Bảo vật quốc gia - ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy và lời cảnh báo về công tác bảo vệ di sản

25/05/2025 - 13:56

PNO - Vụ việc ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy là hồi chuông cảnh tỉnh về công tác bảo vệ di sản.

Trưa 24/5, một nam du khách trèo qua hàng rào bảo vệ, ngồi lên ngai vàng, bảo vật quốc gia đặt giữa chính điện, rồi la hét, đập phá và bẻ gãy phần tựa tay bên trái của ngai vàng. Phải một lúc sau lực lượng bảo vệ mới khống chế người đàn ông này. Đoạn video ghi lại cảnh tượng ấy nhanh chóng lan truyền, khiến nhiều người phẫn nộ trước hành vi phá hoại di sản quý giá của dân tộc.

Vụ việc ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy là hồi chuông cảnh tỉnh về công tác bảo vệ bảo vật. Việc mở cửa di tích, trưng bày bảo vật cho công chúng chiêm ngưỡng luôn đi kèm rủi ro: rủi ro từ thiên nhiên, từ thời gian và còn từ chính con người.

Vụ việc ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy là hồi chuông cảnh tỉnh về công tác bảo vệ di sản.
Ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy báo động về công tác bảo vệ bảo vật

Đã có không ít trường hợp di tích, cổ vật bị hủy hoại bởi hành vi vô ý thức của một số du khách như vẽ bậy lên tường thành, leo trèo lên tượng đài, cổ vật để chụp ảnh… Trong bối cảnh đó, ngai vàng triều Nguyễn, một hiện vật độc bản hơn 100 năm tuổi, càng không thể miễn nhiễm trước nguy cơ bị xâm hại nếu việc bảo vệ lơi lỏng. Trưng bày di sản không đồng nghĩa với phó mặc chúng cho ý thức người xem. Trái lại, càng trưng bày rộng rãi thì càng phải tiên liệu các tình huống xấu nhất có thể xảy ra để chủ động phòng ngừa.

Nhìn ở khía cạnh tích cực, sau sự cố các đơn vị liên quan đã nhanh chóng vào cuộc. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với cơ quan công an để xử lý vụ việc kịp thời. Người đàn ông vi phạm nhanh chóng bị bắt giữ, hiện trường được khám nghiệm, ngai vàng đã được đưa về bảo quản tại kho cổ vật, chờ các chuyên gia đánh giá và đưa ra phương án sửa chữa phù hợp. Đây là điểm sáng giữa một sự kiện gây tổn thương sâu sắc đến niềm tự hào di sản Việt.

Tuy nhiên, phản ứng nhanh sau sự cố không khỏa lấp được lỗ hổng trong khâu phòng ngừa. Vụ việc đã phơi bày điểm yếu đáng lo ngại: Lực lượng bảo vệ di tích hiện nay quá mỏng và chưa được đào tạo bài bản, thiếu cả về số lượng lẫn kỹ năng chuyên nghiệp. Tại thời điểm xảy ra sự việc, có thể chỉ 1, 2 nhân viên bảo vệ túc trực quanh điện Thái Hòa, nên họ không phát hiện kịp thời hành vi phá hoại. Clip trích xuất từ camera an ninh cho thấy người đàn ông đã ngồi trên ngai và phá hoại trong hơn 1 phút.

Thực tế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng từng cho biết nhân sự của đội ngũ bảo vệ hiện rất mỏng so với khối di tích cần quản lý. Điều này dẫn đến nhiều hành vi xâm hại diễn ra mà việc theo dõi, giám sát rất khó khăn. Rõ ràng, nếu có đội ngũ bảo vệ đông đảo và chuyên nghiệp hơn, được bố trí hợp lý, khả năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi phá hoại như tại điện Thái Hòa vừa qua đã cao hơn.

Bên cạnh nhân lực mỏng, còn là sự thụ động trong công tác giám sát di sản. Nhiều bảo vệ di tích hiện nay chỉ dừng ở vai trò giữ trật tự, thiếu sự nhạy bén và phản xạ trước các tình huống bất thường. Họ chưa được huấn luyện để nhạy cảm với các dấu hiệu nguy hiểm, ví dụ như một du khách có biểu hiện bất thường, hay một người lảng vảng khu vực cấm. Trong vụ ngai vàng, người đàn ông đã leo qua rào, ngồi lên ngai vàng một lúc và làm hỏng bảo vật rồi mới bị đưa ra ngoài. Khoảng thời gian đó cho thấy sự chậm trễ trong phản ứng, có thể do bảo vệ không quan sát trực tiếp liên tục, hoặc không có hệ thống cảnh báo tự động khi có kẻ vượt rào. Dù nguyên nhân gì, thì độ trễ ấy là không chấp nhận được khi bảo vệ các bảo vật vô giá.

Nguyên nhân sâu xa hơn nằm ở tâm lý coi trọng “di sản trưng bày” nhưng coi nhẹ “di sản cần được canh giữ”. Chúng ta đầu tư hàng trăm tỉ đồng trùng tu, tôn tạo các di tích, nhưng lại ít chú trọng tương xứng đến khâu bảo vệ an ninh cho di tích. Ngai vàng triều Nguyễn vừa trải qua đợt trùng tu cùng điện Thái Hòa kéo dài 3 năm, trở về vị trí uy nghi giữa chính điện để đón du khách gần xa. Nhưng có lẽ, trong niềm hân hoan ngày mở cửa, ít ai nghĩ đến kịch bản một kẻ táo tợn nhảy qua hàng rào để bẻ gãy bảo vật. Công tác bảo vệ khi đó có thể chỉ dừng ở những biển báo “Không sờ vào hiện vật” hay dây rào tượng trưng. Thảm họa lần này cho thấy bài học đắt giá: Đối với di sản, trưng bày và bảo vệ phải được xem quan trọng ngang nhau. Một di tích dù lộng lẫy đến đâu cũng có thể bị hủy hoại trong tích tắc, nếu thiếu đi lớp “áo giáp” an ninh vững chắc.

Vụ việc cũng phản ánh sự thiếu kết nối giữa lực lượng bảo vệ tại chỗ với cơ quan chức năng chuyên trách. Ở các bảo tàng, di tích lớn trên thế giới, công tác an ninh thường có sự phối hợp chặt chẽ với cảnh sát hoặc lực lượng chuyên biệt về bảo vệ di sản. Ngược lại, tại nhiều di tích của ta, đội ngũ bảo vệ thường hoạt động đơn lẻ, nghiệp vụ hạn chế và chưa được tích hợp vào hệ thống an ninh địa phương một cách hiệu quả. Khi có sự cố, bảo vệ tại chỗ lúng túng xử lý ban đầu, trong khi cơ quan công an hoặc quản lý văn hóa chưa kịp thời nhận thông tin để hỗ trợ. Sợi dây liên lạc lỏng lẻo này khiến di sản rơi vào khoảng trống an ninh trong những phút giây sinh tử.

Vụ ngai vàng bị bẻ gãy ở Huế là lời cảnh báo nghiêm khắc. Để những bảo vật vô giá của cha ông không còn “thất thủ” trước các hành vi phá hoại, đã đến lúc cần một những giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Bảo vệ di sản văn hóa là trách nhiệm chung của cả hệ thống quản lý và toàn xã hội. Vụ việc ngai vàng triều Nguyễn bị xâm hại tuy đau xót nhưng là lời cảnh tỉnh kịp thời để củng cố “hàng rào” an ninh di sản. Từ cú sốc này, hy vọng chúng ta sẽ hành động quyết liệt hơn để những bảo vật ngàn đời được gìn giữ an toàn, để không bao giờ xảy ra một sự vụ tương tự như ngày hôm nay.

Minh Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI