Tuổi già như đèn treo trước gió, ông chỉ ước bà được uống thuốc quên

02/12/2017 - 16:30

PNO - Nhìn bà cuống quýt, lo lắng, ông biết bà thương yêu ông nhiều, nhưng cũng hiểu, bà không sao quên được những bực bội, tức giận từ thuở nào.

Về hưu được hơn một năm thì ông ngã bệnh. Hai đứa con, đứa thì ở xa, đứa thì con nhỏ, bận bịu với công việc, học hành nên thỉnh thoảng mới ghé qua. Việc chăm ông, bà phải cáng đáng.

Tuoi gia nhu den treo truoc gio, ong chi uoc ba duoc uong thuoc quen
Ông tự thấy mình có lỗi với bà. Ảnh minh họa

Sáng, thấy bà bê thau nước, ông phải cố gượng ngồi dậy để bà lau mặt cho. Bà vừa lau, vừa càu nhàu. Rồi bà lấy cái cốc cho ông súc miệng, ông lóng ngóng làm đổ nước ra nệm, bà lại dấm dẳng cáu gắt. Ông biết thân biết phận nên sau khi được bà làm vệ sinh cho là nằm xuống, bụng đói nhưng không dám giục bà mang đồ ăn sáng lên.

Toàn thân đau nhức từ đêm qua tới giờ, ông cũng cố chịu đựng, chẳng kêu, vì hễ ông kêu ca, bà lại buông những lời xát muối: “Ngày trước, ông có bao nhiêu là “em út”, giờ gọi chúng nó đến mà hầu. Lúc còn quyền, còn chức thì có nghĩ đến vợ, đến lúc đau ốm vợ phải hầu hạ, phục vụ không?”. 

Ông cay sộc sống mũi nhưng đành nín nhịn. Là vì ông cũng tự thấy mình có lỗi với bà. Khi ông đương chức, tiền bạc rủng rỉnh, “em út” vây quanh. Ông không phải là dạng trăng hoa và cũng biết động cơ của các em khi bám lấy mình, nhưng rồi “anh hùng khó qua ải mỹ nhân”. Ông cũng đôi ba lần không vượt qua được chính mình, để rồi sau đó day dứt, hổ thẹn với vợ con. Nhưng cho dù trong hoàn cảnh nào, ông cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đánh đổi gia đình. 

Có cô gái tự nguyện ở bên ông không danh phận, nhưng ông không đồng ý. Cô vẫn cứ bám riết lấy ông. Ông khổ sở lắm mới dứt được cô ta, vậy mà vợ ông đâu có hiểu. Bà quy chụp ông là loại đàn ông nọ kia. Không ít lần, ông bị tổn thương vì những lời chì chiết của bà. Ngày đó, ở cơ quan ông, có cô nhân viên tạp vụ mẹ góa con côi. Thằng bé bị bố nó bỏ rơi khi nó chưa chào đời. Mẹ nó một mình lăn lộn nuôi con.

Nhà xa, ngày nào mẹ cũng dựng con dậy rồi đèo con đi hơn mười cây số để đến nhà trẻ vì trường gần nhà thì thằng bé không có “suất”. Ông nghe chuyện, thấy thương tình nên có khoản trợ cấp khó khăn cho mẹ con họ, rồi còn xin cho thằng bé học gần cơ quan mẹ nó làm, để đưa đón cho tiện.

Tuoi gia nhu den treo truoc gio, ong chi uoc ba duoc uong thuoc quen
Về hưu, ông đâu muốn phiền lụy đến bà. Ảnh minh họa

Có thế thôi mà dư luận thêu dệt đủ thứ chuyện, nào là “trông thằng bé giống ông như đúc”, nào là “không quan hệ thân thiết thì sao phải nhiệt tình như thế”. Chuyện đến tai bà, bà làm ầm ĩ khiến ông muối mặt, còn cô tạp vụ dù trong lòng mang ơn ông nhưng đến câu chào cũng ái ngại.

Về hưu, ông đâu muốn làm phiền lụy đến bà. Nhưng ngặt nỗi, ông lại đau ốm. Ông càng thấy có lỗi với bà nhiều hơn, nên cứ gồng mình lên mà cố gắng. Bà chăm ông mệt nên những chuyện uất ức trước đây cứ trào lên. Bà hay xới xáo lại chuyện cũ rồi dằn hắt ông. Ông khổ tâm tột độ.

Có dạo, ông thấy bà mệt nên bàn với con: “Hay chúng mày tìm người giúp việc cho bố?”. Bà nghe thế đã cáu: “Ông có biết thuê người, tiền công một tháng bao nhiêu không? Rồi còn tiền thuốc men, thăm khám bác sĩ, mấy đồng lương hưu của ông có đủ chi trả không?”. Ông nghe mà chỉ muốn đổ gục.  

Chờ mãi không thấy bà lên, ông cố nhoài người ra với cốc nước, loạng choạng ngã nhào xuống giường. Bà từ dưới bếp chạy lên, thấy ông vậy thì hốt hoảng kêu gào rồi cố xốc ông lên giường: “Đã mệt thì còn cố làm gì?”. Nhìn bà cuống quýt, lo lắng, ông biết bà thương yêu ông nhiều, nhưng cũng hiểu, bà không sao quên được những bực bội, tức giận từ thuở nào. Mà ông thì đâu thể quay ngược được thời gian để sửa chữa, đành chấp nhận sự giày vò của bà.

Tuổi già như đèn treo trước gió, không biết lụi tắt lúc nào. Sống bên những hờn giận của bà, ông ước gì bà có được thứ thuốc quên, để chỉ nhớ những ngày tháng tươi đẹp của họ, để cho ông những ngày cuối đời yên ả... Mấy lần định nói điều đó với bà, nhưng cổ họng ông nghẹn đắng, không cất nổi thành lời. 

Hồng Lĩnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI