Văn học thiếu nhi không còn là “chiếu dưới”

08/06/2023 - 06:26

PNO - Ngày càng nhiều tác giả tham gia viết cho trẻ nhỏ, giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi ngày càng phong phú, cơ hội bước vào sân chơi quốc tế mở ra… Văn học thiếu nhi đang vào quá trình phát triển vừa khởi sắc vừa được nâng chất, nâng tầm.

Nhiều sự trở lại bất ngờ

Ngày 1/6, giải thưởng Dế Mèn của Báo Thể thao và Văn hóa chính thức công bố kết quả. Nhiều tác phẩm thiếu nhi hay được gọi tên. Năm nay, bên cạnh bản thảo dự giải của các cây bút nhí còn có tác phẩm của các nhà văn: Trần Đức Tiến (Alô!… Cậu đấy à?), Huỳnh Trọng Khang (Khu rừng trong chai), Uông Triều (Vua ngan xóm hồ), Nguyễn Thụy Anh (Phù thủy sợ ma)…

Nhiều tác phẩm văn học mới hay, hấp dẫn giúp hình thành thói quen đọc sách của trẻ em  - ẢNH: HỒ HUY SƠN
Nhiều tác phẩm văn học mới hay, hấp dẫn giúp hình thành thói quen đọc sách của trẻ em - ẢNH: HỒ HUY SƠN

Nhà văn Trần Đức Tiến từng có tác phẩm thiếu nhi Xóm bờ giậu được trao giải B - Giải thưởng sách Quốc gia 2019. Huỳnh Trọng Khang - cây bút trẻ nổi bật với thể loại truyện dài - đã chơi với trẻ con bằng những câu chuyện đầy sáng tạo, dễ thương. Nhà văn Uông Triều vốn nổi tiếng với tiểu thuyết lịch sử nay có thêm tác phẩm dành cho trẻ nhỏ. Trong sự trở lại của thế hệ các nhà văn đi trước trong mùa hè này còn có Lý Lan (truyện dài Tự truyện một con heo), Nguyễn Khắc Cường (Kho báu trong thành phố), cùng các tác giả Phi Tân (Cổ tích của ba), Nguyễn Mỹ Nữ (Nào cùng nhón chân)…

Ngày 30/5, Nhà xuất bản Kim Đồng chính thức công bố giải thưởng văn học Kim Đồng, phát động sáng tác văn học thiếu nhi trên cả nước. Lâu nay, đơn vị vẫn thường cho ra mắt nhiều tựa sách thiếu nhi vào dịp hè. Những tác phẩm phát hành gần đây gồm: Cá Linh đi học (Lê Quang Trạng), Vương quốc ngộ nghĩnh (Nguyễn Thị Kim Hòa), Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ (Lạc An), 100 cửa sổ (Phát Dương)… Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã phát động Cuộc vận động sáng tác về đề tài thiếu nhi (giai đoạn 2021-2025).

Nhiều năm trước, văn học thiếu nhi thường được xem là “chiếu dưới”, ít được quan tâm. Thế nhưng, những giải thưởng tôn vinh giá trị, có sức lan tỏa lớn cùng sự quan tâm của các đơn vị làm sách, hội nghề nghiệp đã tạo nên sự cộng hưởng. Văn học thiếu nhi ngày càng khẳng định vị thế. Sự tham gia ngày càng đông đảo của các tác giả viết cho thiếu nhi đã mang đến cho trẻ thơ nhiều tác phẩm đa dạng đề tài, thể loại với những sáng tạo bay bổng, hài hước, có dấu ấn riêng. “Có thể nói văn học thiếu nhi đang có những chuyển biến mạnh mẽ và đang bước sang một giai đoạn phát triển mới: hội nhập sâu rộng với toàn cầu. Chúng ta hãy chờ đợi một mùa văn mới” - nhà văn Lê Phương Liên - Ủy viên Hội đồng văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam - nhận định. 

Cánh cửa mở rộng 

Hội sách thiếu nhi châu Á lần thứ 14 vừa diễn ra tại Singapore (từ ngày 25 - 28/5) có sự tham gia của đại diện một số nhà xuất bản Việt Nam. Trên gian hàng sách Việt Nam, ngoài các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là các tựa: Hip Hop ở xứ sở Ellsaby, Hip Hop và khu rừng vàng (Isabelle Muller), Ngài Kẹo (Quỳnh Trần), Đã có Mắm còn thêm Xì Dầu (Nguyễn Thị Thanh Bình), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần), Chang hoang dã - Gấu (Trang Nguyễn - Jeet Dzũng)…; cùng nhiều bộ sách tranh về lịch sử, sách kỹ năng dành cho trẻ nhỏ. Đoàn Việt Nam cũng tổ chức nhiều buổi giao lưu, tọa đàm về sách - xuất bản sách thiếu nhi trong nước.

Một số tựa sách được chọn giới thiệu tại sự kiện này tuy chưa khái quát hết diện mạo của văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại nhưng vẫn là mở thêm cánh cửa trên con đường hội nhập. Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nhận định - chất lượng, kỹ - mỹ thuật của sách thiếu nhi Việt Nam hiện đang ngang tầm với khu vực và thế giới. Ông cũng cho rằng thị trường sách thiếu nhi Việt Nam đang mở ra cơ hội lớn cho các đơn vị làm sách trong việc giao lưu, hợp tác, giao dịch bản quyền với các nhà xuất bản các nước. 

Bản sắc luôn tạo nên dấu ấn đặc biệt khi tác phẩm bước ra thế giới. Những tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa vùng miền được nhìn thấy thời gian qua, có thể kể đến: Thung lũng Đồng Vang (Trung Sỹ) với miền cao phương Bắc, Cá Linh đi học (Lê Quang Trạng), Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm (Cao Khải An) đậm chất miền Tây Nam Bộ, Đu đưa trên ngọn cây bàng (Nguyễn Hoàng Diệu Thủy), Mùa hoa lưng chừng gió (Nguyễn Thu Hằng) viết về vùng quê Bắc Bộ, Cá Voi Eren đến hòn Mun và Đảo Thần Kiếm (Lê Đức Dương) với vẻ đẹp của văn hóa biển…

Trong một buổi giao lưu trực tuyến với giới cầm bút và bạn đọc Việt Nam, nhà văn Hoàng Bội Giai (cây bút viết cho thiếu nhi nổi tiếng Trung Quốc, có nhiều tác phẩm đã được xuất bản tại Việt Nam) chia sẻ rằng nhiều nhà văn Trung Quốc đã chọn viết về những vùng đất văn hóa khắp đại lục. Các tác phẩm ấy cùng tạo nên một vệt dấu ấn đặc biệt cho văn học thiếu nhi trong nước. Kể một câu chuyện trên phông nền là bối cảnh văn hóa - lịch sử của một vùng đất có lẽ cũng là điều những người cầm bút nên chú ý. Dấu ấn văn hóa làm nên sự khác biệt và cũng là niềm tự hào khi tác phẩm bước ra thế giới. 

Lục Diêp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI