Kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du: Hương gây mùi nhớ

09/12/2015 - 16:29

PNO - Có bao nhiêu sáng tác từ văn chương bác học đến văn chương bình dân lấy cảm hứng từ Kiều? Đã có bao nhiêu cuộc tranh luận từ Truyện Kiều?

“Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy” (Mộng Liên Đường Chủ Nhân). Sau khi ra đời, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã trở thành một “điều kiện”:“Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống chè Chính Thái xem nôm Thúy Kiều”.

Truyện Kiều đến nay có bao nhiêu bản? Đã dịch ra bao nhiêu thứ tiếng trên thế giới? Có bao nhiêu ấn phẩm được ấn hành với khát vọng tiếp cận đến nguyên bản của Nguyễn Du? Có bao nhiêu sáng tác từ văn chương bác học đến văn chương bình dân lấy cảm hứng từ Kiều? Đã có bao nhiêu cuộc tranh luận, bút chiến từ kiệt tác Truyện Kiều? Những câu hỏi đó, mãi mãi để ngỏ, chẳng ai có thể trả lời nổi.

Ky niem 250 nam ngay sinh dai thi hao Nguyen Du: Huong gay mui nho
Bộ sưu tập của ông Phạm Đan Quế

Càng về sau, hậu thế càng thấy ánh sáng từ viên ngọc quý Truyện Kiều càng tỏa sáng, không chỉ gần gũi với hiện tại mà còn dự báo về phía tương lai. Không hề ngoa ngôn khi bảo rằng Truyện Kiều chính là linh hồn của dân tộc Việt. “Những câu thơ thành ca dao, tục ngữ/ Ru hồn ta như tiếng mẹ ru nôi” (Tế Hanh), “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (Chế Lan Viên).

Với một “khúc tình từ quán tuyệt thiên cổ” như Truyện Kiều, bất luận thời điểm nào cũng là niềm say mê, kích thích thú sưu tập của dân chơi sách cũ. Bởi với Truyện Kiều, mỗi chữ, mỗi từ trong 3.254 câu thơ đều “nhất tự thiên kim”, có thể mở ra những cuộc tranh luận bất tận về ngữ nghĩa, linh hồn tiếng Việt; huống gì một bản in cũ được tìm tòi, phát hiện. Vì rằng, khi tìm về nguyên tác Truyện Kiều hoặc tiếp cận văn bản gần nhất với Truyện Kiều từ hàng trăm năm nay đã là thử thách ghê gớm với các nhà ngôn ngữ học, các nhà nghiên cứu.

Sự thử thách ấy cũng chính là nỗi đam mê, say đắm không dứt của nhiều người sưu tập Truyện Kiều. Nếu tiến sĩ Chu Mạnh Trinh ước ao đến độ “đúc sẵn nhà vàng chờ người quốc sắc”, “mượn chùm phương thảo hú vía thuyền quyên” thì dân mê sách cũ cũng thế.

Nếu có duyên tìm được, chắc chắn “nghìn vàng đổi lấy Truyện Kiều như chơi”. GS-TS Mai Quốc Liên - Giám đốc Trung tâm Quốc học cho biết: “Ở Luân Đôn, quyển Truyện Kiều nôm, chép tay vào năm 1894 đã được Thư viện Anh quốc (The British Library) mua tại một cửa hàng sách quý hiếm với giá cực đắt”.

Đã có nhiều người mê Truyện Kiều sưu tập những bản in trải qua nhiều năm tháng. Tuy nhiên, khó có thể xác định ai đang lưu giữ bản Kiều cổ nhất. Sưu tập Truyện Kiều còn hữu ích cho học thuật, bởi đó là dịp trở về với ngữ nghĩa của tiếng Việt. Trong đó, nhiều từ gây tranh cãi tưởng chừng như khó có thể dẫn đến kết quả cuối cùng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân là người rất có cơ duyên với Kiều. Lúc sang Pháp, ông đã sưu tầm được bản Kim Vân Kiều tân truyện do Liễu Văn đường khắc in năm 1871, được xem là bản cổ nhất vào thời điểm cách đây chừng mươi năm. Không ngờ, ông lại còn được Khu lưu niệm Nguyễn Du cho phép sao chụp lại nguyên bản Kiều cũng của nhà in Liễu Văn đường năm 1866.

Với những bản in này, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân đã thực hiện nhiều tập sách khảo cứu công phu, giá trị, giúp ích cho công việc tiếp cận nguyên bản Truyện Kiều, hoặc ít ra cũng gần với văn bản thời Nguyễn Du.

Có thêm điều thú vị, căn cứ vào các chữ khắc in, chữ “kỵ húy”, ông cho rằng tác giả đã viết sau khi đi sứ nhà Thanh năm 1813; trong khi đó, lại có nhiều ý kiến khác. Như vậy sưu tập Truyện Kiều không chỉ giữ bản in cụ thể mà còn có thể dẫn đến những cuộc trao đổi hữu ích về học thuật.

Cũng từ đó, nhiều nhà nghiên cứu đã tiếp cận và tiếp tục khảo sát các văn bản ấy. Chuyệ n thú vị về thú sưu tập Truyện Kiều phải nhắc đến ông Phạm Đan Quế. Ông Quế cho biết từ năm 1967, là giáo viên dạy toán ở Hải Dương nhưng do mê Kiều nên ông đã không ngừng sưu tập, nghiên cứu bằng tất cả sự thành kính đối với tiền nhân.

Đến nay, ông đã viết được 15 cuốn sách liên quan đến Truyện Kiều, xứng đáng được gọi là nhà Kiều học. Từ những quyển sách này, bạn đọc trẻ có thể hiểu thế nào là lẩy Kiều, bói Kiều, đố Kiều, tập Kiều...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI