vừa qua đời vào lúc 4g sáng ngày 24/12/2021, như một lẽ tự nhiên, tôi lại nhớ có lần chị kể ngay từ thuở bé đã được cụ Ưng Bình dạy làm thơ. Tình cha con của chị còn là tình của thơ nữa. Và đây là bài thơ chị làm năm lên 8 gắn với kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu, chị kể: “Một hôm cô tôi là Công Tôn Nữ Diệu Phẩm (tức bà Phan Khắc Hòe) đến thăm thầy mẹ tôi. Cô có đem tặng gia đình một gói quà bọc ngoài bằng thứ giấy màu ngà. Tôi cứ xun xoe, tò mò, ngắm nghía, hồi hộp, thích thú, đợi chờ… Lúc cô Phẩm ra về, thầy tôi cho mở gói quà ra thì thấy những củ khoai tây màu vàng rất đẹp. Riêng tôi lại hơi buồn và thất vọng. Thầy tôi chắc đoán được ý tôi, nên ra ngay đề tài Gói quà của cô Phẩm tặng và bảo làm theo thể thơ tứ tuyệt”. Thế là chỉ trong thoáng chốc chị đọc ngay:

Cô Phẩm đem cho một gói này

Mở ra thì thấy củ khoai tây

Rứa mà em tưởng là phong bánh

Em chạy loanh quanh méc với thầy

Kể xong, chị cười vang.

Với tôi, đó là một ấn tượng về tình cha con thật đáng yêu. Ở trên đời, nếu quan niệm hạnh phúc còn là được trở thành tri kỷ với người cha của mình, tôi quả quyết trong số đó chắc chắn có chị Hỷ Khương. Do gần gũi với cha, về sau, kỳ diệu thay, chị lại “kết nối” những tri âm, tri kỷ của thân phụ đặng tiếp tục duy trì tình cảm tốt đẹp ấy. Nữ sĩ Mộng Tuyết có lần cho biết: “Hỷ Khương còn là người thư ký tốt, thay cha mà thư từ qua lại với các bạn làng văn làng thơ”. Mấy ai làm được như thế đối với bạn của cha mình?

Ngày xưa, khi còn học trung học, tôi đã nghe danh của chị vì bấy giờ thỉnh thoảnh thơ chị thường in trên Phổ Thông của chủ bút là nhà thơ Nguyễn Vỹ. Và, cũng từ tạp chí này, tôi mới biết rõ sự nghiệp văn học của cụ Ưng Bình. Rồi sau này, vài chục năm sau, như cơ duyên của những người cùng yêu văn nghệ, thích thơ văn, tôi cùng các anh chị, các bạn như Trương Nam Hương, Trần Hữu Lục, Hồ Đắc Thiếu Anh, Tôn Nữ Thu Thủy, Võ Ngọc Lan, Lê Thị Kim… đã có dịp thân thiết cùng chị.

Có thể nói, trong đời thường chị là người rất hòa nhã, vui vẻ và luôn thể hiện phong cách thanh lịch “rất Huế”. Tôi nhớ nhất vẫn là những cuộc họp mặt, chị làm những món ăn theo phong cách Huế và nhắn nhủ trìu mến: “Mấy em tới dùng bữa rồi đọc thơ cho vui hè”. Thân mật và tình cảm hết sức.

Từ trái: Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương, Tôn Nữ Thu Thủy, Hồ Đắc Thiếu Anh, Trần Hữu Lục, vợ chồng nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương và Trương Thìn.
Từ trái qua, nhà thơ Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương, Tôn Nữ Thu Thủy, Hồ Đắc Thiếu Anh, Trần Hữu Lục, vợ chồng nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương và Trương Thìn

Tôi còn biết thêm chị rất thân thiết với GSTS Trần Văn Khê, nữ sĩ Mộng Tuyết… Sở dĩ nhắc lại vì đây là hai tên tuổi lớn trong văn hóa Việt Nam, vậy, qua mối thâm tình này, ta thấy không chỉ quảng giao mà chị còn là người có tài nữa. Thơ của chị có thể kể đến Đợi mùa trăng (1964), Mộng thanh bình (1970), Còn gặp nhau (1999), Bâng khuâng tình khúc (2001), Thơ tình và tình thơ (2006), Thơ dâng Cha Mẹ (2007). Có lẽ bây giờ và sau này, người ta vẫn còn nhớ đến những câu thơ chan chứa niềm yêu đời yêu người, nghe ra rất gần với triết lý nhà Phật:

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui

Chuyện đời như nước chảy hoa trôi

Lợi danh như bóng mây chìm nổi

Chỉ có tình thương để lại đời…

​Thơ chính là người. Tâm tính chị thế nào thơ chị thế ấy. Đáng quý lắm một hồn thơ đôn hậu, sống trọn vẹn, tràn đầy nghĩa tình thủy chung như nhất. Nghĩ về nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, tôi tin rằng không chỉ riêng chúng tôi - những đứa em của chị - mà ngay cả người yêu thơ nhiều thế hệ cũng ngậm ngùi tiếc nhớ, như nhà thơ Trương Nam Hương vừa viết tiễn chị:  

Hồn hóa mây về thăm Vĩ Dạ

Rồi chia xa Huế, vượt vô thường

Thơ đẫm yêu thương người gửi lại

Chị là Tôn Nữ của sông Hương.

​Xin vĩnh biệt chị.

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI