Trường mẫu giáo trong rừng

06/06/2016 - 13:34

PNO - Trẻ em thỏa sức khám phá, học hỏi từ thiên nhiên theo nguyên tắc học sinh mới là người dẫn lối. Giáo viên chỉ giữ vai trò quan sát, bạn đồng hành...

Không có bài kiểm tra, cũng không bài tập về nhà; không phân trình độ, chia lớp; nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đó là những gì đang diễn ra ở những ngôi trường mẫu giáo… trong rừng. Trẻ em thỏa sức khám phá, học hỏi từ thiên nhiên theo nguyên tắc học sinh mới là người dẫn lối. Giáo viên chỉ giữ vai trò quan sát, bạn đồng hành và hỗ trợ tình huống khẩn cấp. Nụ cười sảng khoái và niềm hào hứng vô tận của những đứa trẻ là thu hoạch quý giá nhất mà những ai theo đuổi mô hình giáo dục này hướng đến.

Theo nhiều khảo sát, người Mỹ trung bình mỗi ngày dành 11 giờ dán mắt vào màn hình (máy tính, ti vi hay thiết bị di động…), trong đó, trẻ em và thanh thiếu niên thường dành rất nhiều thời gian cho điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc trò chơi điện tử mà quên hẳn thiên nhiên đẹp đẽ, kỳ thú bên ngoài.

Truong mau giao trong rung
Thầy cô ở trường Antioch hào hứng với “học cụ” của các bé

Khoa học đã chứng minh, không gian học tập ngoài thiên nhiên vô cùng quan trọng đối với sự phát triển đa dạng kỹ năng ở trẻ. Trường mẫu giáo trong rừng không phải là khái niệm hoàn toàn mới mẻ mà là mô hình đã có ở Đan Mạch từ thập niên 1950.

Hiện nay, các trường học ở Mỹ (chủ yếu ở bang Ohio) và một số trường ở Anh bắt đầu quay lại với phương pháp giáo dục này. Bà Sara Knight, Phó chủ tịch Hiệp hội Trường học trong rừng tại Anh cho biết: “Lợi ích của việc học trong rừng lớn gấp nhiều lần so với lớp học trong phòng tách biệt. Ở không gian mở, trẻ tha hồ làm ồn, cũng như có các động tác ngẫu hứng để phát triển thể chất, kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp”.

Môn học ở mô hình trường mẫu giáo này rất phong phú, bao gồm ngôn ngữ, toán, khoa học, vận động thể chất, giao tiếp, nấu ăn thực dưỡng, tự làm đồ thủ công, môn năng khiếu… Các nhà nghiên cứu mô hình này cho hay, không phải ở đâu cũng có sẵn rừng cây cho trẻ em khám phá, chỉ cần linh động chọn không gian mở để các em cùng tìm hiểu, học kiến thức khoa học, tự nhiên, vậy là đã thành một mô hình trường mẫu giáo trong rừng.

Theo bà Sara Knight, đây là môi trường lý tưởng cho trẻ béo phì, giúp các em có cơ hội vận động nhiều hơn qua các bài tập, đồng thời tạo không gian giúp trẻ tự kỷ thoải mái tiếp cận với thế giới xung quanh. Tonicha (chín tuổi), từng học ở một trường mẫu giáo đặc biệt nêu trên cho biết, đó là ngôi trường mà em chẳng thể diễn tả thành lời vì luôn ẩn chứa vô vàn điều thú vị.

Trẻ em nếu được giáo dục trong môi trường ngoài trời sẽ sớm tạo kết nối với thiên nhiên. Các em biết yêu môi trường sống của mình và sớm có ý thức về biến đổi khí hậu. Trường mẫu giáo Antioch ở Yellow Springs, bang Ohio (Hoa Kỳ) là một trong những trường lâu đời nhất theo mô hình này. Mỗi thứ Hai, học sinh leo núi, căng lều, dựng bạt, cắm trại trong rừng, nhóm lửa nấu bữa trưa và đôi khi được đi dưới mưa, cảm nhận làn hơi nước mát lạnh, và ngồi bên nhau cười nói rôm rả.

Cô Lindie Keaton, giáo viên của trường cho biết, đội ngũ giáo viên phụ trách các môn học có trung bình 23 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ nhỏ. Họ có chuyên môn cao về các lĩnh vực khoa học, giáo dục trẻ mầm non và sẵn sàng “biến hóa” giáo trình với mục đích duy nhất là các em được học kiến thức trực quan sinh động.

Thầy Jon Cree, một trong những giáo viên làm việc tại trường Antioch kể rằng: “Trong môi trường thiên nhiên, trí tưởng tượng của trẻ là vô hạn. Các em có thể tự tạo tình huống và cùng nhau làm việc nhóm, hoàn thành các bài tập thực tế. Mục đích của việc học theo mô hình này là giúp trẻ khám phá, thúc đẩy năng lực tư duy, chấp nhận thử thách, không ngừng sáng tạo. Tiếp xúc với thực tế là cách học ngăn ngừa rủi ro tốt nhất”. Trong lớp học của thầy Jon Cree từng có trường hợp học sinh nói lắp, nói ngọng nhưng sau khi tham gia trò chơi tập thể cùng các bạn, các em đã nói chuyện bình thường và tự tin hơn rất nhiều.

Tại Anh, mô hình trường học mẫu giáo trong rừng phát triển khá tốt và hiện có nhiều trường nhận trẻ dưới 16 tuổi. Cô giáo Clair Hobson của một trường học trong rừng chia sẻ, cô từng nhận Max (14 tuổi), một trẻ tự kỷ. Sau một năm tham gia chương trình, Max hoàn toàn thay đổi. Thay vì có thái độ cộc cằn, khó chịu, em bắt đầu mỉm cười, ngân nga hát và hòa đồng với bạn bè. Theo cô Clair Hobson, có cả những trường hợp phụ huynh tham quan và trở nên mê mải với mô hình này vì nó quá lý tưởng để cùng vui đùa, trải nghiệm.

Anh Thông (Theo Global Citizen, Forest School Association)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI