Từng bước thoát khỏi bóng đen đại dịch

20/11/2022 - 08:04

PNO - Bỏ lại những đau thương mất mát vì dịch COVID-19, các gia đình đang dần tìm lại nụ cười và hạnh phúc. Dẫu biết chông gai vẫn đang chờ đợi, nhưng niềm tin và hy vọng mãi mãi không bị mất đi.

 

Ông Kim Bong-hwan rơi nước mắt khi nhớ về những tháng ngày tăm tối từng khiến ông tuyệt vọng - ẢNH: Korea Times KOREA TIMES
Ông Kim Bong-hwan rơi nước mắt khi nhớ về những tháng ngày tăm tối từng khiến ông tuyệt vọng - Ảnh: Korea Times 

Ánh sáng trở lại từ cuối đường hầm 

Khi thế giới ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào cuối năm 2019, ít ai nghĩ rằng căn bệnh này sẽ tồn tại dai dẳng, làm gián đoạn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân toàn cầu. Thời kỳ cao điểm, khi các hạn chế tiếp xúc xã hội được thắt chặt, các cuộc tụ tập riêng tư, ăn uống, vui chơi ngoài trời vào buổi tối dường như đều là những thứ xa xỉ với mọi người.

Dù số ca mắc COVID-19 và tử vong hiện đã giảm đáng kể, chuyên gia y tế vẫn không chắc chắn khi nào loại vi rút này sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, vì sự xuất hiện liên tục của các biến thể mới. Còn không ít chông gai để có thể đi tới chiến thắng cuối cùng, xóa sổ đại dịch, nhưng cuộc sống đang nhích dần về phía bình thường mới. Các quốc gia đang chuyển trọng tâm từ việc kiểm soát sự lây lan của vi rút sang coi COVID-19 như một bệnh dịch thông thường.

Những nỗi đau mất người thân dù không thể qua nhanh nhưng dần dần, mọi người cũng biết cách tìm lại niềm vui và sự lạc quan. Safiah Ngah (Anh), sau khoảng thời gian dài khổ sở, ân hận vì cho rằng mình đã lây nhiễm vi rút cho cha khiến ông qua đời giờ đã mở lòng, biến đau thương thành động lực sống tiếp.

Cha Safiah Ngah là tiến sĩ Zahari Ngah - một nhà trị liệu tâm lý, từng làm việc trong Dịch vụ Y tế quốc gia tại Anh. Cô chuyển về sống cùng gia đình vào Giáng sinh năm 2020, ngay trước giai đoạn phong tỏa lần hai. Cô và anh trai không may nhiễm SARS-CoV-2 khi đi mua sắm thay cha mẹ họ. Dù cả hai đã cố gắng tự cách ly nhưng sau đó cha cô vẫn bị lây nhiễm. 

“Lúc mới nhiễm, cha tôi có vẻ ổn. Vài ngày sau, tôi xuống phòng cha để kiểm tra và ông nói với tôi rằng trong một khoảnh khắc, ông không thể thở được. Cuối hôm đó, ông bắt đầu ho ra máu và được đưa đến bệnh viện. Không may, tình trạng của ông trở nên xấu đi và phải đặt nội khí quản. Chúng tôi đã nói lời tạm biệt với ông qua một cuộc gọi video” - Safiah Ngah nói.

Safiah Ngah đến giờ vẫn chưa nguôi nỗi đau mất cha - ẢNH: WHO
Safiah Ngah đến giờ vẫn chưa nguôi nỗi đau mất cha - Ảnh: WHO

Khi đối mặt với nỗi đau của chính mình, Safiah cho biết cô đã có quãng thời gian trượt dài trước khi tìm thấy được sự sẻ chia, xoa dịu nhờ những lời an ủi từ các gia đình cùng cảnh ngộ.

“Khi chúng ta nói về việc chia xa người nào đó vì COVID-19, sự ra đi ấy ảnh hưởng đến rất nhiều người. 2 triệu người ở châu Âu đã thiệt mạng. Thật kinh khủng! Đằng sau mỗi cái chết, bạn sẽ thấy những câu chuyện về gia đình mà họ đã bỏ lại phía sau” - Safiah nói.

Bên cạnh nỗi đau mất người thân thì tình trạng kiệt quệ về kinh tế cũng đẩy không ít người rơi vào cảnh bần cùng, thậm chí nhiều người trong số đó còn có những ý nghĩ tiêu cực, muốn tìm sự giải thoát. Điển hình, ông Kim Bong-hwan - chủ cửa hàng thịt nướng ở khu du lịch Myeong-dong (Seoul, Hàn Quốc) - tâm sự 3 năm qua, cuộc sống của ông như treo trên vách đá.

Trước đại dịch, doanh thu hằng tháng của ông từng đạt trung bình 50 triệu won. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, con số đó đã giảm 60%, sau đó tiếp tục chạm đáy với mức giảm 95%, trong bối cảnh làn sóng Omicron tàn phá Hàn Quốc vào đầu năm 2022. Khoản nợ của ông nhanh chóng bị đôn lên đến 380 triệu won trong 2,5 năm qua. Ông buộc lòng sa thải 7/9 nhân viên của mình. Các khoản trợ cấp của chính phủ và quỹ cứu trợ thiên tai là quá nhỏ để bù đắp cho những tổn thất của ông.

“Vào những ngày tồi tệ nhất, chúng tôi hoàn toàn không có khách hàng. Khi đó, chúng tôi như đang đi trong một đường hầm tối tăm. Tất cả những gì tôi có thể làm là cầu nguyện, tự động viên bản thân mình. Đôi lúc, tôi có ý định tự tử. Tôi chỉ muốn mọi thứ kết thúc. Đơn giản là không có từ nào để diễn tả những gì tôi đã trải qua khi ấy” - ông Kim nói trong nước mắt.

Vậy nhưng, những tháng gần đây, ông Kim đã bắt đầu nhìn thấy tia hy vọng khi khách du lịch đang quay trở lại Hàn Quốc. “Đó là một sự khởi đầu mới. Không biết sẽ mất bao lâu để tôi hồi phục hoàn toàn. Hiện tại, tôi chỉ mong các biến thể mới không xuất hiện” - ông nói.

Những đứa trẻ ra đời trong đại dịch

Yun Ji-eun hạnh phúc ngắm chồng và con gái đang chơi đùa - Ảnh: Korea Times
Yun Ji-eun hạnh phúc ngắm chồng và con gái đang chơi đùa - Ảnh: Korea Times

Sinh con đã là một việc khó khăn và còn khó hơn nhiều trong thời kỳ đại dịch. Kristin Force (New York, Mỹ) nhớ lại quãng thời gian kinh khủng cô đã trải qua: không thể rời nhà trong nhiều tháng, trừ lúc đến gặp bác sĩ nhi khoa.

Cô cho biết bản thân vô cùng sợ hãi dù đã trùm kín người bằng bộ đồ bảo hộ khi đưa đứa con bé bỏng ra ngoài: “Mọi người nghĩ rằng đại dịch sẽ kéo dài khoảng 2 tuần, sau đó 2 tháng và hiện giờ đã gần 3 năm trôi qua, mọi thứ vẫn chưa kết thúc”.

Tương tự, Yun Ji-eun, trở thành mẹ vào tháng 12/2021, chỉ vài tuần trước khi biến thể Omicron bùng phát dữ dội tại Hàn Quốc, cũng không giấu được sự xúc động khi nghĩ về những năm tháng ấy.

"Tôi phải gấp rút đến trung tâm y tế công cộng để xét nghiệm COVID-19, chỉ vài ngày trước khi sinh mổ. Việc thăm khám lẫn thăm hỏi tại các bệnh viện phụ sản bị hạn chế hoàn toàn. Cha mẹ tôi chỉ được bế cháu gái của họ lần đầu vài tuần sau khi con bé chào đời" - Yun Ji-eun tâm sự.

Kể từ lúc có con, Ji-eun và chồng đều hạn chế các hoạt động ngoài trời vì lo ngại con họ có thể bị nhiễm bệnh.

"Tôi đã làm việc tại nhà khoảng 2 năm và hầu như không gặp ai trong khoảng thời gian đó. Tôi không tụ tập cũng như không đi ăn bên ngoài. Tôi thậm chí không biết rằng các nhà hàng đóng cửa lúc 21 giờ theo quy định giãn cách xã hội vào thời điểm ấy. Chúng tôi rất thận trọng trong việc mời khách đến nhà chơi hoặc hẹn họ đi chơi. Chúng tôi cũng lo rằng việc thiếu tương tác với những người khác có thể làm chậm sự phát triển của con mình" - Yun Ji-eun nói.

Dù chịu nhiều khổ sở vì dịch COVID-19, niềm vui khi con chào đời với vợ chồng Ji-eun là không thể tả. Sự kiện đó mang đến cho vợ chồng cô nhiều hy vọng, xoa dịu những nỗi đau, sự cô đơn họ đã trải qua.

Không riêng các bậc cha mẹ, sự chào đời của những đứa trẻ cũng khiến nhiều người tìm thấy động lực, giúp họ bừng tỉnh sau những đau thương. Lee Sung-woon - (51 tuổi) y tá trưởng Khoa Thần kinh Bệnh viện Ilsan ở Goyang, Hàn Quốc - cho biết, cô từng rơi vào căng thẳng khi mất kết nối với thế giới bên ngoài.

“Ngay cả khi không có đại dịch, bệnh viện vẫn là một môi trường mệt mỏi, nơi mọi người - không chỉ bệnh nhân mà cả nhân viên y tế - cũng cần được hỗ trợ về mặt tinh thần”.

Lee Sung Woon tâm sự cô vẫn nhớ như in ngày đầu năm nay, cô đã chứng kiến một phụ nữ mang thai đang trong tình trạng nguy kịch do COVID-19 nhưng đã mạnh mẽ vượt cạn và hồi phục kỳ diệu. Chính những khoảnh khắc tươi sáng ấy đã giúp cô vượt qua cảm xúc hỗn độn, tiếp tục công việc bằng tinh thần tích cực nhất. 

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI