Bình phim cũ:

Trường thiên ẩn dụ trong 'Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân'

19/02/2020 - 13:09

PNO - Bộ phim ra mắt năm 2003 như một vệt sáng thiền trí tuệ Phật giáo, đưa cái tên Kim Ki-duk - người viết kịch bản, đạo diễn và diễn viên trong phim - đến gần hơn với công chúng, và trở thành “cơ sở lý luận”, rằng phim nghệ thuật thành công không phải lúc nào cũng phải ra vẻ… ảm đạm.


 

Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân (Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring) - tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hàn Quốc và thế giới, lấy bối cảnh ngôi chùa nổi giữa hồ Jusanji (Vườn quốc gia Juwangsan) đưa khán giả “du ngoạn” qua cánh cổng chùa, cứ mỗi lần mở ra lại tương ứng với một mùa trong năm. Ở đó, tồn tại thế giới rộng lớn đầy mê hoặc của vị tu sĩ già đang ngày ngày truyền sự khôn ngoan, quy luật của đất trời cho đồ đệ, từ lúc bé dại cho đến ngay cả khi anh ta đã trở thành kẻ sát nhân quay đầu trở về.

Một cảnh quay trong  Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân
Một cảnh quay trong Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân

“Giáo lý” của Kim Ki-duk là những suy niệm tích lũy qua năm tháng, kết nối với bốn mùa, và thủ pháp sử dụng sự thay đổi các mùa trong năm như một phép ẩn dụ cho cuộc sống. Phim mở đầu với mùa xuân trình bày lối sống cô lập của hai tu sĩ Phật giáo - một già, một ấu nhi. Cậu bé tu học nghịch dại khi buộc những hòn đá vào một con cá, con ếch và con rắn, rồi thích thú nhìn chúng bơi đi một cách nhọc nhằn.

Sáng hôm sau, cậu thức dậy và phát hiện sư phụ đã buộc một tảng đá lớn trên lưng mình. Muốn được giải nạn, cậu phải đi tìm những con vật để gỡ những hòn đá mà mình đã buộc vào chúng hôm qua, kèm lời cảnh báo của thầy: “Nếu bất kỳ con vật nào trong số đó bị chết, con sẽ phải mang hòn đá trong tim mình đến hết đời”. Bài học đã “đốt cháy” nhận thức của đứa bé mười tuổi.

Mùa hè, cậu bé nay đã là nhà sư trẻ tràn trề sinh lực tuổi 17, hoàn toàn choáng ngợp với cảm giác đầu tiên về đàn bà. Sự phấn khích không thể che đậy ở chàng khi một người mẹ dẫn theo cô con gái xanh xao, ốm yếu đến chùa chữa “bệnh”. Vị sư già nói với người mẹ: “Khi tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn lạnh giá, cơ thể cô sẽ khỏe mạnh”.

Ham muốn của nhà sư trẻ cũng như cô gái tiếp tục được khơi dậy khi họ ngày càng cảm thấy “bình yên” bên nhau trong thời gian ở chùa - một ngôi chùa rất “oái oăm” khi các phòng đều có cửa nhưng không hề có tường. Thêm một phép ẩn dụ về giáo lý của vị sư già. Cuối cùng, họ đã trao cho nhau niềm hân hoan xác thịt, ngay tại chính cửa thiền.

Sư thầy không trừng phạt học trò bởi chính chàng trai cũng hết sức bình tĩnh nhờ lối sống khổ hạnh và quyết định từ bỏ linh đạo, theo cô gái trở về “thế giới thực”, mang theo lời tiên tri của sư phụ: “Ham muốn dẫn đến chiếm hữu. Và điều đó đánh thức tội ác”.

Một cảnh trong
Một cảnh trong Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân

Cổng chùa mở ra vào mùa thu, trong sự cô quạnh của sư già, một con mèo trắng làm bạn. Từ xa, chàng trai trở về trong tư thế trốn chạy sự săn lùng của cơ quan thực thi pháp luật. Anh là nghi can giết chết người tình vì bị phản bội. Hòng trấn tĩnh đệ tử có được sự bình an nội tâm đối diện với bản án, tu sĩ già yêu cầu anh khắc các câu trong Bát nhã tâm kinh lên sân gỗ của ngôi ẩn thất.

Nghi thức sám hối của thiền sư khiến hai viên cảnh sát phải ôn tồn chấp thuận. Thậm chí, khi anh chàng gục xuống vì kiệt sức sau một đêm khắc chữ, cảnh sát đã giúp anh hoàn thành bản kinh trước khi đưa đi. Đây là một cảnh đẹp hiếm có và cũng là một phép ẩn dụ trực quan về tác động của tâm linh đối với đời sống.

Mùa đông, tức là nhiều năm đã trôi qua. Vị tu sĩ già đã chết. Hồ nước thành mặt băng bao phủ ngôi chùa. Một tu sĩ nọ (do chính Kim Ki-duk thủ vai) quay lại để chọn nơi anh đã lớn lên, rời đi và rồi lại trở về để quyết tâm tu tập. Một phụ nữ đến chùa và để lại một đứa trẻ sơ sinh. Cổng chùa một lần nữa mở ra trong mùa xuân. Vị sư lại bắt đầu đào tạo đứa bé về trí tuệ Phật giáo và nghệ thuật chữa bệnh.

Bộ phim là cuộc sống được diễn ra trong vẻ đẹp nguyên sơ của tự nhiên, cho phép chúng ta nhận ra những phẩm chất nhất thời và vô thường của thế giới mà chúng ta đang sống: cây cổ thụ 300 tuổi, gợn sóng mặt hồ xanh biếc, hệ động thực vật đa dạng xung quanh, sương mù che phủ, lễ nghi hằng ngày của các nhà sư… Sử dụng bốn mùa làm nền cho các giáo lý từ bi, đau khổ, mất mát, ham muốn, gắn bó và sự biến đổi hết sức hoàn hảo, phi thường của bộ phim, khiến trải nghiệm, xúc cảm phức tạp của người xem dễ dàng trở thành bài học tuyệt vời về ước vọng bình an và sám hối.

Thông điệp của Kim Ki-duk - mệnh danh “kẻ giẫm đạp lên mọi giấc mơ” - chính là tầm quan trọng của trật tự tự nhiên, trung tâm của triết học Phật giáo. Nó lại được thể hiện, truyền tải chủ yếu bằng hình ảnh trong một bộ phim rất ít lời thoại. Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân không phải là một chuyên luận triết học hay tôn giáo, nên không đòi hỏi người xem phải là tín đồ hay không. Nhưng chính vì sự không tuân thủ các nguyên lý Phật giáo, bộ phim bắt đầu khi nó kết thúc với một người đàn ông truyền đạt trí tuệ cho một người trẻ tuổi.

Tốc độ chậm chạp của phim có chủ ý, bù lại, có quá nhiều phong phú trong bao la cảm xúc, hệt như tấm thảm đất trời, cỏ cây và con người đã khiến nó không hề buồn tẻ. Bằng cách miêu tả cuộc sống của những cá nhân không tên trong những bức tranh theo chu kỳ mười năm, Kim cho thấy: có thể niềm tin sẽ bị lung lay bởi khao khát thể xác, tình yêu có thể chuyển sang bi kịch, nhưng sám hối sẽ dẫn đến sự hiểu biết. Cho đến cuối phim, mặc dù không ai biết tên các nhân vật, nhưng chúng ta thấy thỏa mãn, vì đã thực hiện một hành trình dài và bổ ích với họ qua sự tích lũy trí tuệ. 

Đoàn Phó Ba 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI