Vĩnh biệt "Người bào chế thuốc giảm đau"

10/12/2015 - 07:54

PNO - “Chức năng của văn chương là thanh lọc tâm hồn người viết và cung cấp thuốc giảm đau cho người đọc. “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”..."

“Hơn hai mươi năm ông “đi chỗ khác chơi”/ đêm đêm, tôi ngồi vào bàn viết/ không nghe tiếng gõ cửa/ vẫn ông ngồi đó /đôi mắt nheo cười/ tẩu thuốc khóe môi/ trên tay, ly rượu nhỏ:/ “Ê nhóc!/ may lắm thì tụi mình chỉ là người truyền giảng hy vọng/ người bào chế thuốc giảm đau/ thế thôi nghe, đừng tưởng bở, nhà thơ!”.

Những câu thơ khắc họa đúng tính cách nhà văn Trang Thế Hy của nhà thơ Cao Xuân Sơn, sáng nay, đột ngột ùa về trong trí nhớ. Thật bất ngờ khi hay tin tác giả Nắng đẹp miền quê ngoại qua đời lúc 0g50 ngày 8/12/2015 tại nhà riêng (khu phố 1, P.Phú Tân, TP. Bến Tre), được an táng tại đất nhà vào ngày 10/12/2015.

Vinh biet

Nếu nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc Hiến có câu nói trứ danh “Cái nước mình, nó thế”, thì câu “Đi chỗ khác chơi” của nhà văn Trang Thế Hy cũng nổi tiếng không kém. Và bản thân ông đã sống như thế.

Chừng 20 năm trước, thỉnh thoảng còn gặp ông ở Hội Nhà văn TP.HCM, nhưng sau đó mới hay, ông bỏ tất cả để trở về ẩn dật tại Bến Tre. Ở nhà văn ấy, từ văn chương đến phong cách sống gần như một ẩn sĩ. Đố ai tìm thấy những tuyên bố, tuyên ngôn loạn xị của ông trên các diễn đàn ồn ào tiếp thị nhằm đánh bóng tên tuổi.

Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 9/10/1924 tại Châu Thành, Bến Tre. Sau năm 1954, từ quê nhà, ông lên Sài Gòn sống bằng nghề dạy kèm, sáng tác, viết báo. Hầu hết, các truyện ngắn của ông giàu tinh thần yêu nước.

Ông là một trong những cây bút chủ lực của tờ tuần báo Nhân loại. Bấy giờ, chính quyền Sài Gòn có chủ trương bắt bớ những người từng tham gia kháng chiến “thời chín năm”, ông và các cây bút như Sơn Nam, Viễn Phương, Dương Tử Giang… đều bị tù.

Bị giam từ năm 1962, đến năm 1963, nhà văn Tiếng hát và tiếng khóc được trả tự do. Sau đó, ông thoát ly ra vùng giải phóng làm công tác văn nghệ. Khi công bố truyện ngắn Anh Thơm râu rồng, lập tức Trang Thế Hy được giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội VHNT Giải phóng (1960-1965).

Nhân vật anh Thơm từ nhỏ đi ở đợ, nhiều lần bị hương quản Xung nhận đầu dìm dưới nước vẫn thoát chết. Sau này, sa vào tay kẻ thù, anh cũng bị những đòn tra tấn tương tự nhưng nhờ có kinh nghiệm nên sống sót: “Tôi nghĩ đây là thứ kinh nghiệm chua xót quá, chắc không ai muốn có những kinh nghiệm như vậy trong đời mình”. Đọc lại truyện ngắn ra đời đã lâu nhưng vẫn còn thấm thía, bùi ngùi quá đỗi.

Với những gì đã viết, so với các tác giả cùng thế hệ, rõ ràng nhà văn Trang Thế Hy viết không nhiều. Thế nhưng, những gì ông để lại, những con chữ ấy như còn đang cựa quậy trên trang viết, vẫn tươi mới và còn có ý nghĩa thời cuộc.

Nghĩ cho cùng, văn chương thời buổi nào cũng thế, nếu ngòi bút nhà văn khai thác đến tận cùng nỗi đau, số phận của người cùng khổ, qua đó, thắp lên niềm hy vọng về ngày mai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn vẫn là cốt lõi của muôn đời.

Nói như Trang Thế Hy, nhà văn “chỉ là người truyền giảng hy vọng”. Tôi rất thích và nhiều người cũng thích truyện Con mèo hoang và nhà thơ có gia cư. Dù thế nào đi nữa, nhà văn ấy dù sống trong hoàn cảnh bi đát, thì vẫn không ngừng nuôi dưỡng sự hy vọng vì: “Nó giúp ông vùng vẫy ngoi ra khỏi nỗi cô độc bi thảm và chỉ hướng cho ông vươn tới niềm cô đơn cao quý của một người cầm bút”.

Có thể xem đây như lời tự sự của chính Trang Thế Hy khi cầm bút.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI