Thái Lan hủy bỏ dự án khơi dòng Mê Kông của Trung Quốc

07/02/2020 - 11:03

PNO - Kế hoạch của Trung Quốc nạo vét sông Mê Kông taị Thái Lan đã kết thúc sau khi bị các nhà bảo tồn và cộng đồng ở Thái Lan phản ứng.

Thái Lan vừa loại bỏ một dự án khơi dòng do Trung Quốc đề xướng. Trước đó, kế hoạch này đã bị người dân địa phương và các nhóm môi trường phản đối.

Phần lòng sông đầy sỏi đá dài khoảng 97km trong lãnh thổ Thái Lan từ lâu đã là “vật cản” cho kế hoạch thống trị sông Mê Kông - dòng sông hùng vĩ nuôi sống hàng triệu người. Mê Kông là con sông dài thứ 12 trên thế giới, nơi sinh sống của khoảng 270 loài cá. Sông trải dài 4.350km, bắt nguồn từ Trung Quốc - nơi nó được gọi là sông Lan Thương - chảy qua năm quốc gia Đông Nam Á và kết thúc tại các cửa biển của Việt Nam.
 

Một ngư dân đi thuyền dọc theo sông Mê Kông, đoạn giữa Thái Lan và Lào, gần Chiang Rai - Ảnh: AFP
Một ngư dân đi thuyền dọc theo sông Mê Kông, đoạn giữa Thái Lan và Lào, gần Chiang Rai - Ảnh: AFP

Trung Quốc đã khởi xướng kế hoạch nạo vét sông Mê Kông vào năm 2001 nhằm mở rộng lối đi cho các tàu lớn chở hàng hóa từ tỉnh Vân Nam tới các cảng ở Thái Lan, Lào và phần còn lại của Đông Nam Á, cũng như mở đường cho tàu quân sự sau này.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị các nhà bảo tồn và cộng đồng ở Thái Lan sống dọc sông Mê Kông phản đối, cho rằng dự án sẽ gây hại môi trường và chỉ có lợi cho Trung Quốc. Nội các Thái Lan đã đồng ý loại bỏ kế hoạch nạo vét trong cuộc họp hằng tuần vào thứ Ba, ngày 4/2.
Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan - Trisulee Trisaranakul - thông báo: “Các cộng đồng bị ảnh hưởng và các nhóm phi lợi nhuận đã chống lại kế hoạch, lo sợ nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Trung Quốc cũng không tài trợ cho kế hoạch, nên chúng tôi quyết định kết thúc dự án”. Bà Trisaranakul nói thêm với hãng tin Reuters rằng, dự án hiện chỉ đang ở giai đoạn đánh giá tác động môi trường và xã hội. 
Một tài liệu của Thái Lan tiết lộ, Trung Quốc đã thông báo cho các nước dọc sông Mê Kông vào năm 2019 rằng, họ không có kế hoạch theo đuổi dự án này, nhưng công việc vẫn tiếp tục trên các đoạn sông ở Lào và Myanmar. Tài liệu viết: “Việc Trung Quốc xử lý kém dòng sông Mê Kông và kiểm soát nguồn cung cấp nước thượng nguồn đã cho thấy vấn đề lớn. Đối xử với dòng sông mẹ như một con kênh quốc tế không thể là cách bảo tồn, bảo vệ môi trường, truyền thống đánh bắt cá và lối sống của người Thái”. 

Tấn Vĩ (theo Reuters, Bangkok Post)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI