Thỏa nguyện an cư
Giữa tháng 4/2025, chị Lộc Thị Sa (48 tuổi, người Tày, ở thôn 2, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) nhận món quà lớn trong đời - 60 triệu đồng từ Hội LHPN quận 12 (TPHCM) hỗ trợ xây nhà mới. Gia đình chị Sa thuộc diện hộ nghèo, chồng mất sớm, mình chị nuôi 3 đứa con. Hiện tại, con lớn của chị đang mắc bệnh hiểm nghèo, con thứ hai làm công nhân, con út học lớp Mười.
Chừng đó con người với cơm áo, thuốc men đều trông chờ vào mảnh rẫy trồng cà phê và ca cao với tổng thu nhập khoảng 30 triệu đồng mỗi năm. Căn nhà sàn nơi mẹ con họ tá túc nay đã cũ nát như trêu ngươi ước mơ của chị về “căn nhà sạch sẽ, khô ráo để con dưỡng bệnh”. Đón đoàn cán bộ Hội LHPN quận 12 đến trao kinh phí hỗ trợ xây nhà, chị Sa run run đôi bàn tay gầy guộc và nói lời cảm ơn.
 |
Bà Trương Nhựt Thẫm (bìa phải) - Chủ tịch Hội LHPN quận 12 - trao bảng tượng trưng hỗ trợ kinh phí cho gia đình chị H’Yung Byã xây nhà |
Chị H’Yung Byã (29 tuổi, người Ê Đê, ở buôn Trum, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cũng được Hội LHPN quận 12 tặng 60 triệu đồng xây lại mái ấm tình thương. Hoàn cảnh của chị Byã rất khó khăn. Vợ chồng chị và 2 con nhỏ đang sống chung với anh trai trong căn nhà sàn xập xệ.
Thu nhập từ nghề nông và làm thuê của 2 vợ chồng chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng khiến họ không dám nghĩ tới chuyện sửa lại ngôi nhà. Bởi thế, món quà của hội khiến chị H’Yung Byã bất ngờ và xúc động. Chị nói, trong xã cũng có nhiều hộ nghèo như nhà mình. Số tiền hội tặng là món quà vô giá.
Ngay khi được tặng kinh phí, mẹ con chị Lộc Thị Sa và vợ chồng chị H’Yung Byã đã lên kế hoạch xây nhà mới. Mùa mưa năm nay, họ không còn sống trong cảnh nơm nớp lo nhà sập.
Bà Trương Nhựt Thẫm - Chủ tịch Hội LHPN quận 12 - cho biết, xây mái ấm tình thương tặng chị Sa, chị Byã là một trong những hoạt động hưởng ứng chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” và chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” mà hội bền bỉ thực hiện nhiều năm nay. Giai đoạn 2020-2025, Hội LHPN quận đã tổ chức 5 chuyến “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đến các tỉnh Quảng Trị, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Long An với tổng kinh phí chăm lo là 851 triệu đồng do cán bộ, hội viên phụ nữ quận đóng góp.
Năm 2024, hội ra mắt mô hình “2.000 đồng vì phụ nữ và trẻ em nghèo, khó khăn” (mỗi hội viên, phụ nữ góp ít nhất 2.000 đồng mỗi năm) nhằm gây quỹ thực hiện chương trình và các hoạt động an sinh xã hội. Chỉ sau 1 năm, cán bộ, hội viên đã góp hơn 120 triệu đồng, giúp xây 5 nhà vệ sinh tặng phụ nữ nghèo ở tỉnh Gia Lai, tặng học bổng tiếp sức học sinh nghèo hiếu học tỉnh Long An, hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão Yagi…
Trên mỗi chuyến “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, bên cạnh những mái ấm tình thương và những món quà trao tay, hội còn tìm kiếm, phát hiện và hỗ trợ kịp thời những nhu cầu thiết yếu của các gia đình đồng bào thiểu số nhằm giúp họ có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Xanh lại ước mơ
Là một trong những chị em hoàn lương, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đầu tiên được hỗ trợ sinh kế, tái hòa nhập cộng đồng, chị N.T.C.H. (47 tuổi, phường 14, quận 10) rưng rưng khi nhắc lại hành trình vươn lên của mình, nhọc nhằn mà cũng tròn đầy yêu thương, hy vọng. Chồng và em chồng từng nghiện ma túy, chị H. phải một mình gồng gánh gia đình bằng công việc bán bánh mì. Việc buôn bán không thuận lợi nên kinh tế gia đình càng lúc càng chật vật. Nỗi buồn của chị còn là áp lực khi chị phải đồng hành giúp chồng cai nghiện; đưa đón, chăm sóc 2 đứa con tuổi ăn học mỗi ngày.
Và bước ngoặt đã đến với chị H. vào tháng 8/2022, khi Hội Phụ nữ Công an TPHCM tặng chị chiếc xe bán bánh mì mới và ít tiền làm vốn buôn bán. Buổi sáng hôm đó chị phấn khởi: “Tôi tin từ giờ việc buôn bán sẽ mau mắn hơn, cuộc sống gia đình sẽ khởi sắc, không chỉ vì chiếc xe mới mà vì Hội Phụ nữ đã giúp tôi có thêm động lực”. Và, niềm tin đó đã đúng.
 |
Ngày 30/8/2022, chị C.H. (thứ tư, từ phải qua) được hỗ trợ xe bán bánh mì và vốn làm ăn. Nhờ vậy mà nay cuộc sống gia đình chị đã tốt lên rất nhiều |
Hiện, mỗi ngày chị bán được khoảng 150 ổ bánh mì. Ngoài ra, chị còn được nhà hảo tâm tặng thêm 1 xe bán nước giải khát. Chồng và em chồng chị đã cai nghiện thành công, quay về với cuộc sống lương thiện. Anh xã thay chị quán xuyến cơm nước, thỉnh thoảng chạy xe giao hàng. Con lớn của họ đã có việc làm. Cháu nhỏ đang học đại học. Vợ chồng chị cũng vừa sửa sang lại căn nhà nhỏ.
“Sau món quà hội trao là những bước tiến. Tôi được kết nối tham gia nhiều phong trào phụ nữ, được tạo điều kiện bán hàng trong các ngày hội khởi nghiệp. Trước đây, tôi rất sợ nhìn mặt người khác, sợ người ta dè bỉu, chê bai. Nhưng từ khi có hội làm chỗ dựa, tôi bắt đầu cởi mở và nhận ra không ai chê cười mình hết. Mình càng nỗ lực lao động, kiếm sống đàng hoàng thì mọi người càng thương, càng ủng hộ” - chị H. đúc kết.
Thượng tá Nguyễn Thị Hạnh - Trưởng ban Phụ nữ Công an TPHCM - thông tin, trong 3 năm (2022-2024), Hội Phụ nữ Công an TPHCM đã tham mưu Đảng ủy - Ban giám đốc đơn vị tổ chức trao phương tiện sinh kế hỗ trợ 21 trường hợp và trợ vốn cho 2 trường hợp khác với tổng kinh phí 214 triệu đồng. Ngày 15/4/2025, Công an và Hội LHPN TPHCM phối hợp tổ chức giao lưu, gặp gỡ những chị em được giúp đỡ, hỗ trợ. Trợ vốn (2 triệu đồng/người) cho 5 phụ nữ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng; tặng phương tiện sinh kế (xe máy, xe bán cháo, xe bán bánh mì, xe bán nước giải khát…) cho 13 chị khác.
Được tặng xe bán nước giải khát chị P.T.K.N. (44 tuổi, phường 14, quận Bình Thạnh) phấn khởi cho biết, chị trở về địa phương năm 2023 sau thời gian đi cai nghiện ma túy. Có gia đình làm chỗ dựa và Hội Phụ nữ đồng hành, chị dần cởi bỏ mặc cảm, mạnh dạn tham gia các hoạt động phong trào phụ nữ và hoàn thành lớp học nghề cắm hoa.
Món quà được trao ngày 15/4 mở ra cho chị cơ hội mới - bán nước giải khát kết hợp bán hoa tươi. Chị N. bộc bạch: “Với những lỗi lầm trong quá khứ, tôi biết hành trình hòa nhập cộng đồng của mình sẽ vô cùng chông gai. Từ lúc về nhà tới nay, tôi chạy xe ôm. Mơ ước lớn nhất của tôi là có xe bán nước giải khát. Tôi thật may mắn vì được Hội Phụ nữ trao cho cả điều ước lẫn hy vọng”.
Giai đoạn 2020-2025, thông qua việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua của hội, các cấp Hội Phụ nữ TPHCM đã hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa 513 mái ấm tình thương với tổng kinh phí hơn 21 tỉ đồng và trao 3.028 phương tiện sinh kế với tổng kinh phí hơn 17 tỉ đồng. Cùng với các tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm, phong trào “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” cũng được các cấp hội duy trì với số tiền vận động được hơn 4 tỉ đồng mỗi năm, đã giúp 178.040 thành viên có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn sản xuất, kinh doanh. Từ các hoạt động trợ vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xây nhà tình thương, tặng phương tiện sinh kế… các cấp hội cũng đã giúp 23.668 hộ nghèo, 12.793 hộ cận nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. |
Thảo Nguyên