Văn chương xa xứ tìm về nguồn cội

26/05/2025 - 06:33

PNO - “Văn chương gốc Việt”, “văn học di dân” là cách gọi tác phẩm của những cây bút gốc Việt ở nước ngoài. Trong những trang viết của mình, họ đã cùng nhau góp nên những mảnh ghép ký ức về lịch sử - văn hóa và khát vọng cội nguồn.

Cuộc trở về của những trang viết

“Những ngày văn học châu Âu” (vừa diễn ra tại TPHCM, Huế và Hà Nội) đã giới thiệu với bạn đọc Việt Nam nhiều tác phẩm mới của những cây bút gốc Việt cùng những buổi giao lưu, trò chuyện về “văn học di dân”. “Khám phá những lịch sử ẩn giấu”, “Văn chương và dòng chảy văn hóa”, “Căn tính và di sản văn hóa”… là những chủ đề dành cho các cuộc gặp gỡ văn chương xuyên Việt vừa qua. Các tác giả gốc Việt đã trao gửi đến bạn đọc những “tiếng nói” và “trải nghiệm con chữ” cùng “cảm hứng cội nguồn” qua tác phẩm của mình.

Một số tác phẩm của tác giả gốc Việt được ra mắt, giới thiệu tại sự kiện “Những ngày văn học châu Âu” vừa qua
Một số tác phẩm của tác giả gốc Việt được ra mắt, giới thiệu tại sự kiện “Những ngày văn học châu Âu” vừa qua

Cuộc trở về của những trang viết lần này đa dạng với những tác phẩm nhiều thể loại: Nọc bướm (tiểu thuyết, Anna Mọi), Ba áng mây trôi dạt xứ bèo (tự truyện, Nuage Rose Hồng Vân), Kí ức kiều bào (truyện tranh, họa sĩ Pháp gốc Việt Clément Baloup)… cùng những truyện ngắn, thơ được giới thiệu, chia sẻ trong khuôn khổ các sự kiện giao lưu. Qua lăng kính của những cây bút xa xứ, bạn đọc Việt được tiếp cận những câu chuyện từ nhiều nền văn hóa, với những trải nghiệm riêng và sự khác biệt trong góc nhìn, tiếp cận đề tài.

Lần đầu tiên, cuộc sống của lao động Việt di dân từ 100 năm trước được tái hiện trong 2 tập sách tranh Kí ức kiều bào (Lính thợ - Lao động Việt đến Pháp giữa Thế chiến II và Chân đăng - Phu mỏ người Việt ở Tân thế giới). Đây cũng là lần đầu tác phẩm của nhà văn Anna Mọi (Trần Thiên Nga) được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam. Nọc bướm là câu chuyện về ký ức của một cô gái trẻ ở đô thành trong bối cảnh hậu thuộc địa Pháp và cuộc chiến leo thang của Mỹ. Còn những trang viết của tác giả Nuage Rose Hồng Vân luôn chất chứa cảm xúc về sự trôi dạt và căn tính, cội nguồn…

Tại buổi giao lưu với sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, chủ đề “Tiếng nói đằng sau tác giả: Văn chương và dòng chảy văn hóa”, nhà văn Nuage Rose Hồng Vân, Khuê Phạm và Cecile Pin đều có chung chia sẻ về “cảm hứng cội nguồn” trong những sáng tác của mình.

Viết về ký ức, tìm về quá khứ, lịch sử từ những góc nhìn mới, viết để lý giải và hòa giải, viết để trao gửi và sẻ chia… là tâm tình của những cây bút xa xứ. Trở về với những trang viết và cùng xuất hiện trong những cuộc giao lưu, các cây bút gốc Việt không chỉ mang đến những tác phẩm văn chương mà còn phần nào cho thấy diện mạo của “nhà văn nữ hải ngoại” trong cộng đồng văn chương châu Âu. Nhiều nữ nhà văn đã được trao các giải thưởng văn học tại quốc gia họ đang sống và làm việc hoặc đều là những tên tuổi đại diện của văn chương châu Âu đương đại.

Dòng chảy nơi xa

Giữa tháng 5/2025, The New York Times giới thiệu sáng tác mới của tác giả trẻ gốc Việt Ocean Vương: tiểu thuyết The Emperor of Gladness. Tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của anh (Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn) từng “làm mưa làm gió” trên các diễn đàn văn chương vì giá trị lan tỏa đồng thời cũng vì sự táo bạo của ngôn từ. Tại Mỹ, Ocean Vương được xem là một trong những cây bút danh tiếng, được bạn đọc trẻ yêu thích hiện nay.
“Văn chương gốc Việt”, “văn học hải ngoại”… là cách gọi tên dòng chảy tác phẩm của những cây bút xa xứ. Dòng chảy ấy từ âm thầm đến mạnh mẽ, từ những tiếng nói riêng lẻ đến những cuộc hòa mình và cộng hưởng tạo nên những giá trị vượt biên giới.

Hàng thập niên trước, bạn đọc Việt có thể biết đến nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Quyên), Thuận (Chinatown, T mất tích…), Phạm Hải Anh (Đi hết đường mưa), Đoàn Minh Phượng (Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau…), Linda Lê (Sóng ngầm, Thư chết…). Sau này, ngày càng có thêm nhiều tác phẩm của nhà văn người Việt ở nước ngoài viết bằng tiếng Việt hoặc của tác giả gốc Việt được giới thiệu, chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam.

Những “đại tự sự” cất lên trong những trang viết không chỉ là tiếng nói, nỗi niềm riêng của nhà văn mà còn là những giá trị được tôn vinh, có sức lan tỏa lớn. Năm 2017, Viet Thanh Nguyen là tác giả gốc Việt đầu tiên được trao giải Pulitzer. Năm 2019, Ocean Vương được trao giải Genius Grants (Thiên tài) và trước đó là giải thưởng TS Eliot và Whites Award cho tập thơ Night Sky With Exit Wounds (đã xuất bản tại Việt Nam với tiêu đề Trời đêm những vết thương xuyên thấu). Những tên tuổi nhà văn gốc Việt nổi bật trên văn đàn hải ngoại, được gọi tên ở các giải thưởng văn chương danh giá còn có: Kim Thúy, Vanessa Vu, Lại Thanh Hà…

Cuộc trò chuyện Âm vang kiên cường - Những tiếng nói của nữ nhà văn gốc Việt (diễn ra tại Hà Nội, trong khuôn khổ “Những ngày văn học châu Âu” vừa qua) phần nào cho thấy vị trí của “văn chương gốc Việt” trong bức tranh văn học châu Âu. Nhà văn Anna Mọi được Chính phủ Pháp trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ về văn chương và nghệ thuật. Nhà văn Nuage Rose Hồng Vân từng được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Pháp, họa sĩ Pháp gốc Việt Clément Baloup cũng nhận được nhiều giải thưởng cho bộ truyện tranh Kí ức kiều bào

Sự kiện “Những ngày văn học châu Âu” được tổ chức tại Việt Nam thường niên vẫn chưa giới thiệu hết những gương mặt nhà văn gốc Việt; cũng như vẫn còn rất nhiều tác phẩm chưa được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam. Một nhánh rẽ của “văn chương xa xứ” đã và đang đưa các tác phẩm trở về theo cảm hứng cội nguồn.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI