Nói kỹ như vậy, để dễ hình dung ra, tôi tự biết mình chỉ là một phụ nữ bình thường, không có gì đặc biệt xuất sắc, cũng chẳng đến nỗi lười biếng, vô công rồi nghề.
Chồng tôi công tác ở một tỉnh lân cận, cuối tuần mới về nhà. Con tôi sinh non, chào đời chưa được 2kg, chưa biết lắng nghe chia sẻ gì, chỉ léo nhéo khóc, nhu cầu xoay tua liên tục, dễ đến phát điên. Đang có thu nhập riêng và cuộc sống tự do tự tại, giờ bó buộc ở nhà suốt ngày, với một đứa trẻ và bà mẹ chồng, quả thật chẳng mấy dễ chịu gì. Mẹ chồng chỉ nói những điều cần thiết, không thể hiện tình cảm yêu ghét gì ra nét mặt. Tôi luôn ở tâm trạng e dè giữ kẽ. Trước giờ không phải làm dâu, nay mang tiếng ôm con về nương tựa nhà chồng, sống chung trong một tập thể đông đúc không có ai “quen”, đúng là khó thở. Chưa kể, mẹ chồng tôi dường như có tiếng nói quyết định mọi việc lớn nhỏ trong nhà, chồng tôi và các anh chị em khác, dâu rể đều răm rắp nghe theo, không thấy phản kháng gì. Tôi thật không hiểu nổi, chẳng ai lệ thuộc gì vào mẹ, tại sao lại phải như vậy?
Nói nào ngay, tôi thấy cả nhà chồng tuy đông nhưng có trên có dưới, hòa thuận êm ấm, cũng mừng. Nhưng với bản tính hiếu thắng thích chứng tỏ mình của một cô gái trẻ, tôi quả là không cam lòng, khi chồng luôn coi trọng “thánh chỉ” của mẹ. Tôi càng thêm bức xúc khi một lần, tôi thấy trong bếp có trữ sẵn mấy nguyên liệu nấu ăn ngon lành, nên tỏ ý muốn làm món vịt nấu chao cho bữa cơm chiều hôm ấy. Mẹ chồng thẳng thừng gạt phăng, với lý do, nhà có ai đâu mà bày vẽ, đợi đến cuối tuần, đông đủ rồi ăn luôn.
Tôi chưng hửng và buồn bã hiểu ra, ở trong nhà chồng, một đứa con dâu như mình chẳng có chút nghĩa lý gì, nó chỉ là con số không tròn trĩnh mà thôi. Tôi mang tâm sự này chia sẻ với chồng, nhận được một trận cười vui vẻ sảng khoái của anh, kèm theo cảm giác rằng, anh thật sự coi đó chỉ là một câu đùa vui. Chồng tôi dịu dàng bảo vợ, để từ từ, rồi em sẽ nghĩ khác, khi hiểu rõ câu chuyện gia đình mình…

2 Mẹ chồng tôi cả đời thuộc diện “ở nhà chồng nuôi”. Ba chồng tôi đi làm, mang tiền về cho mẹ, coi như hoàn thành nhiệm vụ. Con cái lớn lên như thế nào, đau ốm, sướng khổ ra sao, ông đều không quan tâm. Con cái nay bao nhiêu tuổi, học hành ở đâu, làm gì, ba chồng tôi đều thờ ơ hết thảy. Ngay cả tiền mang về thiếu đủ ra sao, ông cũng không biết. Một mình mẹ nuôi dạy con, quyết cho con đi học, nhất là mấy cô con gái, vì “đàn bà, ít học, không nghề nghiệp, khổ lắm”…
Có một thời gian dài, ba chồng tôi bỏ bê gia đình, chạy theo người đàn bà khác. Khỏi phải nói, cuộc sống cả nhà trở nên bức bối và túng quẫn đến mức nào. Các anh chị em giận ba, hối thúc mẹ đi tìm người phụ nữ kia hỏi cho ra lẽ. Mẹ vừa trấn an con cái, vừa nuốt nước mắt vào lòng, tự tìm niềm vui cho mình trong việc dạy dỗ, đôn đốc con học hành, vừa tằn tiện vun vén cuộc sống. Mẹ nhờ bên nội giúp đỡ, khuyên nhủ ba. Thế nhưng, với suy nghĩ phổ biến thời bấy giờ, rằng đàn ông như thế cũng thường, lại thêm sẵn nỗi ghét mẹ tôi không làm ra tiền, không giỏi giang tháo vát buôn bán như người ta, nên bên nội quay lưng…
Mẹ tôi không giận hay để bụng. Khi ba chồng tôi “lối cũ ta về”, vẫn thấy con cái lễ phép, cửa nhà đàng hoàng. Nhà nội chồng đông con cháu, nhưng rồi cuối cùng, cần tham khảo ý kiến học ngành gì, xin việc ra sao, đều chạy qua hỏi mấy chị em bên chồng tôi. Bà nội thừa nhận công sức của con dâu, rằng nhờ có sự nhẫn nhịn chịu thương chịu khó của mẹ, mà gia đình mới tồn tại đề huề được tới bây giờ. Bây giờ, đi đâu, bên nội cũng trầm trồ khoe rằng, nhà chồng tôi có mấy chị em thì đều tốt nghiệp đại học, đi làm công ty, lại có hiếu, biết nghe lời ba mẹ. Ba chồng tôi, ngày đầu tiên bước chân vào căn nhà mới do mẹ cả đời tích cóp, một tay mẹ coi ngó sửa sang, đã rưng rưng nói, “Ba phục mẹ chúng mày thật”. Mẹ quay đi, kịp giấu những giọt nước mắt của mình…
Ở lâu bên nhà chồng, tôi mới nhận rõ sự trân trọng quý mến của nhiều người bên nội chồng dành cho mẹ. Có quả xoài ngon vườn nhà, bà nội cũng biểu hái mang qua cho mẹ. Giỗ quảy gì bên nhà chồng, phải có tay mẹ nấu nướng, bày biện thì bà nội mới ưng. Mỗi lần có dịp, là đều nghe nhắc, món này mẹ nấu là nhất, quần áo trẻ con mẹ may, mặc mát và tiện dụng… Những ngày “nằm vùng” ở nhà chồng, nghe được câu chuyện đời của mẹ, tôi hiểu mẹ xứng đáng hưởng sự yêu thương chăm sóc của mọi người. Nhưng tận sâu thâm tâm mình, tôi vẫn thấy có gì đó không ổn. Đánh đổi cả cuộc đời mình trong bếp, cam chịu, hy sinh như thế, rồi bây giờ mẹ có lấy lại được những năm tháng đã qua hay không? Bao nhiêu cô gái bây giờ có thể chấp nhận cảnh sống như thế, để mãn nguyện đổi lấy cái kết thúc có hậu bây giờ của mẹ? Tôi tin là không nhiều lắm, mọi thứ giờ đã thay đổi rất nhiều rồi, những câu chuyện “hàn lâm” như thế giờ đã là hiếm hoi, đáng để mọi người kể nhau nghe như thể là… sự lạ.
3 Thế nhưng… Nhà tôi có hai chị em gái, vì cách xa tuổi tác và bận rộn, nên chị em tôi ít có thời gian chia sẻ. Vì ở nhà chăm con, tôi có điều kiện gần gũi chị Hai mình, mới hiểu ra, tuy khác nhau về hình thức, nhưng để một phụ nữ từ “số không” tìm được vị trí “số một” ở nhà chồng, thì thời nào cũng có.
Anh rể tôi có một mối tình dài lâu, trước khi quyết định cưới chị. Nhà chồng chê chị nhỏ con, yếu đuối, rụt rè, nghề nghiệp lại chưa ổn định, so với “người cũ” của anh thì quả là không đáng… xách dép. Chị tôi biết thân biết phận, ra vào nhún nhường, thì bị quy kết là ỷ có học nên… khinh người, đi làm về chỉ biết vun vén cho riêng mình, không hòa đồng với cuộc sống trong nhà. Khỏi phải nói, chị tôi khổ tâm, khóc thầm biết bao nhiêu, chồng chị lại là người vô tư, nghĩ cái gì cũng đơn giản, nên làm sao nhìn thấu được những trăn trở buồn vui của vợ.
Thế mà, mới đây, nhà mẹ ruột tôi có việc, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy bên gia đình chồng chị tất bật qua lại trông coi, phụ giúp. Mấy đứa cháu chồng không kém chị tôi bao tuổi, một điều hỏi mợ, hai điều cũng hỏi mợ, vui vẻ, tôn trọng. Tôi hỏi nhỏ chị, làm cách gì thay đổi “quan điểm” cả gia đình chồng hay vậy, chị tôi khẽ cười, bảo, “chinh phục” nhà chồng là cả một nghệ thuật. Không cần kỹ xảo, chỉ cần một tấm lòng.
Chị bảo, dần cũng hiểu ra, mình là người mới, phải chủ động, phải tỏ rõ thiện ý trước. Quan trọng là mình có muốn mở lòng hội nhập. Mình làm lương ít hay nhiều, nhà chồng cũng đâu vay mượn, nhưng quan trọng, mình biết sống, biết nghĩ. Khi thì ít trái cây ngay mùa, lúc lại là hộp sữa cho cháu nhỏ, đâu tốn kém là bao, mà vui vẻ cả nhà. Cũng không ai nỡ để con dâu thiệt thòi mà sợ. Lúc nhà chồng có việc, mình nên coi đó như việc của chính nhà mình, đừng nề hà tỵ nạnh. Cháu chồng có bầu, chị ân cần chỉ dẫn mấy kinh nghiệm ốm nghén của bản thân. Chị tôi có khả năng đánh máy mười ngón không nhìn phím mà vẫn nhanh như gió, chị nhiệt tình chỉ lại cho mấy đứa nhỏ phía bên chồng…
Chị hồ hởi khoe, hôm trước anh chồng gả con gái lớn, đã nhờ chị ngồi bàn giữ thùng tiền mừng, rồi sau đó kiểm đếm giùm. Chuyện nhỏ thôi, nhưng chị vui vì được tin cậy, thân thiết. Giờ mọi người lâu lâu lại tụ tập ăn cơm hát hò, vui lắm. Chị đã chẳng còn là người ngoài nữa rồi.
Tôi nghe mà mừng cho chị. Lại thấy mình tự dưng suy nghĩ thật nhiều. Tôi giờ vẫn là bà mẹ trẻ vừa chính thức bỏ việc để ở nhà chăm con, sau đó chưa biết tính thế nào, bằng trung cấp nay khó xin việc lắm. Con tôi vẫn là đứa trẻ sinh non thiếu ký, hay khóc, khó nuôi. Nhưng bản thân tôi đã nhận ra, mình hoàn toàn không phải là con “số không” vô nghĩa. Tôi có cuộc đời và những giá trị của riêng mình, mà chính tôi, chứ không phải ai khác, sẽ làm cho cuộc đời mình có ý nghĩa hơn, theo một cách nào đó, trở thành “số một” của gia đình.
Nguyễn Hải My