Ước mơ to trong những căn nhà siêu nhỏ

18/11/2016 - 06:30

PNO - Sài Gòn không chỉ có những tòa nhà chọc trời, những biệt thự tráng lệ mà còn có những căn nhà siêu nhỏ đến ngỡ ngàng.

Sài Gòn không chỉ có những tòa nhà chọc trời, những biệt thự tráng lệ mà còn có những căn nhà siêu nhỏ đến ngỡ ngàng. Không gian tù túng ấy không bóp nghẹt được ước mơ, khát vọng đã giúp những người dân nghèo sống “thoải mái” qua nhiều thế hệ.

Nhà nhỏ, ngủ phải chia ca

Tôi gửi xe ở quán cà phê cách hẻm 360 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3 khoảng 300m để đi bộ vào nhà chị Nguyễn Thị Dung (38 tuổi) ở số 360/98A. Hẻm nhỏ, nhà cũng nhỏ, gõ cửa vài lần, bên trong im ắng dù cửa nhà mở toang, dưới sàn nhà, quần áo ngổn ngang, nồi xoong lỉnh kỉnh.

Từ trong buồng tắm, chị Dung bước ra, chợt thấy tôi, chị xua tay: “Đừng bước vô, nhà bề bộn lắm! Ra ngoài kia nói chuyện, tụi nhỏ còn tắm, chỗ đâu mà ngồi”. Tôi xin chị được ngồi trong nhà như 5 năm trước ghé thăm mẹ con chị. Chị miễn cưỡng: “Ừ ngồi đi, tụi nó xuống tắm thì chịu khó đứng lên ngồi xuống”.

Uoc mo to trong nhung can nha sieu nho
Căn nhà có thể được xem là nhỏ nhất Sài Gòn với diện tích chỉ 2,4m2 "chứa" đến sáu người mà mẹ con chị Nguyễn Thị Dung sống hàng chục năm nay.

Quơ hết mớ quần áo vào bao ni lông, chị cười: “Bao nhiêu năm nay cũng không thay đổi gì, quần áo của sáu mẹ con tất cả dồn vô bao, mỗi người một bao, cần thì lôi ra mặc, nhăn nheo cũng kệ. Xoong nồi treo lung tung, chỗ nào đóng đinh được thì treo, bếp núc thì “nấu chạy” trước nhà. Hôm nào trời mưa, nấu không được thì ăn mì gói cho tiện”. Còn chỗ ngủ thì sao? “Cứ đứa nhỏ nằm xen kẽ đứa lớn để có chỗ duỗi chân, trên gác ba đứa, dưới đất thì tôi với hai đứa. Nhiều đêm mưa lớn, nước ngập ngấp nghé cửa nhà, tôi phải thức trắng đêm để thụt cống, mệt nhưng hai đứa nhỏ chắc ngủ ngon vì được duỗi thẳng chân”.

Chị Dung cười nhưng tôi thấy nỗi buồn trong mắt. Từ trên gác, ba đứa nhỏ lục tục kéo xuống, mồ hôi nhễ nhại, chúng tôi phải ra ngoài nhường chỗ. Hai đứa con lớn đi học về, lễ phép chào khách, vào nhà cất cặp rồi chạy ra đầu hẻm. Chị Dung lại cười: “Tụi nó ra ngoài hẻm chơi, chờ hai đứa kia tắm xong, vô thay ca”.

Căn nhà được cha mẹ chị xây từ năm 1989, với hình dáng kỳ lạ, nhỏ không thể tưởng, diện tích chỉ 2,4m2 , ngang 1,2m, dài 2m. 18 tuổi chị lấy chồng, được cha mẹ cho căn nhà này, lần lượt sáu đứa con ra đời, vợ chồng chị phải cơi nới thêm cái gác để “chứa con”. Vợ chồng chị ly hôn hơn bảy năm nay, con gái lớn được gửi luôn bên ông bà nội, còn năm đứa nhỏ ở với chị. Tôi ngó trước ngó sau, bao nhiêu năm qua căn nhà vẫn không thay đổi.

Người đàn bà nhỏ bé ấy mỗi ngày rửa chén thuê, hì hụi hơn 15 năm nay can trường nuôi bầy con ăn học. Con chị không có đứa nào đi bán vé số hay làm thêm, ngoan ngoãn, lễ phép. Chỉ con lớn 20 tuổi ở cùng bà nội được học chính quy, còn năm đứa nhỏ chị gửi vào trường tình thương, nhỏ nhất học lớp 3, lớn nhất lớp 7.

“Ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu. Tôi cứ dặn tụi nhỏ đừng lo, đừng sợ bạn bè chọc, chịu khổ chút, sống chật chội để mẹ khỏi phải thuê nhà trọ, để dành tiền lo tụi bây ăn học. Mà học cho đàng hoàng thì tương lai sẽ sáng hơn, vậy thôi”, chị Dung nói nhẹ tênh.

Rời nhà chị Dung, chúng tôi đến nhà ông Trần Văn Đỏ (56/69 Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận) đúng lúc ông chuẩn bị bữa trưa. Căn nhà hình tam giác, nở đầu tóp đuôi, ngang chỉ 1,4m đến cuối góc nhà còn ba gang tay, người nằm ngang không thể thẳng chân được. Chiều ngang đã hẹp, chiều dài nhà cũng chỉ 4m. Nhà nhỏ nên vật dụng phải tiết giảm, cửa nhà vệ sinh thay bằng tấm rèm để lồ lộ, nồi niêu nhỏ đặt vừa trên bếp ga mini nấu cho ba người ăn, quần áo móc đầy tường.

Uoc mo to trong nhung can nha sieu nho
Ông Trần Văn Đỏ trong căn nhà nhỏ hẹp.

Chỉ tay lên gác nơi có chiếc ti vi đặt vừa khít trong góc hẹp, ông Đỏ ngửa cổ nói: “Muốn coi ti vi cũng hơi cực. Coi hết một tập phim là mỏi cổ nhưng chỉ đặt ti vi ở đó thì vợ chồng tôi và thằng út ở trên gác mới coi chung được. May là nhà có năm người, thằng lớn có vợ, đi ở trọ, thằng giữa ngủ nhờ bên ngoại, còn thằng út sống ở đây. Thằng út sướng nhất vì ngủ được thẳng chân còn vợ chồng tôi ngủ dưới này, vừa khít, cứ nằm xuống là không nhúc nhích được!”.

Mơ nhà tái định cư

Đến hẻm 150 Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, chúng tôi ghé thăm ông Trần Văn Tôn - 60 tuổi cùng vợ và con trai sống trong căn nhà diện tích chưa đến 8m2 lại nằm trong cái hóc kẹt bề ngang chưa đầy 0,5m.

Lần nào cũng vậy, có khách đến là vợ hoặc con trai ông Tôn phải ra hẻm ngồi chơi, nhường chỗ cho khách. Ngồi trong nhà năm phút, tôi đã ái ngại vì thấy rõ sự bất tiện của chủ nhân. Giờ trưa, dọn mâm cơm không được, mỗi người đành bưng một tô ra góc sân. Giờ xem thời sự, cao lắm chỉ hai người ngồi chung, còn người kia nhấc ghế ra ngoài cửa vọng vào.

“Căn nhà là đất bên vợ cho, còn bao nhiêu xây cất bấy nhiêu, cũng chắp chíu qua hai đời rồi. Mới đây gia đình tôi bấm bụng vay ngân hàng hơn 200 triệu để xây cất lại, nâng thêm hai tầng lầu cho thằng út lấy vợ”, ông Tôn cười khoe.

Những trường hợp kể trên vẫn khá hơn nhiều so với những căn nhà siêu nhỏ trong khu Mả Lạng nằm trong hẻm 245 Nguyễn Trãi, Q.1. Các con hẻm dẫn vào đều rất nhỏ, không có chỗ để xe, gửi xe, nhà này sát nhà kia. Từ sáng đến tối, hàng chục xe máy của các hộ dân khóa lại, để cặp theo con hẻm khiến việc xoay trở càng khó khăn.

Khó khăn lắm, chúng tôi mới dắt được chiếc xe máy vào tìm nhà chị Nguyễn Thị Tùng (40 tuổi) ở số 245/83/24 Nguyễn Trãi và may mắn có được chỗ để xe cách nhà chị 50m. Kéo hết thùng đựng sữa, ly tách - dụng cụ mưu sinh, qua một bên, chị mời tôi ngồi ngay mép cửa cho thoáng. Căn nhà diện tích 5,6m2 kê thêm gác gỗ được chị thuê với giá hai triệu đồng/tháng.

Chị kể ở Quảng Ngãi, hai vợ chồng chị có nhà cửa đàng hoàng tuy không sang trọng nhưng cũng rộng rãi, thoải mái. Để có tiền lo cho hai con ăn học, hơn 10 năm nay, vợ chồng chị đùm túm nhau vào Sài Gòn thuê trọ, chuyển chỗ trọ nhiều lần và dừng lại ở đây.

So với những nơi khác, căn nhà này quá nhỏ, bất tiện nhiều bề từ việc ngủ nghỉ, nấu nướng đến cả chuyện tế nhị của vợ chồng… nhưng bù lại việc buôn bán của chị thuận lợi hơn, thu nhập cao hơn. Chồng chị làm tài xế, thời gian dư dả nên sắp tới định mua thêm chiếc xe gắn máy để chạy Grab bike.

“Nếu mọi thứ suôn sẻ, hai năm nữa thằng lớn sẽ tốt nghiệp đại học cùng lúc thằng út sẽ vào Sài Gòn học, nhà phải thêm một người. Bất tiện nhưng dễ gì giữa trung tâm Q.1 lại tìm được căn nhà thuê chỉ hai triệu đồng/tháng mà thu nhập vẫn ổn. Thôi muốn nuôi con cái ăn học thành tài, phải sống vui”, chị Tùng cười tươi.

Khu này còn có chừng chục căn nhà khác diện tích cũng siêu nhỏ, ẩm thấp, chen chúc nhau. Vợ chồng cụ Nguyễn Thị Điền (66 tuổi) ngụ 245/83/32 Nguyễn Trãi, không thể mời khách vào nhà vì chẳng còn chỗ ngồi do chiếc giường chắn gần hết bề ngang, chỉ còn lối hẹp ba gang tay đủ đi ra đi vào.

Cụ Điền nói: “Tôi họp tổ, nghe họ thông báo đến hết năm 2020 sẽ giải tỏa và bố trí tái định cư cho người dân. Tôi sẽ ở đây chờ tiếp”. Hai cụ thuê căn nhà này đã tám năm sau khi bán căn hộ chung cư bên Q.3. Điều gì níu chân hai cụ già ở lại đây nhiều năm? Hai cụ chờ đến ngày Nhà nước giải tỏa, xin được mua ké một suất tái định cư vì nghĩ mình là dân gốc Sài Gòn, hơn nữa tạm cư ở đây đã lâu.

Hai cụ tuổi đã cao, cụ ông lại bệnh tim, sức yếu không sống được bao lâu. Nhưng còn con trai út 26 tuổi sống chung, hai cụ phải lo xong chỗ định cư cho con thì mới yên lòng. Chỉ còn cách bám trụ lại đây và chờ đợi, ước mơ.

Thu Hồng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI