Tưởng con bị hậu COVID-19 hóa ra vẹo vách ngăn mũi

30/05/2022 - 06:54

PNO - Thấy con nghẹt mũi kéo dài, nhiều phụ huynh lầm tưởng bé bị hậu COVID-19 nên tự theo dõi và điều trị tại nhà. Điều này đã làm chậm trễ cơ hội phát hiện và can thiệp kịp thời những bệnh lý liên quan khác gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tường Thi, Khoa Tai - mũi - họng Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), cho biết, hiện nay cứ khám mười trẻ nghi ngờ bị hậu COVID-19 do nghẹt mũi kéo dài thì lại phát hiện hai trẻ vẹo vách ngăn mũi. Bên cạnh những bệnh nhi vẹo vách ngăn mũi bẩm sinh thì còn có các bé do chấn thương té ngã hoặc tai nạn giao thông. 

Vừa đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, chị T.T.K.T. (ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM) mới biết bé không mắc phải hậu COVID-19 mà bị vẹo vách ngăn mũi. Con gái sáu tuổi của chị T. tên là P.K.A. mắc COVID-19 từ tháng 2/2022. Từ đó tới nay, bé luôn trong tình trạng bị nghẹt mũi, hay bị chảy máu cam. Trước khi mắc COVID-19, thi thoảng cháu A. cũng bị chảy máu cam nhưng gia đình cho rằng không nghiêm trọng. Chị T. nghe nói trẻ bị hậu COVID-19 thì một trong các dấu hiệu chính là nghẹt mũi kéo dài và tạm thời mất khứu giác nên đinh ninh con mình cũng như vậy. 

Bác sĩ Nguyễn Tường Thi đang khám cho một trường hợp nghẹt mũi kéo dài
Bác sĩ Nguyễn Tường Thi đang khám cho một trường hợp nghẹt mũi kéo dài

Thế là chị tự ra tiệm thuốc và được tư vấn mua thuốc dạng xịt để hỗ trợ tình trạng nghẹt mũi của bé. Tuy nhiên, sau ba tháng, ngày nào cũng dùng thuốc xịt mũi mà tình trạng của bé A. không thuyên giảm. Ban đầu A. chỉ bị nghẹt một bên mũi thì nay cả hai mũi cùng nghẹt, phải thở bằng miệng khiến bé vô cùng mệt mỏi. Bé than nhức đầu bưng bưng, mũi khô rát, sưng phồng vì xịt rửa quá nhiều. Lúc này, chị T. mới đưa A. tới Bệnh viện Nhi Đồng 2. 

Bác sĩ ghi nhận niêm mạc mũi của bệnh nhi bị phù nề, xung huyết, do lạm dụng thuốc xịt mũi có chứa corticoid và chất làm co mạch. Kết quả nội soi và chụp CT mũi xoang cho thấy bệnh nhi bị vẹo vách ngăn mũi hình chữ S. Đây là trường hợp vẹo vách ngăn mũi bẩm sinh và bệnh nhi đã có một số dấu hiệu như nghẹt mũi kéo dài, chảy máu cam. Khi bé kêu với phụ huynh thì vô tình lại trùng với khoảng thời gian mắc COVID-19 làm các dấu hiệu bị chồng lấp, ba mẹ đã tự điều trị sai hướng. 

Nếu bị vẹo vách ngăn mũi thể nhẹ chỉ cần theo dõi và điều trị nội khoa. Tuy nhiên, đối với các trường hợp nặng thì phải can thiệp bằng phẫu thuật. Trẻ bị vẹo vách ngăn mũi rất dễ mắc các bệnh lý như viêm mũi, viêm xoang kéo dài, nhiễm trùng mũi tái đi tái lại. Việc can thiệp chậm trễ khiến chất lượng sống và thể trạng của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do rối loạn giấc ngủ. Những bệnh nhi này thường xuyên phải thở bằng miệng nên dẫn tới khô miệng làm trẻ luôn trong trạng thái uể oải, mệt mỏi, kết quả học tập cũng vì thế mà giảm sút.

“Phụ huynh khi thấy con có triệu chứng bất thường ở đường hô hấp trên, điển hình là dấu hiệu nghẹt mũi kéo dài, nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Tường Thi khuyến cáo. Người lớn tránh tự đoán bệnh rồi mua thuốc chữa cho con. Nghẹt mũi không chỉ là gợi ý liên quan tới hậu COVID-19 mà còn là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý khác như: viêm VA (sùi vòm họng), viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang mạn tính, thậm chí có thể do một khối u vùng mũi xoang chèn ép gây ra. 

Dấu hiệu cảnh báo vẹo vách ngăn mũi

Tỷ lệ vẹo vách ngăn mũi của người lớn khi có triệu chứng nghẹt mũi kéo dài chiếm khoảng 80% và ở trẻ em là khoảng 25 - 30%. Vẹo vách ngăn mũi có hai nguyên nhân là bẩm sinh và mắc phải do chấn thương. Thường vẹo vách ngăn chia làm các hình dáng chữ C, chữ S và gai hoặc mào vách ngăn mũi. Vẹo theo hình chữ C, vách ngăn chỉ vẹo qua bên trái hoặc bên phải. Vẹo hình chữ S khá phức tạp vì vách ngăn mũi có thể vừa bị vẹo sang cả bên trái và bên phải. Gai hoặc mào vách ngăn mũi thường gặp ở phần tiếp giáp của xương và sụn vách ngăn, ở trường hợp này có thể chạm đến niêm mạc mũi gây chảy máu và làm bệnh nhân đau nhức dữ dội. 

Các dấu hiệu gợi ý vẹo vách ngăn mũi là nghẹt mũi kéo dài, nghẹt nhiều vào ban đêm và hay nghẹt một bên mũi khi nằm nghiêng, chảy máu cam khó kiểm soát.

Thanh Huyền

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI