Trung tâm Hy vọng - Nơi chắp cánh cho những ước mơ không lành lặn

21/05/2025 - 08:53

PNO - Giữa phố Huế yên bình, nằm khiêm nhường tại 69 Thạch Hãn, có một nơi mang tên “Hy vọng”. Đây không chỉ là trung tâm dạy nghề, mà là điểm tựa tinh thần cho những con người từng bị đẩy ra bên lề cuộc sống. Tại đó, từng viên đất sét, từng khung dệt, từng mũi kim, đường chỉ… đều đang góp phần hàn gắn những vết thương âm thầm bằng sự tử tế và kiên nhẫn.

Một mái nhà cho những mảnh đời chưa kịp lớn

Trung tâm Hy vọng Huế (Hope Center Hue) được thành lập từ năm 1999, đến nay đã hơn 2 thập kỷ hoạt động bền bỉ trong thầm lặng. Không biển hiệu lớn, không truyền thông rầm rộ, nơi đây giống như một xưởng thủ công nhỏ, nép mình trên con đường nhiều bóng cây. Nhưng ít ai biết, bên trong cánh cổng sắt giản dị ấy là một thế giới đầy nghị lực.

Học viên của trung tâm phần lớn là người khuyết tật, trẻ mồ côi, thanh niên dân tộc thiểu số hoặc những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Mỗi người một số phận, một nỗi đau riêng, nhưng đến đây, họ cùng bắt đầu lại - bằng việc học một nghề và dần dần học lại cách tin vào bản thân.

Nhân viên của Trung tâm Hy vọng Huế là những người có hoàn cảnh đặc biệt (Ảnh: Trung tâm Hy vọng Huế)
Nhân viên của Trung tâm Hy vọng Huế là những người có hoàn cảnh đặc biệt - Ảnh: Trung tâm Hy vọng Huế

“Chúng tôi không kỳ vọng các em trở thành thợ giỏi ngay lập tức, mà chỉ mong các em có thể đứng vững trên đôi chân mình, cả về kỹ năng lẫn lòng tự trọng” - chị Nguyễn Thị Nhật, người quản lý trung tâm từ những ngày đầu tiên, chia sẻ.

Trong những căn phòng nhỏ lợp mái tôn, tiếng máy may, tiếng khung dệt, tiếng gõ gốm lạch cạch vang lên đều đặn. Không khí yên tĩnh nhưng không buồn. Những người từng cúi đầu bước vào, sau một thời gian, đã bắt đầu dám ngẩng mặt, cười và kể chuyện về chính mình.

Gốm Raku và hành trình chấp nhận những điều không hoàn hảo

Một trong những hoạt động nổi bật nhất tại trung tâm là làm gốm Raku - kỹ thuật gốm đến từ Nhật Bản, gắn liền với tinh thần thiền định. Gốm không được nung trong lò công nghiệp, mà bằng lửa trần, với nhiều yếu tố không kiểm soát được. Thành phẩm luôn mang những vết rạn, vết cháy, những mảng màu bất định. Đó không phải sai sót - mà là dấu ấn cá nhân, là vẻ đẹp của sự không hoàn hảo.

Sản phẩm gốm của du khách đến trải nghiệm làm gốm tại Hope center Hue (Ảnh: Trung tâm Hy vọng)
Sản phẩm gốm của du khách đến trải nghiệm làm gốm tại Hope center Hue - Ảnh: Trung tâm Hy vọng

“Tôi học làm gốm, nhưng điều quý nhất tôi học được là biết tha thứ cho chính mình”, anh Trần Văn Hoàng - 31 tuổi, người từng khuyết tật vận động nặng, nay là thợ gốm chính - tâm sự. Anh là người đã chọn ở lại, vừa làm việc, vừa hướng dẫn cho lớp học viên mới.

Không chỉ gốm, trung tâm còn dạy may vá, thêu tay, làm túi tái chế, dệt Zèng - loại vải truyền thống của người Tà Ôi. Từng sản phẩm làm ra đều thấm đẫm câu chuyện. Có chiếc khăn là công sức của một cô gái từng không nói chuyện suốt 3 tháng đầu đến trung tâm. Có chiếc ví vải thô được một học viên dệt bằng 2 ngón tay còn lại sau tai nạn. Mỗi sản phẩm là một minh chứng cho sự sống vẫn kiên cường nảy mầm từ những nơi tưởng như khô cằn nhất. “Mỗi chiếc khăn là câu chuyện. Tôi dệt từng đường chỉ như dệt lại những ngày đã mất” - Hồ Thị H’Rơm, người Tà Ôi, đến trung tâm năm 2021, chia sẻ.

Những sản phẩm được làm nên từ những mảnh đời không lành lặn (Ảnh: Trung tâm Hy vọng Huế)
Những sản phẩm đẹp đẽ được làm nên từ những mảnh đời không lành lặn - Ảnh: Trung tâm Hy vọng Huế

Trung tâm Hy vọng không hướng đến lòng thương hại. Họ không tổ chức những chiến dịch gây quỹ sụt sùi nước mắt. Họ âm thầm vận hành bằng nội lực, bằng sản phẩm được bán ra, bằng những workshop nhỏ tổ chức cho du khách ghé thăm Huế - để cùng nhau làm gốm, dệt vải và trên hết, cùng nhau hiểu rằng mọi con người đều xứng đáng có một cơ hội để hồi sinh.

Trải nghiệm của du khách tại Hope Center Hue (Ảnh: Trung tâm Hy vọng Huế)
Trải nghiệm của du khách tại Hope Center Hue - Ảnh: Trung tâm Hy vọng Huế

“Có những lúc rất khó khăn, nhưng tôi nghĩ: nếu mình dừng lại thì ai sẽ tiếp tục?” - chị Nhật nói, rồi lặng lẽ quay vào xưởng gốm, nơi những đứa trẻ đang cặm cụi tạo hình những con chim đất. Những con chim chưa bay, nhưng đã có cánh - như chính những người từng lạc lối, nay đã tìm lại đường về chính mình.

Vũ Hoài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI