Tự truyện "Đời, có yêu tôi?" của Lưu Đình Triều: Những tiếng chuông gọi người đến muộn

10/05/2024 - 06:31

PNO - Ý thơ đó là tiếng lòng của nhà báo, nhà văn Lưu Đình Triều. Số phận của ông đã phần nào phản ánh được những bước đi chông chênh của thanh niên miền Nam thời chiến, trước 1975.

Sau khi ba mẹ tập kết ra Bắc năm 1954, Lưu Đình Triều về Biên Hòa sống với bà ngoại (ba của ông là nhà báo lừng danh Lưu Quý Kỳ, hiện có tên đường tại TPHCM, Quảng Ngãi và Đà Nẵng). Thông thường, khi ba mẹ “uống nước nguồn miền Bắc” ắt trong Nam, ông cũng thế? Không. Thời cuộc khốc liệt đã đẩy ông vào thế đứng éo le, như ông tự nhận “cầm súng chống lại ba mẹ mình”. Một số phận, nhiều số phận như thế, sau ngày đất nước thống nhất sẽ thế nào?

Nhà báo Lưu Đình Triều cũng khăn gói nhập trại “học tập cải tạo” như mọi sĩ quan của chế độ cũ. Có một thay đổi hết sức ngoạn mục chính là từ niềm đam mê được trở thành nhà báo. Ngày đó, có cuộc thi tuyển báo chí, ông cũng “liều lĩnh” nộp đơn dự thi và thật bất ngờ, bài thi của ông đạt số điểm cao nhất. Về nguyên tắc, ông phải được nhập học, nhưng với “lý lịch” oái oăm như thế, phải làm sao? Có thể nói đây là một trong những chương “gay cấn” nhất ông đã thể hiện qua tự truyện Đời, có yêu tôi? (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, 2024). Sau năm 1975, lần đầu tiên có sĩ quan duy nhất của chế độ cũ được vào học Khoa Báo chí, Trường Tuyên huấn Trung ương là Lưu Đình Triều.

Tự truyện  Đời, có yêu tôi? của Lưu Đình Triều
Tự truyện Đời, có yêu tôi? của Lưu Đình Triều

Bước đường hành nghề của ông thuận lợi do là con trai của nhà báo Lưu Quý Kỳ? Khi đọc tự truyện này, ta sẽ thấy không hẳn, mà chính là nỗ lực của bản thân ông đã dám sống và “cháy hết mình” với nghề báo. Nói như thế bởi trên hành trình tự “cải tạo” lấy mình, ông đã nỗ lực hết sức qua cương vị Tổng thư ký tòa soạn Báo Tuổi Trẻ, cùng các cộng sự tổ chức thành công những sự kiện lớn như “Ngọn lửa tuổi trẻ”, xây bệnh viện mang tên liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại Quảng Ngãi, “Đêm trắng - góp tay xoa dịu nỗi đau da cam”…

Khi đọc đến đây, bạn có nhẹ nhõm cho rằng, con đường “đổi đời” của nhà báo Lưu Đình Triều thuận lợi quá? Thực ra, cuộc đời của mỗi người không bao giờ dưới chân chỉ trải hoa hồng. Lưu Đình Triều còn có phần khốc liệt hơn, bởi ông vốn là sĩ quan của chế độ cũ. Biết thế, để khi đọc tự truyện, ta sẽ nhận ra một “bến bờ” an lành, một “điểm tựa” vững chãi để ông có thể vượt lên chính mình. Đó chính là nỗi niềm sâu lắng ông đã thể hiện qua bài thơ in trên Báo Sài Gòn Giải Phóng đúng vào ngày 30/4/2005, trong đó có đoạn: “Dẫu thế nào cũng nhủ lòng đi nữa/ Tiếng chuông rung dìu dặt một câu thơ:/ “Ta đến muộn, đừng lo, Người vẫn đợi/ Với Bác Hồ, Người thương nhất kẻ đi sau”/ “Phút ngã lòng vịn câu thơ đứng dậy”/ Chẳng vịn đâu! Thơ đang ở trong đầu”.

Trong khổ thơ này, ông nhắc đến câu thơ của nhà thơ Hải Như và Phùng Quán, khi nghĩ về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, như một cách luôn tự nhắc mình: “Chỉ trường kỳ mài sắt mới nên kim/ Dòng chảy cũ đời mình ngược bơi đâu phải dễ”. Những chuyển biến cụ thể ấy, thông qua tác nghiệp báo chí, ông đã kể lại hết sức chân thật trong tự truyện Đời, có yêu tôi?

Khi khép lại tập sách, tôi đồng thuận với ý kiến của nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương: “Hoàn cảnh gia đình cùng những vướng víu và nỗ lực cá nhân của Lưu Đình Triều cho thấy bản thân anh cũng là một “nhân vật” tiêu biểu của thế hệ đôi mươi, khi đất nước chuyển sang bước ngoặt lịch sử vào năm 1975. “Không ai chọn cửa mà sinh ra” là câu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay nói những năm tháng đó. Với Lưu Đình Triều và những người cùng thế hệ với anh, có thể nói thêm: “Không ai chọn thời mà sinh ra”. Đó là cái thời mà cha con, anh em, bạn bè… do run rủi của số phận có thể đứng hai bên bờ chiến tuyến. Cái thời đó đã khép lại và nỗ lực của những người thiện chí là mở ra một thời kỳ mới cho sự hòa giải và hòa hợp, bởi vì, vẫn nói như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Những định kiến rồi sẽ phải qua, nếu không thì cộng đồng dân tộc làm sao liền lạc, mạnh mẽ được”.

Vâng, nhà báo Lưu Đình Triều - một thành viên nhỏ bé của hàng triệu người miền Nam - đã cùng hướng về sự hòa hợp, hòa giải dân tộc trong tình yêu vĩ đại và thiêng liêng nhất: Đất nước thống nhất. Tập sách Đời, có yêu tôi? đã thể hiện sâu sắc và chân thật nỗ lực của chính ông để chứng minh thiện chí của mình.

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhanvattacphamvi /strCate=nhanvattacpham

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvandevi /strCate=vande

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsangtacvi /strCate=sangtac

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATErubikvanhoavi /strCate=rubikvanhoa
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvanhoavi /strCate=vanhoa