Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng sức khỏe tâm thần trong đại dịch

21/04/2022 - 17:12

PNO - Khủng hoảng sức khỏe tâm thần đang làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu gia đình Trung Quốc khi có đến 54 triệu người bị trầm cảm và khoảng 41 triệu người mắc chứng rối loạn lo âu.

Người già đối mặt với sự cô đơn

Kể từ khi cuộc phong tỏa ở Thượng Hải bắt đầu, chuyên gia tâm lý học lâm sàng Hu Bojun đã nhận được rất nhiều câu hỏi về các dịch vụ tư vấn tại bệnh viện của cô. Trong tháng này, cô đã bắt đầu giúp đỡ các nhóm hỗ trợ những người đang phải cách ly.

Nhân viên chuyển đồ thiết yếu hàng ngày đến các phòng cách ly ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Tân Hoa Xã
Nhân viên chuyển nhu yếu phẩm đến các phòng cách ly ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang - Ảnh: Tân Hoa Xã

“Các khách hàng cũ của tôi đã quay trở lại và có thêm rất nhiều khách hàng mới”, Hu Bojun nói, đồng thời cho biết có nhiều người Trung Quốc bắt đầu nói chuyện với cô về tình trạng căng thẳng tinh thần và tâm lý cô đơn, bất ổn.

Hỗ trợ sức khỏe tâm thần hiện là dịch vụ được tìm kiếm nhiều ở Trung Quốc khi ước tính có đến 400 triệu người đang trong tình trạng phong tỏa ở một mức độ nào đó. Tuần trước, công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc ghi nhận số lượt tìm kiếm cụm từ “tư vấn tâm lý” tăng đột biến kể từ tháng 3.

Ngoài COVID-19 hoành hành suốt 2 năm qua, khủng hoảng sức khỏe tâm thần đang làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu gia đình Trung Quốc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 54 triệu người ở nước này bị trầm cảm và khoảng 41 triệu người mắc chứng rối loạn lo âu. Đây là hai trong số những bệnh rối loạn tâm thần phổ biến nhất Trung Quốc.

Các vấn đề sức khỏe tâm thần đang trở ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Trung Quốc khi nhiều người cao tuổi phải đối mặt với sự cô đơn vì con cái của họ chuyển đến các thành phố lớn để tìm kiếm thành công. Một cuộc nghiên cứu được thực hiện vào năm 2021 đã tìm thấy mối tương quan sâu sắc giữa tỷ lệ tự tử ở người cao tuổi và sự quan tâm của gia đình họ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ này giảm 8,7% trong dịp Tết Âm lịch hàng năm, khi những người cao tuổi nhận được sự quan tâm của gia đình ở mức độ cao bất thường.

Các nhóm tuổi khác, đặc biệt là những người trẻ tuổi, cũng rơi vào tình trạng cô đơn và cảm giác bị cô lập. Theo các nghiên cứu gần đây, kể từ khi đại dịch bùng phát, ngày càng có nhiều học sinh trung học cơ sở Trung Quốc bị mất ngủ, trầm cảm và lo lắng. Một cuộc khảo sát quy mô lớn ở nước này được thực hiện vào năm 2020 cho thấy, gần 35% số người được hỏi đã trải qua tình trạng đau khổ tâm lý trong thời kỳ cao điểm của đại dịch.

“Cha mẹ cho rằng tôi đang suy nghĩ quá nhiều”

Những năm gần đây, sức khỏe tâm thần không phải là một vấn đề được thảo luận rộng rãi ở Trung Quốc và những người từng mắc bệnh tâm thần thường bị hiểu lầm hoặc kỳ thị, Li Yue, một sinh viên đại học 20 tuổi ở Hà Nam, miền trung Trung Quốc, cho biết.

Khi Li được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm nặng vào năm 2018, gia đình cô rất hoang mang. Trầm cảm không phải là từ ngữ quen thuộc ở nơi cô sống, và cha mẹ của Li thực sự không biết phải phản ứng thế nào.

Các khu vực bị phong tỏa ở thành phố Thượng Hải, khiến mọi người dễ bị trầm cảm hơn. Ảnh: Reuters
Đại dịch và các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc khiến nhiều người dễ bị trầm cảm hơn - Ảnh: Reuters

“Cha mẹ tôi đã cho rằng tôi đang suy nghĩ quá nhiều. Đôi khi họ đồng ý với tôi để được điều trị và đôi khi họ phản đối điều đó. Lúc đầu, tôi cảm thấy rất lạc lõng và sau đó trở nên tuyệt vọng. Tôi không biết phải làm gì, và cảm giác này tồn tại trong một thời gian dài”, cô kể lại.

Năm 2021, một loạt văn hóa phẩm đại chúng đề cập bệnh tâm thần đã được ra mắt công chúng. Đầu tiên, một chương trình kiểu Broadway mang tên Next to Normal (tạm dịch Gần tới bình thường) đã tạo điều kiện để mọi người nói về chứng rối loạn lưỡng cực. Vở nhạc kịch đã được lưu diễn ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu. Một bộ phim tài liệu về chuyến lưu diễn cũng được phát sóng. Sau đó vài tháng, một bộ phim truyền hình dài 40 tập có tựa đề Nhà tâm lý học đã khơi dậy cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm thần.

Cũng trong năm 2021, một số cuộc triển lãm nghệ thuật nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tâm thần đã được tổ chức. Tại Thượng Hải, một bộ sưu tập nghệ thuật trừu tượng tại phòng trưng bày Gallery No 600 giới thiệu tác phẩm của các bệnh nhân tâm thần đã được lan truyền nhanh chóng. Các cơ quan thông tấn nhà nước đã đưa tin về cuộc triển lãm này và trên mạng xã hội, một hashtag liên quan đã thu hút hơn 70 triệu lượt xem.

Hu cho biết, một số người bạn của cô đã tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến cho những người muốn trở thành chuyên viên trị liệu. Họ cũng sử dụng các ứng dụng dành cho thiết bị di động để kết nối trực tuyến những người tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên viên trị liệu. “Ngay cả ở những thành phố nhỏ cũng có rất nhiều huấn luyện viên giúp mọi người đối phó với áp lực xã hội”, Hu nói.

Tuy nhận thức về sức khỏe tâm thần ngày càng cao, nhưng cơ sở hạ tầng và nguồn lực vẫn là vấn đề nan giải. Li cho biết, khi cô nằm viện, cô đã gặp rất nhiều bệnh nhân nhưng lại có quá ít bác sĩ. Một báo cáo  của WHO vào năm 2017 cho thấy, ở Trung Quốc, chỉ có chưa đến 9 chuyên gia sức khỏe tâm thần trên 100.000 người.

Chính phủ Trung Quốc cam kết, ít nhất 80% bệnh nhân trầm cảm sẽ được điều trị vào năm 2030.

Đối với Li Yue, sau nhiều năm điều trị và tư vấn, cuộc sống của cô đã bắt đầu trở lại đúng hướng một cách chậm rãi nhưng ổn định. Hiện Li đang theo học chuyên ngành tâm lý học tại một trường đại học.

Quang Nguyễn (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI