Về đích ngoạn mục

15/08/2014 - 19:40

PNO - PN - Chỉ trong một ngày (13/8), họ đã làm được điều chưa từng có phụ nữ nào làm được trước đây. Đó là khi Maryam Mirzakhani người Iran trở thành nữ chủ nhân đầu tiên của giải thưởng toán học Fields và Jo Pavey (người Anh)...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ve dich ngoan muc

Nữ chủ nhân đầu tiên của giải thưởng Fields, bà Maryam Mirzakhani - Ảnh: Guardian

Năm rồi, trong buổi nói chuyện tại Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ, bà Maryam Mirzakhani thừa nhận: “Rào cản xã hội đối với các cô gái có lòng đam mê toán học có thể nói vẫn không thay đổi gì so với khi tôi mới lớn lên. Tìm được sự cân bằng giữa sự nghiệp toán học và gia đình vẫn là thách thức lớn mà ít ai vượt qua được. Cuộc sống thực tế khiến phụ nữ đam mê môn toán khó đưa ra được một quyết định đúng đắn và thường phải chọn giải pháp thỏa hiệp”.

Giáo sư Frances Kirwan của Đại học Oxford và là một trong những nhà toán học hàng đầu thế giới, nói với BBC: “Xưa nay người ta cứ mặc định toán học là lĩnh vực của nam giới dù phụ nữ đã đóng góp không ít vào sự phát triển của ngành này từ cả trăm năm nay”. Đó là điều đang diễn ra ở nhiều nước. Chẳng hạn tại Anh, trong số các sinh viên tốt nghiệp đại học ngành toán có hơn 40% là nữ, nhưng hầu hết đã rơi rụng khi bước vào các bậc học sau đại học. Bây giờ số phụ nữ đạt học vị tiến sĩ toán học ở Anh chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

“Hy vọng Mirzakhani sẽ là tấm gương để các cô gái ở Anh cũng như những nước khác noi theo”, Giáo sư Frances Kirwan tôn vinh Mirzakhani như thế.

Sinh ra và lớn lên ở Iran, khi còn nhỏ, Mirzakhani đam mê những con chữ chứ không phải những con số. Mãi đến năm cuối bậc trung học, cô nữ sinh này mới chợt nhận ra mình thích toán học. Người tạo cơ hội để Mirzakhani phát triển cũng là một phụ nữ. Đó là vị hiệu trưởng trường trung học mà cho đến giờ, Mirzakhani vẫn xem là người đầu tiên giúp cô nhận ra sự quan trọng của toán học trong mọi lĩnh vực của đời sống. Nhờ vậy mà Mirzakhani có thành công đầu tiên: đoạt HCV Olympic toán học quốc tế trong hai năm liên tiếp 1994 và 1995. Lần đầu ở Hồng Kông, Mirzakhani chỉ để mất một điểm và đến lần sau ở Toronto cô đạt số điểm tuyệt đối.

Ve dich ngoan muc

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye trao huy chương Fields cho Maryam Mirzakhani - Ảnh: AFP

Mọi nhà toán học trên thế giới đều không chỉ xem giải thưởng Fields là thành tựu của riêng Maryam Mirzakhani mà đó sẽ là khởi điểm cho thời kỳ phụ nữ “tấn công” vào lĩnh vực toán học. Điều Mirzakhani làm được cũng có thể nhiều phụ nữ khác làm được, miễn là họ nuôi dưỡng đam mê và đầy đủ nghị lực để tìm được cách thức phù hợp vượt khỏi “rào cản” - kể cả về định kiến lẫn thực tế khách quan.

Trong gia đình, Jo Pavey như mọi bà mẹ khác, nhưng ở một bình diện lớn hơn, cô chính là hiện thân của nỗ lực vượt qua mọi rào cản. Tại giải Điền kinh châu Âu diễn ra tuần này, Jo đoạt huy chương vàng ở cự ly 10.000m. Tất nhiên, trong thi đấu, ai cũng có thể đoạt huy chương, nhưng Jo là một ngoại lệ. Cô giành ngôi quán quân khi mới sinh con 11 tháng và vừa thôi cho con bú mẹ cách nay bốn tháng.

“Người mẹ vĩ đại” một tờ báo Thụy Sỹ đã giật tít như thế khi nói về chiến thắng của Jo. Đặc biệt hơn, vinh quang đến với Jo khi cô chuẩn bị mừng sinh nhật thứ 41, trở thành người phụ nữ lớn tuổi nhất từng đoạt chức vô địch ở cự ly gian khó này.

Chứng kiến cảnh Jo tập luyện khi đã mang thai đến tháng thứ năm, nhiều người rất ái ngại cho cô. Nhưng cũng có người dè bỉu “Đồ điên khùng!”. Khi bé Emily vừa được bốn tháng tuổi, Jo đã cho cháu ngưng bú mẹ để bắt đầu vào chu kỳ luyện tập cho hai giải lớn: Đại hội Thể thao khối Thịnh vượng chung và giải điền kinh vô địch châu Âu.

Ve dich ngoan muc

Jo Pavey trên đường về đích cuộc thi chạy 10.000m - Ảnh: Guardian

Một lần nữa, người ta lại ái ngại khi nhìn cảnh Jo tập luyện với Gavin, chồng và cũng là huấn luyện viên của cô, những lúc đó Gavin địu bé Emily trên ngực trong lúc mắt vẫn theo dõi từng vòng chạy của vợ. Tuy nhiên, cả vợ lẫn chồng đều không vướng bận gì với những “lời ong tiếng ve” ấy, bởi họ biết thời gian không dừng lại để chờ Jo. Bây giờ hoặc không bao giờ, nếu không chiến thắng ở hai giải này năm nay, gánh nặng tuổi tác không cho phép Jo có cơ hội nào khác trong tương lai.

Giới điền kinh không xem đây là chiến thắng của riêng Jo Pavey mà còn cho rằng thành quả này tạo niềm cảm hứng cho những phụ nữ tưởng rằng không thể chơi thể thao đỉnh cao khi có con nhỏ hoặc khi đã bước qua “tuổi băm”.

Ve dich ngoan muc

Sau chiến thắng, Jo Pavey lao đến ngay khán đài nơi chồng và hai con đang chờ cô - Ảnh: Daily Mail

“Hãy làm tất cả những gì có thể, để khi mọi việc kết thúc, bạn không có gì phải hối tiếc” là phương châm sống của Jo. Điều đó giúp Jo lần lượt vượt qua từng đối thủ. Có lẽ các đối thủ của Jo không thể tin rằng một phụ nữ hơn 40 tuổi, lại vừa sinh con chưa tròn năm, lại đủ sức mạnh và quyết tâm cạnh tranh với họ. Nhưng, thế mới là hấp dẫn và gay cấn, khi trên đường đua, chỉ Jo là người duy nhất tin vào năng lực của mình.

Jo hy vọng sẽ có mặt ở Olympic Rio de Janeiro 2016, nhưng nếu không có cơ hội đó thì cũng chẳng sao. “Mục tiêu lớn nhất trong đời tôi vào lúc này không phải là thành tích thể thao nữa, mà làm sao trở thành một người mẹ tốt”, Jo nói khi được các nhà báo hỏi về tương lai.

 THIỆN NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI