Về nơi có nhiều cánh đồng

15/01/2020 - 19:04

PNO - Về nơi có nhiều cánh đồng là quyển du ký họa của họa sĩ trẻ Lê Phan kể về nhóm bạn Indigo với hành trình di cư từ phố X. về thung lũng Têu-y-pot trong lòng rặng núi Ngọc Linh (Kon Tum).

 

Ở rừng, mọi thứ đều không có sẵn. Độc giả sẽ được hiểu thêm về những nhiêu khê và thú vị qua các câu chuyện nhỏ: làm sao để tự tay xây nhà, đào ao, trồng một khu vườn có hoa có rau, sống với những người dân tộc Giẻ Triêng, phân biệt các loại cuốc xẻng, hay thậm chí là chuyện “nhạy cảm” như cách đi vệ sinh ngoài vườn trước những đôi mắt tò mò của bọn… heo mọi. 

Những câu chuyện giản dị, nhẹ nhàng và đáng yêu nhờ cách kể chân thật của Lê Phan, cậu họa sĩ gia nhập “cuộc về làng” từ những ngày đầu tiên. Mỗi trang sách mở ra một ngày bình thường, nhưng luôn chứa đựng những trải nghiệm mới, những bí mật, những bài học, những câu hỏi… mà người ta chỉ có thể khám phá khi sống chậm lại. Qua từng khung tranh, người đọc được chạm đến những kết nối mà mình đôi khi bỏ quên trong quá trình “làm người lớn bận rộn”. Như kết nối với tuổi thơ lúc chợt nhận ra “mùi đất này, khung cảnh này, giống hệt ký ức của mình với rẫy cà phê của ba”, “Thiêng liêng quá ha, ngồi đây thấy được nguồn nước của mình”; hay với chính mình lúc tự vấn rằng ở lâu trong rừng, liệu chúng ta “có biến thành thú hoang không?”.

Về giữa thiên nhiên, con người được gắn kết với những điều chưa bao giờ biết (và từng nghĩ là không cần phải biết), như tên và công dụng của một cái cây, sự nhanh chậm của thời gian, hay tận tai nghe tiếng lục bục hơi nước của một trái cà tím nướng… Về với thiên nhiên để thấy mình như con trẻ, muốn hát dưới ánh trăng, hay cùng hân hoan trước ánh sáng của một con đom đóm…

Hành trình này cũng là giấc mơ của nhóm bạn Indigo - một giấc mơ về ngôi làng bình an, sống hạnh phúc bên những vạt rừng, nuôi rừng và cùng trồng thêm rừng. “Têu-y-pot” trong tiếng Giẻ Triêng có nghĩa là “nơi có nhiều cánh đồng và nhiều tiếng chim vang gọi núi rừng”. Nhóm bạn bắt đầu giấc mơ từ chính bản thân họ, tiếp cận bằng năng lực, sự nghiên cứu và thực hành nghiêm túc các phương pháp nông - lâm nghiệp bền vững, xây dựng bằng kỹ thuật kiến trúc thích ứng với môi trường và văn hóa địa phương. 

Đọc cuốn du ký họa của Lê Phan, cảm giác có những điều đẹp đẽ, can đảm và giản dị đang tồn tại đâu đó, luôn làm người ta thấy nhiều hy vọng, cảm hứng và yêu đời. Thú vị hơn cả, là khi một quyển sách được bán ra, thì một cái cây cũng sẽ được trồng thêm ở thung lũng Têu-y-pot. 

Phiên Nghiên

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI