Truyện ngắn - Tiệm của đàn bà

09/12/2022 - 16:15

PNO - Khi An thuê lại cái cửa tiệm cũ nơi dốc chợ, phủi bụi, sửa sang rồi gắn lên tấm biển ghi sơ sài “Gội đầu, cắt tóc, làm móng”, mấy người đàn bà xách giỏ đi chợ lắc đầu, trề môi.

Họ nói ở cái xứ đâu đâu cũng nhìn thấy núi này có mấy ai đi làm móng, gội đầu. Còn cắt tóc hả, bữa nào rảnh rỗi, xõa tóc ra nhờ con cái hay hàng xóm lấy kéo xoẹt một đường ngang là xong. Mà tóc cắt hay chưa cắt cũng chẳng khác nhau là mấy, nó sẽ được búi lại rồi quấn một lớp khăn, đội thêm cái nón để ra đồng hay lúi húi trên những nương bắp, nương sắn bỏng rát nắng hè. Họ bảo chỗ cái dốc chợ ấy, mở gánh bún hay bánh mì ăn sáng thì hơn. Đàn bà hay đàn ông xứ này chỉ quan tâm đến cái bụng chứ mấy ai quan tâm đến tóc tai hay làm đẹp.

ảnh: nguyên quang tiên
Ảnh: Nguyên Quang Tiên
 

Tiệm của An bằng gỗ, cũ xì. Khi An tới thuê, nhìn ngược lên thấy mớ mạng nhện giăng đầy trần nhà. Những buổi trưa yên ắng, cô còn nghe tiếng mối gặm trên mấy cây cột ám màu thời gian. Mà ở ngôi chợ nơi vùng cao này, tiệm nào mà chẳng cũ kỹ. Có khi những biển hiệu treo trước cửa bị mưa nắng bào mòn chẳng đọc được chữ. An thuê người sửa lại tiệm, mua một tấm vải hoa sặc sỡ may rèm, treo trước cửa, để khi khách ghé tiệm sẽ không bị người đi đường ngó nghiêng vào. Cái rèm cửa đỏ chói nơi dốc chợ cứ như một bông hoa lạc loài làm người ta nhức mắt mỗi bận đi qua.

Xứ này quay mặt bốn phía đều thấy núi. Núi trùng trùng điệp điệp. Buổi sáng sương bảng lảng như vành khăn trắng u buồn quấn trên đỉnh núi. Những thửa ruộng cạn cũng chạy theo dáng hình chân núi. Đàn bà xứ này hết mùa lúa thì lên núi đào măng, hái rau rừng, nhặt những trái ươi bay theo gió… hoặc mang găng tay, chít khăn kín mít cắm cúi bên những nương bắp, nương sắn cao quá đầu người. Cái nắng gay gắt rải trên những ngọn đồi đầy đá thổ chu bỏng rát. Mồ hôi túa ra ướt đẫm lưng áo. 

Dốc chợ thoai thoải dẫn lên một ngôi chợ sơ sài chỉ họp vào nửa buổi sáng. Những người đàn bà đi chợ từ tinh mơ đẫm sương. Họ thường rủ nhau đi bộ. Trong giỏ đi chợ của họ kiểu gì cũng có bó rau, trái mướp, trái bầu trong vườn nhà mang ra chợ bán. Những cuộc bán mua ở chợ diễn ra nhanh chóng bởi nương bắp hay thửa ruộng chưa kịp nhổ cỏ đang chờ họ ở nhà. Lúc về, những bó rau đã thay bằng chai nước mắm, gói bột ngọt hay vài con cá không biết qua bao nhiêu cung đường mới có mặt ở ngôi chợ miền sơn cước này. 
***
Tiệm của An ế khách bởi đàn bà xứ này hiếm khi có thời gian để soi mình trước gương huống hồ ghé tiệm để gội đầu, làm móng. Những cô gái trẻ vừa học xong phổ thông đã kịp bắt những chuyến xe xuống thị trấn hay xa hơn nữa là lên thành phố. Trên đó có những tiệm tóc biến mái tóc đen dài gội bằng thảo mộc hay lá cây thành mái tóc nhiều màu thời thượng. Thành thử, làng chỉ còn rặt con nít, đàn bà trung niên với người già. Mà họ đâu phải đối tượng của tiệm An.

Từ hồi nhỏ xíu, An đã muốn rời núi. Nhìn những người đàn bà mặt đầy vết nám cặm cụi trên nương rẫy, An không muốn cuộc đời mình giống họ. Học xong cấp II, An cũng ngồi xe đò xuống thị trấn. Chiếc xe cũ, mỗi lần gặp ổ gà là kêu lọc xọc như sắp bung ra từng bộ phận. Vậy nhưng An sung sướng khi được ngồi trên chiếc xe đó. Xe chở người và ăm ắp những bao tải đựng măng, chè tươi, sắn, bắp… Thậm chí dưới gầm xe còn nghe tiếng gà vịt kêu yếu ớt. Đó là chuyến xe duy nhất đưa người làng lên thị trấn rồi từ thị trấn sẽ có một bến xe to hơn để đi muôn nơi. 

Đám con gái rời làng, đứa nào học khá thì học tiếp cấp III ở trường nội trú, đứa nào không khá thì đi học nghề. An đi học làm tóc, gội đầu. An thích nghề này nên học rất nhanh. Cô biết cách dùng mười đầu móng tay gãi vào da đầu sao cho vừa đã ngứa vừa không làm đau khách. An vừa gội vừa xoa, ấn nhẹ nhàng vào da đầu để khách thư giãn. Vì cô khéo làm nên chị chủ tiệm rất hài lòng. Chị ta còn chỉ An cách làm móng, lấy da, lấy khóe, sơn màu sao cho đẹp. An làm ở đó được ba năm thì thuê một tiệm nhỏ làm riêng. Khách của An không chỉ có đàn bà mà có cả những người đàn ông coi trọng vẻ bề ngoài. 

Đàn ông ghé tiệm của An đông không hẳn vì An làm khéo mà vì cô còn trẻ và đẹp. Lúc đó An mới 18 tuổi. Những người đàn ông lim dim mắt để An ráy tai. Khi cô cắm cúi làm, họ bảo cô cúi sát thêm tí nữa. Họ bảo cô mát xa thật kỹ rồi sẽ “bo” thêm. Khi trả tiền, họ không quên vuốt tay cô chủ một cái ra chiều ý tứ. An biết hết nhưng giả bộ làm lơ, miễn họ không đi quá giới hạn.

Tiệm đông, hằng tháng An có một khoản tiền kha khá gửi về cho ba má ở quê. Má An cũng như bao nhiêu người đàn bà trong làng, cả đời không có lấy một cây son. Mà cũng phải, cả ngày ngoài đồng, mua cây son chỉ tổ uổng tiền. Những lần đám cưới, tiệc tùng đi mượn quanh xóm được đôi dép hay bộ áo dài bận đỡ. An gửi tiền về, nói má sắm sửa, may vài bộ đồ mới mà mặc. Tuy nhiên, những đồng tiền ấy đều được má cất kỹ trong mấy bọc ni lông quấn chặt để đầu giường. Sự chắt chiu, dành dụm đã thành máu ăn sâu vào tâm thức của đàn bà xứ này mất rồi.

An nghĩ mình sẽ làm ở thị trấn thật lâu, dành dụm mớ tiền về quê xây lại căn nhà cho ba má. Ai ngờ một bữa đang gội đầu cho khách, An bị một người đàn bà tới đánh ghen. Bà ta nắm tóc An, gào lên rằng cô là thứ đàn bà lăng loàn chuyên giật chồng người khác. An phân bua, giải thích cô có biết chồng bà ấy là ai đâu. Bà ta nói chồng mình luôn đến vào trưa thứ Năm để cô ráy tai, gội đầu đó. Vừa nói “nhớ chưa”, bà ta vừa bạt tai An, nói cô ráng làm ăn đàng hoàng chớ đừng đi giật chồng người khác. Người đàn bà đang nằm cho An gội đầu cũng ngồi bật dậy, nhìn cô với ánh mắt ác cảm. Chỉ là một người vợ đa nghi, ghen tuông nhầm người, vậy mà người ta đồn rằng An làm gái, làm kẻ thứ ba.

Ít lâu sau, An treo biển chỉ làm tóc, gội đầu cho phụ nữ. Tiệm An dần đông khách trở lại. Song, khi cúi mình trên những bộ móng chân đỏ chót hay ngồi nhuộm lại mái tóc vàng hoe của các quý bà dưới thị trấn, An không còn vui nữa. An cũng không hào hứng trong những câu chuyện được rút từ ruột gan của những người đàn bà thừa tiền mê phù phiếm. Họ cười hô hố, thoải mái kể về những chuyện vụng trộm của mình. Đôi khi, An nghĩ những mái tóc xoăn gợn sóng vàng rực, những bộ móng tay đỏ chót mình làm như điểm tô thêm cho những giả tạo. Làm được ba năm, An đóng cửa về quê mở tiệm. 
***

Nhiều người đàn bà tần ngần đứng trước cửa tiệm An. Họ nửa muốn vạch tấm rèm hoa đỏ mà bước vô, nửa lại ngập ngừng e ngại. Những lúc ấy, An thường tinh ý vui vẻ bước ra kéo họ vào. Họ e dè ngồi xuống ghế, nhìn ngó mấy cái lọ đựng mỹ phẩm, thuốc nhuộm, sơn móng tay đầy màu sắc An trưng trước cái kiếng. Họ lại ngượng ngùng nhìn mình trong gương. Nhan sắc của người đàn bà quê mùa hiển hiện rõ nét. An mỉm cười, rót cho họ ly nước, nhỏ nhẹ hỏi họ muốn làm gì. Mấy tháng về quê, An tinh ý nhận ra những điều giống nhau ở những người đàn bà ấy. Dĩ nhiên họ muốn làm đẹp nhưng lại thấy tự ti khi bước vào tiệm, lại sợ những đồng tiền mình vừa bán được bó rau, con gà có khi chẳng đủ để cắt ngắn mái tóc. Họ luôn hỏi giá tiền trước khi làm tóc hay cắt tỉa bộ móng trên đôi chân dính phèn. 

Khi trong làng có đám cưới hay tiệc tùng, họ sẽ ghé tiệm An. Họ chìa cho An đôi bàn tay đầy những vết chai sần, móng tay cáu bẩn, xước lởm chởm do cấy lúa, nhổ cỏ ruộng, bẻ bắp, đào sắn… Những đôi chân thì tệ hơn, thường bị nước ăn vì lội ruộng dài ngày. Những chiếc khóe sâu, nhét đầy bùn đất. Họ ngượng nghịu, có phần bối rối khi An bảo để bàn chân lên đầu gối An.

Những đôi chân lội trong nước ruộng lạnh như cắt mùa đông, leo trên những vách đá, những con đường rừng đầy gai bụi chứ có khi nào được đặt trên một cái khăn mềm êm để người ta chăm chút. Với những bàn chân ấy, An làm rất lâu. An cắt da. Những mảng da thừa dày cộm, phải lấy nhiều lần. An bấm sạch những chiếc móng cứng như đá và đều đã bị ngả sang màu vàng. Đến phần lấy khóe, cả An và khách đều nhăn mặt. Khóe sâu nhét nhiều bùn đất, An lôi ra, mùi thum thủm bốc lên. Khách đỏ mặt, ra chiều xấu hổ nhưng An mỉm cười, bảo ở đây ai cũng như vậy cả. 

Làm xong, họ ngắm nghía rất lâu đôi bàn tay, cúi xuống nhìn đôi chân của mình. Có khi, họ đứng lặng nhìn mái tóc bạc đã được An nhuộm lại. Trong gương là một người đàn bà khác, đẹp hơn, trẻ hơn. Gương mặt họ giãn ra, sáng bừng khi An khen họ đẹp. Hình như lâu lắm rồi, từ cái hồi họ bước chân theo chồng và quàng lên vai những nhọc nhằn cuộc đời, chưa ai khen họ đẹp cả. Họ vui vẻ đếm những đồng tiền lẻ được xếp gọn gàng đưa cho An. An thường mỉm cười, tựa cửa đứng nhìn họ đi xuống hết con dốc. 
***
Có một người đàn bà thường đứng đợi xe đò đi ngang dốc chợ để gửi hàng về thị trấn. Xe lăn bánh từ sáng sớm, chẳng biết bà đứng đợi trong sương từ bao giờ với mớ măng, rau rừng… Bóng bà gầy liêu xiêu, gương mặt đầy nét lam lũ chẳng thể đoán được tuổi. Một bữa trời bất chợt mưa, bà đứng nép vào mái hiên của An trú tạm. An vạch tấm rèm bước ra, đem ra cái ghế bảo bà ngồi chờ xe cho đỡ mỏi. Họ trò chuyện vài câu xã giao. Bà bảo mùa này hay mưa, xe chất hàng lâu nên thường chạy trễ. Bà thường gửi hàng cho mối quen dưới thị trấn. Người dưới đó vậy mà lại thích măng rau trên này. An bảo bà mỗi sáng cứ đứng đợi ở mái hiên nhà cô để lỡ có mưa thì cũng đỡ ướt lạnh. 

Một bữa khác xe ghé trễ, bà ngồi kể với An cuộc đời mình đứng ngó bao nhiêu chuyến xe rời núi vậy mà bà chưa từng ngồi trên chuyến xe ấy một lần. Chẳng biết qua mấy ngọn núi kia, xuống thị trấn có khác gì so với làng mình. Bà chỉ hơn 50, chồng mất sớm, một mình gồng gánh nuôi hai đứa con trai. Cũng may, ông trời cho bà mạnh tay mạnh chân để làm lụng nuôi con. Nhà chỉ có hai sào ruộng chẳng đủ cho ba miệng ăn, bà lên rừng kiếm măng rừng, mò ốc, hái rau ven suối… gửi cho mối quen dưới thị trấn kiếm tiền lo cho con ăn học.

Bà khoe cả hai đứa con đều ngoan ngoãn, học giỏi. Hồi còn ở nhà, tụi nó hay phụ bà đi kiếm măng, giờ hai đứa đều lên thành phố học hết rồi. Học đại học tốn kém lắm nhưng phải ráng cho tụi nó học để đổi đời. Cũng may thằng anh ra trường đi làm phụ mẹ nuôi em.

Bà già hơn nhiều so với tuổi. Mái tóc lốm đốm bạc giấu sau một chiếc khăn cũ. Gương mặt nhăn nheo đầy vết nám. Má bà hóp lại. Chân tay thô kệch. Rõ là một người đàn bà chịu nhiều cực nhọc nhưng gương mặt bà sáng bừng khi nhắc đến mấy đứa con. Bà khoe, thằng con đầu đã có người yêu trên thành phố; đã một lần dắt về ra mắt, bà ưng bụng lắm.

Con nhỏ vừa dễ thương vừa hiểu chuyện. Hôm bữa, con bảo bà tuần sau xuống phố qua gặp nhà gái xin chuyện cưới hỏi. Nghe đến chuyện xuống phố, bà lo lắng tới mất ăn mất ngủ. Bà chẳng ngại đường xa mà chỉ ngại người ta chê mình quê mùa, ít học. Bà hỏi An có biết trong chợ chỗ nào cho thuê áo dài không, giờ chắc phải mặc áo dài chứ đâu biết mặc gì.

Nghe người đàn bà tâm sự mà An thương vô cùng. Áng chừng người bà cùng cỡ với mẹ mình, An bảo để cô về mượn bộ áo dài mẹ An mới may hôm đám cưới em An cho bà mặc. Bà cảm ơn An rối rít. An còn nói bữa nào rảnh bà ra tiệm để An chỉnh sửa lại tóc tai cho gọn gàng khi gặp sui gia. An sẽ miễn phí hết cho bà. Bà cười mà hai mắt long lanh. 
***

An xõa mái tóc bà ra. Tưởng lốm đốm muối tiêu mà ai ngờ bạc quá nửa. An tỉa lại cho gọn gàng, nhuộm đen. An tỉ mẩn cắt từng móng tay, móng chân đầy vết nhọc nhằn. Những mảng da thừa cứng ngắc rơi đầy trên nền nhà. An dùng chanh chà đi chà lại nhiều lần nhưng móng tay, móng chân bà vẫn cứ đen đúa. Bà bảo mình dùng tay đào măng, mò ốc năm này qua tháng nọ nên móng tay, móng chân hư hết. An lấy lọ sơn móng tay màu da, sơn lại hai lần cho bà. 

Bộ đồ mượn của mẹ An, bà mặc vừa khít. An thử bới tóc cho bà, thoa tí son. Bà đứng lặng nhìn mình trong gương, rưng rưng xúc động, như thể người trong gương là ai chứ chẳng phải bà. An bảo mai mình sẽ mở cửa thật sớm, trước khi bà đi cứ ghé tiệm để An búi tóc, thoa son cho… Bà cầm tay An, nói đứa con út của mình cũng chỉ trạc tuổi An, mai mốt nó về để bà dắt ra làm mai cho nhé! Có được con dâu vừa dịu dàng vừa hiểu chuyện như vầy thì còn gì bằng. An cười, đỏ bừng hai má. 

Sáng đó, An đứng nhìn theo người đàn bà mặc chiếc áo dài bước lên xe đò. Lòng An vui như những cánh hoa màu đỏ trên tấm rèm cửa đang bay phất phơ vì gió… 

Nguyễn Thị Như Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI