"Tự tử lây lan" - nổi ám ảnh đáng sợ của người trẻ ngày nay

06/04/2022 - 13:52

PNO - Các vụ tự tử của người nổi tiếng hoặc của các nhân vật chính trong phim ảnh cùng với sự lan truyền thông tin thiếu kiểm soát trên mạng xã hội đã và đang góp phần làm gia tăng tình trạng "tự tử lây lan" trong giới trẻ ngày nay.

Vào năm 2017, series truyền hình của Netflix mang tên “13 Reasons Why” (tiếng Việt: 13 lý do tại sao) mô tả những góc khuất của đời sống học đường đã tạo nên một “cơn bão truyền thông” với những tranh luận gay gắt về việc liệu thanh thiếu niên có bị ảnh hưởng bởi những trường hợp tự tử được thể hiện trên màn ảnh hay trong các trang tiểu thuyết hay không.

Nhân vật nữ chính trong series phim truyền hình “13 Reasons Why” - Ảnh: Netflix
Nhân vật nữ chính trong series phim truyền hình “13 Reasons Why” - Ảnh: Netflix

Trong phim, cô nữ sinh tuổi teen Hannah Baker đã bất ngờ kết liễu cuộc đời mình, để lại mười ba cuộn băng video tương ứng với mười ba lý do tại sao cô quyết định ra đi. Hình ảnh cái chết đầy chất điện ảnh này đã bị công chúng chỉ trích dữ dội bởi người ta lo lắng về những thông điệp tiêu cực được truyền tải một cách rộng rãi đến đối tượng đích là các cô cậu học sinh trung học.

Các chuyên gia nghiên cứu về hành vi tự tử đã chỉ ra những tác động tiềm tàng của việc đưa tin hoặc miêu tả một cách vô trách nhiệm về hành vi tự tử và tự làm hại bản thân, vốn đã được khuyến cáo đậm nét trong các hướng dẫn truyền thông.

Theo đó, đã có nhiều bằng chứng cho thấy, thanh thiếu niên dễ dàng bắt chước hành vi tự sát của những nhân vật nổi tiếng hoặc những người đồng trang lứa nếu những vụ việc này được tường thuật với tần suất liên tục trên các phương tiện truyền thông hoặc mạng xã hội.

Người ta đã phân tích dữ liệu về các kết quả tìm kiếm trên internet trong vòng 20 ngày kể từ khi bộ phim được phát sóng và nhận thấy rằng, tần suất tìm kiếm cụm từ "tự sát" đã tăng gần 20%. Một số trường hợp tự tử ngoài đời thực được báo chí đưa tin sau đó có nhiều yếu tố tương đồng với cái chết được miêu tả trên màn ảnh khiến các chuyên gia tâm lý đặt dấu hỏi về một khái niệm được đặt tên là “tự tử lây lan”.

Tự tử lây lan là hành vi dễ xảy ra trong lứa tuổi thanh thiếu niên do tác động của những vụ tự tử của người nổi tiếng hoặc bạn bè đồng trang lứa, và được tường thuật rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng - Ảnh:
"Tự tử lây lan" là hành vi dễ xảy ra trong lứa tuổi thanh thiếu niên do tác động từ những vụ tự tử của người nổi tiếng hoặc bạn bè đồng trang lứa, và được tường thuật rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng - Ảnh: Medium

Các nghiên cứu quy mô lớn ở Mỹ đã chỉ ra rằng, thanh thiếu niên là đối tượng có nguy cơ cao của các hành vi tự tử hoặc cố gắng tự tử sau khi chứng kiến những ca tự tử thành công của những người bạn đồng trang lứa hoặc người thân của mình. Một nghiên cứu tương tự được thực hiện ở Anh cũng xác nhận rằng, các trường hợp tự tử lan truyền thiếu kiểm soát sẽ có thể “kích hoạt” ý nghĩ tự tử của những người trẻ khác trong xã hội.

Trong một cuộc khảo sát dành cho thanh thiếu niên ở Anh được thực hiện theo hình thức trực tuyến ẩn danh vào năm 2020, các nghiên cứu viên đã đặt câu hỏi: “Khi theo dõi tin tức về những vụ tự tử được lan truyền trên mạng, liệu bạn có nghĩ đến việc sẽ chết theo một cách tương tự như vậy hay không?”.

Kết quả phân tích sau đó cho thấy, có 26% số người được hỏi đã trả lời một cách chi tiết về việc xem tự tử như là một “lựa chọn hữu hình” cho bản thân. Điều này cho thấy rằng, nhiều người trẻ giờ đây cảm thấy dễ dàng bị tác động bởi các vụ tự tử mà họ được chứng kiến, được nghe hoặc được bàn luận.

“Sẽ luôn có cách nào đó để giải thoát khi chúng ta gặp những điều quá khó khăn trong cuộc sống”, trích trả lời của một nữ sinh trung học cho câu hỏi khảo sát.

Theo Tiến sĩ John Ackerman tại Trung tâm phòng chống tự sát và nghiên cứu thuộc Bệnh viện Nhi đồng ở Columbus(bang Ohio, Mỹ), nếu ai đó đang chìm đắm trong các suy nghĩ tiêu cực do trầm cảm gây ra hoặc đang có ý định tự tử thì họ sẽ có xu hướng tìm kiếm các thông tin về cách người khác tự tử. Và nếu người tự tử mà các em tìm thấy lại là nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội hoặc là những người đồng trang lứa thì sự tuyệt vọng lại càng tăng cao".

- Ảnh: Knysna-Plett Herald
Cần nhận diện sớm các nguy cơ tự tử ở giới trẻ để kịp thời có các giải pháp phòng tránh - Ảnh: Knysna-Plett Herald

Tiến sĩ Alexandra Pitman thuộc Viện Tâm thần học, Đại học University College London (vương quốc Anh) cho rằng, những phát hiện này sẽ giúp cho giới chuyên môn, chuyên gia tâm lý và hệ thống hỗ trợ xã hội có thêm hiểu biết về “tự tử lây lan”, từ đó có thể đề ra các giải pháp can thiệp hữu hiệu để góp phần giải quyết vấn nạn đáng lo ngại này trong xã hội hiện đại ngày nay.

Nguyễn Thuận (theo BMC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI