Vắc xin nội địa giúp nhiều nước đối phó với đại dịch

28/10/2021 - 06:04

PNO - Ấn Độ, Ai Cập và Cuba là các nước phát triển và sản xuất vắc-xin của riêng họ khi chương trình phân phối vắc-xin của COVAX do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn bị tụt lại phía sau.

Trong khi các nước phương Tây đã triển khai mũi tiêm nhắc lại cho người dân của họ, thì chương trình COVAX - được thành lập bởi các cơ quan Liên Hiệp Quốc, chính phủ và các nhà tài trợ để đảm bảo tiếp cận công bằng với vắc xin COVID-19 cho các nước thu nhập thấp và trung bình - không thể hoàn thành mục tiêu phân phối hai tỷ liều trên toàn cầu vào cuối năm nay. Theo dự báo hồi tháng Chín, chương trình chỉ có thể cung cấp 1,4 tỷ liều vắc xin trong năm 2021, thiếu gần 1/3 so với mục tiêu đề ra.

Để đối phó đại dịch trong hoàn cảnh không thể chờ nguồn vắc xin, nhiều nước đang phát triển sản xuất các loại vắc xin mới trong nước. Trong số đó có Ai Cập, quốc gia đã tiến hành thử nghiệm trên người đối với vắc xin tự chế Covi Vax, sau các thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm. 

Cuba thì song song với việc tiêm chủng cho người dân của mình bằng hai loại vắc xin được phê duyệt khẩn cấp Abdala và Soberana 02 bao gồm cả trẻ em từ hai tuổi thì cũng đang xin sự chấp nhận của WHO, đồng thời cũng bắt đầu thử nghiệm vắc xin cho trẻ dưới hai tuổi. 

Chính phủ Ấn Độ cũng đã có kế hoạch tung ra ZyCoV-D - vắc xin DNA đầu tiên trên thế giới - đang được sản xuất bởi Zydus Cadila. Điều này sẽ cho phép mở rộng chương trình tiêm chủng hiện có, bao gồm cho cả trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. 

Ai Cập, quốc gia đã bắt đầu sản xuất trong nước vắc xin Sinovac
Ai Cập, quốc gia đã bắt đầu sản xuất trong nước vắc xin Sinovac- Ảnh: Reuters

Việc sản xuất vắc xin nội địa tuân theo một số thỏa thuận trong đó các nước đang phát triển bắt đầu tham gia sản xuất vắc xin được phát triển ở châu Âu, Mỹ hoặc Trung Quốc.

Tại Brazil, khoảng 2/3 dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin, nhiều liều trong số đó là kết quả của thỏa thuận chuyển giao công nghệ giữa các phòng thí nghiệm Brazil và các công ty dược phẩm quốc tế. Quỹ Oswaldo Cruz - một trung tâm nghiên cứu ở Rio de Janeiro có liên kết với Bộ Y tế - đã bắt đầu đàm phán với AstraZeneca vào giữa đầu năm ngoái. Do đó, vắc xin Covishield của nhà sản xuất dược phẩm Anh - Thụy Điển cũng đã trải qua các thử nghiệm quy mô lớn trên người ở Brazil, và hiện đang được sản xuất trong nước với nguyên liệu nhập khẩu. Trong tương lai, vắc xin này sẽ được sản xuất hoàn toàn tại Brazil.

Các thỏa thuận tương tự đã giúp thu hẹp khoảng cách tiêm chủng ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khác, chẳng hạn như Ai Cập, quốc gia đã bắt đầu sản xuất trong nước vắc xin Sinovac. Vào tháng trước, Hala Zayed, Bộ trưởng Y tế Ai Cập, đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng để sản xuất hơn 1 tỷ liều mỗi năm, biến nước này trở thành “nhà sản xuất vắc xin lớn nhất ở châu Phi và Trung Đông”.

Ma-rốc cũng đã khởi động dự án sản xuất vắc xin Sinopharm của Trung Quốc. Nước này đang có kế hoạch sản xuất 5 triệu liều mỗi tháng. Còn tại Indonesia, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đang đàm phán với WHO cũng như sáu công ty dược phẩm để trở thành trung tâm sản xuất vắc xin toàn cầu. 

Nguyễn Thảo (theo AP, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI