Tục mai táng trên giường dành cho phụ nữ châu Âu thời Trung cổ

17/07/2022 - 13:40

PNO - Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những trường hợp được chôn cất trong tư thế đang nằm trên giường, một “chuyện lạ” ở châu Âu thời Trung cổ, và chỉ dành riêng cho phụ nữ vào thế kỷ thứ VII sau Công nguyên.

Trong suốt lịch sử của nhân loại, mai táng không chỉ là một hành động chôn cất người chết đơn thuần, mà còn là một cách để thể hiện một thông điệp nào đó.

chôn cất trên giường đã được thực hiện vào đầu thời Trung cổ ở châu Âu và thường dành cho phụ nữ
Tục chôn cất trên giường đã được thực hiện vào đầu thời Trung cổ ở châu Âu và thường dành cho phụ nữ

Chẳng hạn, người Ai Cập chôn cất thi hài trong các kim tự tháp khổng lồ, và người Viking chôn người chết trên biển. Nơi an nghỉ cuối cùng cũng có thể nói lên rất nhiều điều về nơi ở và xã hội của một người khi người đó còn sống.

Nghiên cứu gần đây, được đăng trên tạp chí Khảo cổ học thời Trung cổ (Medieval Archaeology), cho thấy chôn cất trên giường đã được thực hiện vào đầu thời Trung cổ ở châu Âu, tuy hiếm khi xảy ra và thường chỉ dành cho phụ nữ.

Tiến sĩ Emma Brownlee - một nhà khảo cổ học tại Trường Cao đẳng Girton, và là thành viên của Viện Nghiên cứu khảo cổ học McDonald - đã phân tích dữ liệu từ 72 trường hợp được mai táng trên giường, trải dài từ miền Nam Scandinavia và Slovakia đến Anh. Cô phát hiện ra rằng không giống như châu Âu, chôn cất trên giường ở Anh chỉ dành riêng cho phụ nữ, và chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ thứ VII sau Công nguyên.

Brownlee cũng phát hiện ra rằng những người phụ nữ từ nơi khác chuyển đến châu Âu và mang Cơ đốc giáo đến Anh, cũng muốn đem phong tục chôn cất trên giường đến khu vực này.

“An táng trên giường là một nghi thức chôn cất khác thường dành cho phụ nữ ở Anh vào thế kỷ thứ VII. Hình thức chôn cất này thường gắn liền với Cơ đốc giáo”, Brownlee cho biết.

Bản sao chiếc giường cũi với đầu được trang trí rất công phu trong vụ chôn cất con tàu Oseberg ở Na Uy
Bản sao chiếc giường cũi với đầu được trang trí rất công phu trong con tàu mai táng Oseberg ở Na Uy

Hình thức mai táng trên giường từng được biết đến từ nghĩa trang al-Qarara từ thế kỷ thứ III-V ở sắc tộc Copt của Ai Cập (Coptic Egyp). Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy giường có gắn khung rèm được dùng trong mai táng ở Đức, rất giống giường của người Copt từ thế kỷ thứ VI-VII.

Vào năm 2011, các nhà nghiên cứu đã khai quật khu mai táng trên giường Trumpington và phát hiện ra bộ xương của một cô gái từ 14-18 tuổi, được chôn trên một chiếc giường có khung rèm trang trí và được trải nệm rơm. Cô gái cũng được đặt một cây thánh giá tuyệt đẹp làm bằng vàng và đá garnet (ngọc hồng lựu) trên ngực.

Việc chôn cất cô gái với một hiện vật đắt tiền như vậy cho thấy cô từng thuộc tầng lớp thượng lưu, có thể là quý tộc hoặc hoàng tộc.

“Nếu so sánh với các nghi lễ chôn cất trên giường khác từ khắp châu Âu, thì có thể thấy nghi thức chôn cất trên giường đã rất phổ biến trong lịch sử. Hình thức này xuất hiện sớm nhất vào thế kỷ thứ V ở Slovakia, và muộn nhất là ở Na Uy vào thế kỷ thứ X.

Tương tự, việc chôn cất trên giường không chỉ giới hạn ở phụ nữ. Những người đàn ông và trẻ em cũng được chôn trên giường. Một trong những vụ nổi tiếng nhất là việc chôn một cậu bé khoảng 5-6 tuổi bên dưới Nhà thờ Cologne”.

Nghiên cứu cho thấy có hai loại giường được sử dụng để mai táng ở châu Âu: giường có khung rèm, và giường có hình dạng như những chiếc cũi dài.

Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về hình thức mai táng trên chiếc giường cũi được phát hiện trong con tàu mai táng Oseberg ở Na Uy từ năm 834 sau Công nguyên. Tại đây, các chuyên gia đã tìm thấy hai phụ nữ được chôn trong giường cũi với đầu được trang trí rất công phu.

Nhất Nguyên (theo Discover Magazine)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI