Truyện tranh hay hơn nhờ cảm hứng từ văn hóa, lịch sử

14/03/2024 - 07:43

PNO - Văn hóa, lịch sử Việt Nam không chỉ là niềm cảm hứng với các tác giả trong nước mà còn thu hút các họa sĩ Nhật Bản khai thác, tạo ra nhiều tác phẩm ấn tượng.

Dấu ấn Việt trong Tàn lửa và Dragon on Hat

Không hẹn mà gặp, 2 bộ truyện tranh khai thác văn hóa, lịch sử Việt Nam vừa cùng ra mắt: Tàn lửa (họa sĩ trẻ Lilywiu, tên thật là Lê Lợi Thư Đình) và Dragon on Hat (dự án của họa sĩ Nhật Bản Akira Ito). Nếu Tàn lửa khai thác bối cảnh Việt Nam thập niên 1930 thì Dragon on Hat dù giả tưởng nhưng chọn bối cảnh lùi về giai đoạn lịch sử xa hơn, đến các triều đại phong kiến cổ xưa. 

Tàn lửa - bộ truyện tranh khai thác bối cảnh văn hóa Việt Nam thập niên 1930 vừa ra mắt
Tàn lửa - bộ truyện tranh khai thác bối cảnh văn hóa Việt Nam thập niên 1930 vừa ra mắt

Tại buổi gặp gỡ bạn đọc TPHCM mới đây, họa sĩ Akira Ito (nổi tiếng với các bộ manga Yu-Gi-Oh! R, Cardfight!! Vanguard…) chia sẻ mong muốn đưa dấu ấn văn hóa, lịch sử Việt Nam vào bộ truyện Dragon on Hat. Nhân vật chính của bộ truyện là công chúa Hoa - nàng công chúa của một đất nước bị diệt vong đã dấn thân vào hành trình khôi phục lại vương quốc. Câu chuyện giả tưởng được họa sĩ Akira Ito xây dựng trên nền bối cảnh được lấy cảm hứng từ những địa danh nổi tiếng của Việt Nam. Mỗi nhân vật của bộ truyện có tính đại diện cho một vùng đất văn hóa là điều mà họa sĩ Akira Ito hướng đến. 

Họa sĩ Akira Ito cho biết, trong thời gian sáng tác, ông cũng sẽ đăng truyện lên fanpage để bạn đọc tham gia góp ý, cùng xây dựng câu chuyện. Ông mong muốn Dragon on Hat sẽ là cầu nối giao lưu văn hóa giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời mang văn hóa Việt đến rộng rãi hơn với bạn đọc truyện tranh các nước. Dragon on Hat vừa mới ra mắt dự án nhưng các sản phẩm phái sinh từ tác phẩm (móc khóa, túi, huy hiệu, bút bi…) đã được phát hành đến bạn đọc.

Cùng thời điểm, tập 1 bộ truyện tranh Tàn lửa (dự kiến 7 tập, Nhà xuất bản Kim Đồng) đã ra mắt. Chọn kể một câu chuyện tranh đấu cũng như mâu thuẫn giữa 2 gia tộc Ngô - Chu trên đảo Ngọc Nãi, họa sĩ Lilywiu (hiện đang theo học ngành Illustration tại Đại học khoa học ứng dụng Hamburg - Đức) đã khai thác bối cảnh xã hội Việt Nam thời thuộc địa. Văn hóa Việt được thể hiện trong thiết kế bối cảnh, kiến trúc nhà cổ, phục trang…; phần hư cấu là câu chuyện về tình yêu, tham vọng, những mối thâm thù, tranh quyền đoạt vị trong gia tộc. 

Họa sĩ Lilywiu bày tỏ mong muốn mang đến cho bạn đọc một trải nghiệm đa chiều. Nhân vật chính trong bộ truyện là Thiên Mai - du học sinh Pháp - trở về Việt Nam sau những biến cố của xã hội đương thời, vào lúc Tổng thống Pháp Paul Doumer qua đời (tháng 5/1932). Cô liên tục phải trải qua mất mát và đối diện trước những mối thâm thù gia tộc… Tập 1 bộ truyện Tàn lửa cho thấy phong cách sáng tạo mới lạ cùng tư duy thẩm mỹ rất riêng của Lilywiu khi khai thác được cả những giá trị truyền thống lẫn tân thời trong bối cảnh xã hội Việt Nam thập niên 1930.

Dragon on Hat Tàn lửa bổ sung vào dòng chảy của truyện tranh Việt những bộ truyện đáng mong đợi cho các fan manga, đồng thời cho thấy văn hóa, lịch sử là mảnh đất màu mỡ cho sáng tạo của các họa sĩ, cả trong và ngoài nước. 

Kho tàng từ văn hóa dân tộc

Trước Dragon on Hat Tàn lửa, truyện tranh Việt dành cho thanh thiếu niên đã có một số tựa/bộ truyện khai thác chất liệu văn hóa, lịch sử ăn khách, thậm chí đoạt giải thưởng cao. Cho đến giờ, những bộ truyện như Long Thần Tướng, Vạn Nhân Ký - Noãn (tập 1 trong dự án truyện tranh 7 tập của nhóm tác giả Linh Thạch, Du Bút ấn hành) đều là những dấu ấn đẹp trong cộng đồng truyện tranh.

Họa sĩ Akira Ito ký tặng poster truyện Dragon on Hat cho bạn đọc TPHCM chiều 9/3
Họa sĩ Akira Ito ký tặng poster truyện Dragon on Hat cho bạn đọc TPHCM chiều 9/3

Dã sử, hư cấu là lựa chọn phổ biến của các tác giả, họa sĩ truyện tranh Việt. Với Tàn lửa, Lilywiu chia sẻ: cô không đặt mục tiêu phát triển một thế giới đồ sộ lớn lao mà đặt trọng tâm vào chiều sâu của từng nhân vật. Hư cấu cũng là lựa chọn phù hợp khi khai thác về những nhân vật lịch sử còn gây tranh cãi hoặc cơ hội tự do sáng tạo từ những khoảng trống của sử liệu. 

Tuy nhiên, dù khai thác nhân vật có thật hay hư cấu thì văn hóa Việt từ bối cảnh, trang phục, khí giới, lễ hội, đời sống sinh hoạt… trong những giai đoạn lịch sử đều đã được các tác giả, họa sĩ nghiên cứu kỹ lưỡng. Và chính những giá trị văn hóa, lịch sử được khai thác trong các tựa/bộ truyện đã góp phần nâng tầm cho các tác phẩm. Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm! (tác giả Hoàng Tường Vy, Comicola và Nhà xuất bản Dân Trí) kể câu chuyện về thầy lang Tường và thầy đồ Vũ, đặt trong bối cảnh làng quê Việt Nam xưa, đã ghi dấu ấn tại Giải thưởng truyện tranh manga quốc tế Nhật Bản năm 2022 (Japan International Manga Award), với giải đồng. Bước ra thế giới bằng một câu chuyện đậm dấu ấn văn hóa Việt cũng là cơ hội cho truyện tranh Việt giới thiệu mình với bạn bè quốc tế. 

Các họa sĩ nước ngoài đã góp phần làm phong phú thêm những góc nhìn, cách tiếp cận khi khai thác chất liệu từ văn hóa, lịch sử Việt cho truyện tranh. Trước đó, các họa sĩ Nhật Bản như Higashimura Akiko và Baba Tamio đã tặng cho bạn đọc Việt Nam các bộ truyện thú vị: Công nữ Anio (phát hành tháng 9/2023), Sơn, Goal! (đã phát hành được 2 tập, thu hút sự chú ý đặc biệt của bạn đọc trong nước). Sự tham gia của các họa sĩ nước ngoài không chỉ góp phần mang đến cho độc giả Việt Nam những bộ truyện tranh đáng đọc, mà phần nào còn cho thấy lịch sử, văn hóa Việt là chất liệu vô tận, là niềm cảm hứng sáng tác và cũng mở ra con đường đầy tín hiệu tích cực cho truyện tranh Việt.

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI