Chuyên đề: Đừng biến mình thành người thân xa lạ

Vì sao bé G. chọn sống cùng bảo mẫu, từ chối bà ngoại?

26/10/2020 - 07:18

PNO - Cuộc tranh chấp giữa bà ngoại và bảo mẫu của bé G., (ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) tạm khép lại. Công an huyện Nhà Bè giao đứa trẻ cho bảo mẫu tiếp tục chăm sóc. Bà ngoại - người thân duy nhất của bé G. đã không thể giành lại quyền nuôi dưỡng cháu.

 

Một bảo mẫu ở huyện Nhà Bè (TPHCM) đã được công an huyện giao quyền nuôi dưỡng đứa trẻ trong cuộc tranh chấp với bà ngoại ruột của bé. Trước những băn khoăn của bạn đọc, Báo Phụ Nữ TPHCM xin giới thiệu những góc tiếp cận câu chuyện đặc biệt này...

 

Trong tình huống đặc biệt đó, một người ruột thịt đã thua cuộc trước một người dưng khi giành quyền nuôi dưỡng đứa trẻ máu mủ của mình. Một yếu tố quan trọng khiến Công an huyện Nhà Bè quyết định giao trẻ cho bảo mẫu, là vì bé G. không chịu theo về cùng bà ngoại. Đứa bé 6 tuổi chọn sống cùng bảo mẫu.

Lý lẽ của đại diện Công an huyện Nhà Bè là “xét về tình thì tình cảm, cơ quan chức năng muốn tạo điều kiện, môi trường tốt nhất cho cháu bé, để cháu được ổn định tinh thần và đi học”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vậy, đây không còn là câu chuyện giữa người ruột thịt và người dưng, mà chính xác là chuyện giữa người ruột-thịt-xa-lạ và người-dưng-gắn-bó. Cơ quan công an đã không căn cứ vào mức độ thân - sơ về huyết thống, mà căn cứ vào mức độ gắn bó. Chính đứa trẻ đã chọn bảo mẫu, từ chối theo về cùng bà ngoại.

Không kể đến những nội tình có thể cần đào sâu hơn để lý giải về tính pháp lý của câu chuyện - thì thất bại của một người bà cụ thể này có thể sẽ khiến rất nhiều người lớn khác giật mình. Ta là người sinh ra, người có mối quan hệ huyết thống gần nhất - không có nghĩa rằng ta sẽ được lựa chọn để nuôi một đứa trẻ. Tư cách nuôi dưỡng một đứa trẻ có lúc đã có thể bỏ qua một thứ quyền lực mặc định của máu mủ.

Nhìn rộng hơn, chúng ta có rất nhiều “bé G.” trong xã hội này. Bố mẹ bận bịu. Đứa trẻ ở với bảo mẫu (hoặc ông bà). Công việc càng bận càng làm hao đi quỹ thời gian vốn đã ít ỏi mà các bậc phụ huynh dành cho con trẻ. Mỗi chiều về, bà mẹ đưa tay đón con dưới sân chung cư, đứa trẻ quay ngoắt giữ lấy vai bảo mẫu, không chịu theo mẹ. Nhiều bà mẹ văn phòng kể cho nhau nghe rằng đứa con bốn tuổi của mình chỉ kêu bà ngoại hoặc bảo mẫu bằng “mẹ”, còn gọi mẹ bằng… tên.

Hình ảnh đó quen thuộc đến mức chỉ… gây cười. Nhưng, trong từng lần quay ngoắt khỏi cánh tay mời mọc của mẹ, đứa trẻ đã lựa chọn. Chỉ là, đó là những tình huống mà người ta có thể dễ dàng cứu chữa. Cho đến khi thử “cực đoan hóa” nó thành một cuộc giành con giống như nhân vật bà Hoàng trong câu chuyện ở Nhà Bè nọ. Trong cuộc “tranh giành” đó, thì cái lắc đầu của đứa trẻ dưới sân chung cư có khi đã phủ định luôn “tư cách nuôi dưỡng” của những bà-mẹ-xa-lạ. Dù mức độ khác nhau, nhưng sự khước từ bà Hoàng (mẹ bé G.) vừa nhận lãnh có lẽ đã có triệu chứng từ sớm, giống những cái quay ngoắt của hàng ngàn đứa trẻ “xa mẹ - gần bảo mẫu” bình thường.

Hầu hết phụ huynh ở thế hệ này đang mải mê kiếm tiền, đang long đong vạ vật với từng bữa ăn hay quýnh quáng bon chen cho con một cơ hội vào trường xịn. Thời gian không còn. Những lần chăm sóc, gần gũi với con phải nhờ vào một người khác. Từng khoảnh khắc quan trọng của đời con phải trải qua cùng bảo mẫu. Những lần con sợ sệt nhất, hoang mang nhất, hay hạnh phúc nhất - ta đang ở đâu đó để quần quật kiếm tiền đặng “dành những gì tốt nhất cho con”.

Dần dà, sự gắn kết với con chỉ còn là… máu mủ. Một đứa trẻ chưa biết đến đồng tiền, chưa hiểu gì về “điều kiện sống” chỉ ghi nhận “tình thân” bằng chính sự chăm sóc trực tiếp, sự gần gũi, bằng những yêu thương hữu hình như là một cái ôm, một giấc vỗ về… “Bà ngoại”, “mẹ”, “ba” đều chỉ là những vỏ ngôn ngữ dùng để gọi tên một người - nếu nó không được làm đầy bằng nội hàm yêu thương thực sự.

Có thể, việc đem lựa chọn của trẻ con để soi chiếu những lựa chọn tình thế của những phụ huynh đang nặng gánh mưu sinh - là có phần bất nhẫn. Có những hoàn cảnh không thể đặng đừng. Có những tình huống ta chỉ có duy nhất một cách yêu con là tạm giao con cho người khác để đi kiếm tiền - để duy trì sự sống vật chất cho con ở mức tối thiểu. Nhưng, phần đông ông bố bà mẹ trong xã hội này không ngặt nghèo đến thế. Hầu hết người ta vẫn có cơ hội làm một công việc vừa đủ nuôi con, vừa đủ dành cho con vài tiếng mỗi ngày - để gắn bó. Chỉ có điều, khi đã có một nơi an toàn để gửi con, ta dễ lao vào những cám dỗ công việc để rồi phải về trễ hơn, trễ hơn nữa. Thời gian dành cho con dễ đánh đổi hơn bao giờ hết, trước “đòi hỏi công việc”.

Thực tế cho thấy, không phải lúc nào trẻ cũng có tình cảm gắn bó với cha mẹ, ông bà (ảnh minh họa)
Thực tế cho thấy, không phải lúc nào trẻ cũng có tình cảm gắn bó với cha mẹ, ông bà (ảnh minh họa)

 

Có lẽ, khi cơm lành canh ngọt, việc một đứa trẻ nhất quyết đòi theo bảo mẫu sẽ chẳng có gì đáng báo động. Thậm chí điều đó còn khiến bố mẹ thuận lợi hơn để làm bao việc công ty, việc xã hội, việc riêng tư. Xét về mặt xã hội, một đứa trẻ không muốn gần bố mẹ cũng chẳng hề hấn gì nếu đã có người khác bù vào cái vị trí mà bố mẹ nó bỏ lửng. Bố mẹ kiếm sống, con lớn lên, bảo mẫu chăm bẵm - mỗi người một việc, thiên hạ thái bình.

Theo thời gian, con lớn, bảo mẫu rời đi, đứa trẻ đã không còn nhu cầu phải quá gần gũi một người lớn nào đó, quan hệ cha mẹ con cái cũng trở thành một mối quan hệ bình đẳng hơn (không còn là quan hệ giữa một người lớn và một đứa trẻ phụ thuộc mọi mặt) - nhà cửa vẫn tiếp tục thái bình.

Những ông bố bà mẹ từng giao đứa trẻ còn bập bẹ cho bảo mẫu sẽ dễ dàng tiếp tục giao con cho trường lớp, bạn bè, cho cả thế giới vị thành niên riêng tư và cô độc nào đó. Đứa trẻ đã tự lo được những sinh hoạt cá nhân cũng tiếp tục lớn lên mà không cần phải thân thiết với bố mẹ… 

Việc một đứa trẻ có nhận thức chọn ai để gần gũi đã trở thành một lựa chọn cá nhân. Chuyện mất quyền nuôi dưỡng cháu một cách… dễ hiểu mà ngang trái đến mức như chuyện bà Hoàng ở Nhà Bè cũng không phải phổ biến. Người ta hầu hết vẫn được quyền cao nhất trong việc nuôi dưỡng con mình. Nhưng trong sâu xa, khi loài người vẫn xem tình thân là một loại gắn bó mặc định, xem huyết thống là một ràng buộc đến hết đời - thì nếu một đứa con không muốn gần bố mẹ, nếu sự ràng buộc không đi cùng sự gắn bó sẽ dẫn đến một mối quan hệ bi kịch. Không gì ngang trái hơn việc người ta không thể thân thiết, thấu hiểu, hay không-muốn-gần-gũi ruột thịt của mình.

Vậy, phụ huynh phải làm gì? Con trẻ không nhất thiết phải có một sự gắn bó toàn thời gian, nhưng nhất định phải có một sự giao tiếp chất lượng với bố mẹ. Giao tiếp chất lượng đó chính là sự hiện diện thực chất và cố định mà bố mẹ ưu tiên dành cho con mỗi ngày. Là một khoảng thời gian, một con người toàn tâm toàn ý mà không điện thoại, công việc, đồng nghiệp, bạn bè… nào có thể “xâm phạm”. Là một hình thức gắn bó nào đó mà mỗi ông bố bà mẹ có thể là một nhà sáng tạo để tạo tác cùng con, mỗi ngày.

Tôi biết có những đứa trẻ ở nhà với bà mỗi ngày tám tiếng nhưng vẫn thân thiết với bố mẹ. Tôi biết nhiều “hot mom” chia sẻ cách làm mẹ giữa bộn bề công việc bằng cách dành cố định cho con hai giờ mỗi ngày. Mỗi người một cách. Phụ huynh chỉ cần một lần thức tỉnh, định nghĩa lại khái niệm “cho con những gì tốt nhất”. Trong “những gì tốt nhất với con” đó, không thể thiếu sự hiện diện của bố mẹ. 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI