Từ tháng 4, thế giới sẽ thiếu khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày: Tìm nguồn cung ở đâu?

20/03/2022 - 09:04

PNO - Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) các lựa chọn thay thế dầu thô và những sản phẩm dầu khác từ Nga là rất hạn chế.

Theo báo cáo tháng 3/2022 của IEA, nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo là gần 100 triệu thùng mỗi ngày (bpd) trong năm nay, thấp hơn so với dự báo trước đó bởi cú sốc tăng trưởng toàn cầu do chiến sự ở Ukraine. Bình thường, Nga sản xuất khoảng 10 triệu thùng dầu/ngày và xuất khẩu khoảng một nửa số đó cộng với khoảng 3 triệu thùng/ngày các sản phẩm dầu. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ nguồn cung sẽ thiếu hụt bao nhiêu bởi các lệnh cấm vận.

IEA cho rằng, từ tháng 4 đến cuối năm nay, thế giới sẽ thiếu hụt ít nhất 1,5 triệu thùng dầu/ngày và 1 triệu thùng sản phẩm dầu mỗi ngày từ Nga, do người mua tự nguyện từ chối nguồn cung hoặc nhằm tránh vi phạm các lệnh trừng phạt. Vậy thế giới có thể tìm nguồn cung cấp thêm 5 triệu thùng dầu mỗi ngày ở đâu?

Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE)

Ả Rập Saudi, với 2 triệu bpd dự phòng và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với 1,1 triệu bpd là hai nhà sản xuất dầu hàng đầu duy nhất có công suất dự phòng đủ bù đắp ngay lập tức sự thiếu hụt từ Nga. Tuy nhiên, như IEA lưu ý, cho đến nay, cả hai quốc gia vẫn “không sẵn sàng khai thác khoản dự trữ”.

Cả hai đều là thành viên của OPEC+ bao gồm các nước sản xuất dầu hàng đầu. Nhóm OPEC+ sẽ họp lại vào ngày 31/3 để quyết định mức sản lượng khai thác. Các thành viên đã đồng ý tăng sản lượng ở mức khiêm tốn 400.000 thùng/ngày vào đầu tháng 3, mặc cho tình hình Ukraine ngày càng căng thẳng.

Nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo (Đan Mạch) nói rằng quyết định đơn phương gia tăng sản lượng của Ả Rập Saudi và UAE sẽ “có khả năng dẫn đến sự sụp đổ của OPEC+”.

Ông cũng chỉ ra rằng không một nhà sản xuất dầu nào có thể sử dụng hết công suất dự phòng của họ, việc giữ công suất này là một yếu tố quan trọng để ổn định giá cả và là một vùng đệm trong trường hợp gián đoạn không lường trước được.

Thiếu hụt nguồn cung từ Nga, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể kéo dài ít nhất cho đến cuối năm 2022
Thiếu hụt nguồn cung từ Nga, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu có thể kéo dài ít nhất cho đến cuối năm 2022

Iran

IEA tính toán, trên lý thuyết, Iran có công suất dự phòng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày nhưng có một số vấn đề nghiêm trọng. Đầu tiên là nhu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, thông qua một nghị quyết trong cuộc đàm phán giữa Tehran và các nền kinh tế phương Tây về việc khôi phục thỏa thuận năm 2015 về tham vọng hạt nhân của Iran. Ngay cả khi đó, IEA cho biết, có khả năng phải mất ít nhất 6 tháng nữa để có thể tính sản lượng 1 triệu thùng/ngày từ Iran vào tổng nguồn cung dầu toàn cầu.

Venezuela

Giống như Iran, Venezuela vẫn phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nếu quay lại sản lượng năm 2015, Venezuela có thể cung cấp thêm 1,8 triệu bpd nhưng điều đó khó trở thành hiện thực. Hansen giải thích: “Việc tăng năng suất thêm vài trăm ngàn thùng mỗi ngày đòi hỏi nhiều năm chuẩn bị và tốn hàng tỷ USD đầu tư mới”.

Trữ lượng của Mỹ

Sophie Udubasceanu - chuyên gia dầu thô toàn cầu tại công ty phân tích thị trường năng lượng ICIS - cho biết: “Xuất khẩu dầu của Mỹ duy trì mức tăng gần suốt năm 2021, đạt đỉnh vào tháng 12 ở mức 3,45 triệu thùng/ngày, khi không bị đe dọa bởi bão hoặc mất điện”, con số này khó có triển vọng tăng thêm.

Hansen nhận định, Mỹ có thể tăng thêm 0,5 triệu thùng/ngày nếu sản lượng quay trở lại mức đỉnh năm 2019, tuy nhiên điều này khó duy trì bởi tình trạng thiếu cát, xe tải, đội tàu khai thác và giàn khoan.

Ngoài ra, để tăng sản lượng, cần có thời gian. Rystad Energy, một công ty nghiên cứu, ước tính thời gian trung bình kể từ khi khởi động khai thác một giếng mới cho đến khi dầu chảy ra thị trường là 8 tháng.

Các nhà sản xuất nhỏ hơn

So với sản lượng đỉnh năm 2019, Nigeria vẫn thiếu hụt 0,4 triệu thùng/ngày. Việc khôi phục mức 2019 sẽ đòi hỏi sự đầu tư từ các công ty dầu mỏ lớn và cũng như tình hình chính trị ổn định hơn. Canada và Argentina đóng góp tiềm năng thông qua các mỏ dự trữ riêng, nhưng không có gì đủ để xoay chuyển tình trạng thiếu dầu mỏ hiện tại của thế giới.

Tấn Vĩ (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI