Uống "thuốc" giảm cân, uống luôn chất độc

16/12/2015 - 08:04

PNO - Đánh vào nhu cầu muốn giảm cân nhanh, nhiều nhãn hàng tung ra các sản phẩm giảm cân như viên uống, trà giảm cân... với những chiêu quảng cáo rất thu hút.

Đủ kiểu uống - bôi - dán

“Hot” nhất có thể kể đến hàng trăm loại sản phầm giảm cân (SPGC) được giới thiệu là hàng nhập khẩu chính thức, hàng xách tay từ Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc. Phần lớn là dạng viên uống, như: Green Tea Fat Burner, Coconut Detox, Naisitoru, AbCut CLA Belly, Power Slim, Diet Drops…

Hầu hết các sản phẩm (SP) đều được quảng cáo có chiết xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên như: gạo lứt, vỏ trấu, cám, mơ tươi, lá tía tô, bạc hà, gừng, dầu vừng, sáp ong, đậu nành, trà xanh, rong biển, ớt... với các thành phần: CLA (Conjucgated Linoleic Acid) - axít béo giảm mỡ; vitamin E; omega 3; các hoạt chất sinh học thiên nhiên từ Belaunja và Mangastin làm tăng ly giải mỡ trắng, giảm kích thước mô mỡ, đặc biệt ở các vùng tập trung nhiều mỡ như eo, bụng, đùi...

Ngoài ra, còn có SP giấm đen giảm cân Orihiro (Nhật Bản) được làm từ gạo lứt, có tác dụng giảm cân, làm đẹp da, mượt tóc, chống lão hóa… Theo quảng cáo, chỉ cần uống từ 1 - 12 viên đều đặn mỗi ngày (tùy loại), sau một thời gian sẽ giảm mỡ, đạt được cân nặng lý tưởng. Thậm chí, có loại chỉ sau năm ngày uống sẽ giảm được 3kg.

Điều đáng nói, trên nhãn của nhiều SP không ghi cảnh báo gì, thậm chí, tuy là thực phẩm chức năng (TPCN) nhưng nhiều nơi lập lờ giới thiệu “thuốc giảm mỡ bụng” như SP Rohto (Nhật Bản) rao bán trên trang domy.vn; hay “thuốc giảm cân Vict” (Thái Lan) liệu trình uống 28 ngày giảm 7 - 10kg bán trên sendo.vn.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức - Bộ môn Dược, ĐH Y Dược TP.HCM, nếu là TPCN, nhà sản xuất cần công bố chất lượng của SP trên nhãn, bao bì và bắt buộc phải ghi rõ: “Đây không phải là thuốc và không được dùng để thay thế thuốc”.

 Trên thị trường còn có miếng dán tan mỡ Wonder Patch, gel thảo dược tan mỡ Giori, tinh dầu Mixa Intensif… Theo giới thiệu, chỉ cần dán, bôi, xoa thì “mỡ sẽ được đánh tan”. Ngoài ra còn có các SP sữa giảm cân uống thay bữa ăn…

Uong
Đủ loại viên uống giảm cân được rao bán

 Nhiều sản phẩm chứa chất cấm

PGS - TS Nguyễn Hữu Đức cho biết: “Muốn giảm cân phải đồng thời tác động đến hai yếu tố: chế độ dinh dưỡng thích hợp (ăn kiêng) và chế độ tập luyện thích hợp (thậm chí là tập luyện cật lực). Không tác động đến hai yếu tố vừa kể mà chỉ dùng chế phẩm nào đó thì không giảm cân được. SPGC dùng trong năm ngày mà giảm tới 3kg thể trọng thì hoàn toàn không đáng tin cậy.

Nguy hiểm hơn, thị trường SPGC hiện nay có sự lẫn lộn thật giả, nhiều SP còn chứa những thành phần độc hại. Trên thế giới, nhiều nước đã cảnh báo nhiều loại TPCN giảm cân gọi là dược thảo nhưng có chứa thuốc chống béo phì đã bị cấm (như fenfl uramine, sibutramin, phenolphtalein) hoặc chứa thuốc Đông y có thể gây tai biến là ma hoàng (ephedra).

Các tổ chức sức khỏe thế giới cũng kêu gọi người tiêu dùng phải thận trọng, xem xét kỹ tác dụng giảm cảm giác đói, gây chán ăn như thế nào vì có thể thuộc loại nguy hiểm như đã kể.

“Cần lưu ý, nhiều người dùng SPGC nhưng cân nặng không giảm hoặc giảm cân nhưng đi tiêu nhiều thì chắc chắn SP có chứa thuốc xổ, còn đi tiểu nhiều là SP có chứa thuốc lợi tiểu. Người có nhu cầu giảm cân nên đi bác sĩ khám hoặc chuyên viên dinh dưỡng để được tư vấn, chọn lựa biện pháp thích hợp và an toàn” PGS-TS Nguyễn Hữu Đức khuyến cáo.

Theo BS Trần Văn Năm - nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, các SPGC chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần nhỏ trong liệu pháp tổng hợp để giảm cân, không thể bỏ qua các giải pháp quan trọng nhất là: ăn giảm các thức ăn có năng lượng cao, tăng cường thức ăn có chất xơ (rau, củ, trái cây, gạo lứt), vận động hợp lý, tập thể dục đều đặn, tinh thần cân bằng, hạn chế stress.

Nguyễn Cẩm

Hiện nay, người ta có dùng thuốc xổ loại kích thích thường là dẫn chất anthraquinon lấy từ dược thảo dùng trong Tây y lẫn Đông y như: cascara, boldo, bourdain, sené (Đông y gọi là phan tả diệp), rhubarbe (đại hoàng), aloes (lô hội)… có nhiều tác dụng phụ, dùng lâu dài rất có hại.

Các chế phẩm làm cho xổ bán trôi nổi có thể chứa các chất độc hại như dầu thầu dầu (castor oil), phenolphthalein (gây ung thư khi thử trên chuột). Nếu dùng thuốc kéo dài sẽ làm mất trương lực ruột đưa đến rối loạn tiêu hóa đi tiêu không còn bình thường, làm mất kali gây yếu cơ, mỏi mệt.

Dược thảo lợi tiểu gồm có: rễ cỏ tranh, mía lau, mã đề, atiso, cúc hoa… Tuy nhiên, không nên sử dụng thuốc lợi tiểu, kể cả các chế phẩm chứa các dược thảo thiên nhiên, nếu chưa có ý kiến của bác sĩ. Việc làm giảm lượng nước trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng các khoáng chất và chất điện giải, làm mất lượng nước cần thiết để duy trì những hoạt động bình thường.

(PGS-TS Nguyễn Hữu Đức)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI