Trong đại dịch, phụ nữ thành "siêu nhân"

30/07/2021 - 11:46

PNO - Theo báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc Liên Hiệp Quốc, phụ nữ có nguy cơ bị sa thải hoặc giảm giờ làm việc cao hơn trong thời gian thực hiện các hạn chế về kinh tế - xã hội để phòng, chống đại dịch, đặc biệt là trong các lĩnh vực như lưu trú, dịch vụ ăn uống và sản xuất.

Nhiều phụ nữ không chỉ mất thu nhập trầm trọng mà còn chịu gánh nặng của việc chăm sóc gia đình vốn không được trả công. ILO tiết lộ, trong giai đoạn 2019 - 2020, 4,2% việc làm dành cho phụ nữ trên toàn cầu đã biến mất do đại dịch, tương ứng với mức giảm 54 triệu việc làm; con số này ở nam giới là 3%, tương ứng 60 triệu việc làm.

Những ngày giãn cách, Virginia Dressler dành phần lớn thời gian trong ngày để chăm sóc cặp song sinh ba tuổi; thời gian còn lại, làm thủ thư kỹ thuật số - ẢNH: NY TIMES
Những ngày giãn cách, Virginia Dressler dành phần lớn thời gian trong ngày để chăm sóc cặp song sinh ba tuổi, thời gian còn lại, làm thủ thư kỹ thuật số - Ảnh: NY TIMES

Số lượng phụ nữ có việc làm vào năm 2021 dự kiến sẽ ít hơn 13 triệu so với năm 2019. Châu Mỹ có sự sụt giảm việc làm dành cho phụ nữ lớn nhất. Gần 3 triệu phụ nữ Mỹ rời bỏ lực lượng lao động trong năm qua. Nhiều người phải lựa chọn giữa các công việc nơi tiền tuyến chống dịch hoặc chăm sóc con cái. Khi các trung tâm giữ trẻ đóng cửa và trường học chuyển sang đào tạo từ xa, con cái của nhiều gia đình đứng trước nguy cơ bị bỏ mặc nếu cha hoặc mẹ chúng không lựa chọn hy sinh sự nghiệp.

Vết sẹo cho một thế hệ các bà mẹ lao động

Làm việc trong thời kỳ đại dịch có ý nghĩa rất khác nhau giữa Virginia Dressler và chồng cô, Brandon. Khi Brandon, một shipper, tiếp tục làm việc trên các tuyến đường gần nhà họ ở Newbury, bang Ohio (Mỹ), Virginia dành cả ngày để chăm sóc cặp song sinh ba tuổi của họ. Chỉ sau khi chồng cô về nhà lúc 18 giờ, cô mới có thể làm công việc của mình tại nhà - thủ thư dự án kỹ thuật số của Đại học bang Kent. Cô kết thúc ca làm việc vào khoảng hai giờ sáng.

Giờ đây, khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại, viễn cảnh phải quay lại môi trường làm việc cũ khiến Virginia lo lắng hơn vì các trung tâm chăm sóc trẻ em vẫn chưa mở cửa, cùng với những hạn chế giãn cách, vậy ai sẽ chăm sóc con? Người mẹ bận rộn chia sẻ: “Tất cả những thứ này đang quay cuồng trong đầu tôi”.

Joelle Cosmas bế cậu con trai Johnny chào đời vào tháng 5/2020. Cô bật cười khi nhớ lại cảnh đứng trước cửa nhà và giơ con mình lên cho người thân, bạn bè đứng từ xa nhìn thấy giữa đại dịch, hệt như một cảnh trong bộ phim Vua sư tử - ẢNH: WASHINGTON POST
Joelle Cosmas bế cậu con trai Johnny chào đời vào tháng 5/2020. Cô bật cười khi nhớ lại cảnh đứng trước cửa nhà và giơ con mình lên cho người thân, bạn bè đứng từ xa nhìn thấy giữa đại dịch, hệt như một cảnh trong bộ phim Vua sư tử - Ảnh: Washington Post

Đại dịch xóa đi ranh giới giữa công việc và cuộc sống gia đình, buộc phụ nữ nhận gánh nặng quá lớn, biến họ thành những “siêu nhân” bất đắc dĩ. Đối với nhiều bà mẹ đang đi làm, việc tái mở cửa dần chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn khiến mọi thứ trở nên phức tạp, buộc họ nghỉ việc hoặc chọn làm việc bán thời gian để tiếp tục chu toàn việc nhà. Đáng chú ý, tác động từ đại dịch có thể kéo dài suốt đời, làm giảm khả năng kiếm tiền và cơ hội thăng tiến của phụ nữ.

Betsey Stevenson - giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học bang Michigan (Mỹ) - nhận xét: “Cả một thế hệ phụ nữ đối mặt nguy cơ tổn thương. Họ có thể phải chịu cảnh thất nghiệp một thời gian, sự nghiệp dần lụi tàn thay vì triển vọng thăng chức", đặc biệt là phụ nữ mang thai và bà mẹ có con còn quá nhỏ.

Đối với những bà mẹ đơn thân, áp lực thậm chí còn lớn hơn. Karin Ann Smith là một người mẹ đơn thân, thu nhập chỉ đủ trang trải chi phí hằng tháng. Karin cần trả tiền chữa bệnh cho cậu con trai 13 tuổi thường xuyên mệt mỏi và đau đớn do bệnh mạn tính, tiền nợ vay thời sinh viên để theo học hai bằng đại học cũng như tiền thuê căn hộ ở Florida. Ở tuổi 52, Karin bị cho nghỉ việc vào giữa tháng Ba và nhận được bảo hiểm thất nghiệp vào tháng Năm, sau khi nhắn tin cầu cứu khắp nơi. Karin không hy vọng sẽ tìm được một công việc khác trước mùa thu - rất lâu sau khi hết trợ cấp thất nghiệp.

Giữa đại dịch, những người mẹ làm việc trong lĩnh vực y tế phải gánh vác cả trách nhiệm gia đình lẫn cộng đồng
Giữa đại dịch, những người mẹ làm việc trong lĩnh vực y tế phải gánh vác cả trách nhiệm gia đình lẫn cộng đồng

Bất chấp những lựa chọn đau khổ mà nhiều bà mẹ đang đi làm phải đối mặt, một số nhà kinh tế vẫn hy vọng áp lực gia tăng đối với các gia đình về lâu dài có thể dẫn đến những thay đổi tích cực cho phụ nữ như: hệ thống chăm sóc trẻ em tốt hơn; khả năng sắp xếp công việc linh hoạt hơn; thậm chí là sự nhìn nhận và đánh giá cao hơn từ xã hội dành cho phụ nữ trong vai trò quản lý gia đình.

Hy sinh vì cộng đồng

Theo phân tích do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện tại 104 quốc gia, khoảng 70% lực lượng lao động chăm sóc sức khỏe toàn cầu là phụ nữ. Con số này tăng lên 90% ở nhóm các nhân viên chăm sóc người cao tuổi. Phụ nữ trong ngành y phải đối mặt với những gánh nặng lớn hơn trong đại dịch. Ngoài việc phải chịu đựng các vấn đề tồn tại ở nơi làm việc như thành kiến giới, phân biệt đối xử, quấy rối tình dục và nhiều yếu tố bất bình đẳng khác, các bác sĩ nữ còn dễ bị trầm cảm, kiệt sức và có ý định tự tử nhiều hơn so với đồng nghiệp nam. Ngoài ra, họ phải làm nhiều việc không liên quan đến chuyên môn, chẳng hạn nuôi dạy con cái và chăm sóc người thân, với thời lượng gấp 2,5 lần nam giới.

Yesim Selcuk Tasdemir xúc động hồi tưởng về nỗi nhớ con da diết những ngày cô lên đường ra tiền tuyến chống dịch - ẢNH: AA
Yesim Selcuk Tasdemir xúc động hồi tưởng về nỗi nhớ con da diết những ngày cô lên đường ra tiền tuyến chống dịch - Ảnh: AA

Tuy nhiên, các y tá như Tammy Benson, từ Baton Rouge, bang Louisiana (Mỹ), cho biết không tình yêu nào bằng tình mẹ và phần tốt nhất trong công việc của cô là giúp các bà mẹ học cách chăm sóc con một cách an toàn giữa đại dịch. Tammy chia sẻ: “Tất cả chúng ta thật may mắn khi được làm mẹ và không có gì tuyệt vời hơn khi biết rằng con bạn đang hạnh phúc. Mỗi ngày làm việc ở bệnh viện sản nhi, tôi giúp các bà mẹ học cách chăm sóc em bé và chia sẻ niềm vui đó với họ”.

Ashley Wilson, đồng nghiệp của Tammy, vừa có con đầu lòng vào tháng 12/2020. Cô bộc bạch: “Tôi luôn muốn ôm con khi về nhà, nhưng là y tá phòng cấp cứu, tôi không dám tiếp xúc quá gần với gia đình mình".

Yesim Selcuk Tasdemir - y tá của đơn vị chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ - là một trong những bà mẹ đi đầu trong cuộc chiến chống COVID-19. Cô để lại cậu con trai chỉ mới một tuổi của mình cho người thân chăm sóc. Yesim kể: “Con tôi giờ đã hai tuổi rưỡi và tôi vẫn phải xa con vì công việc. Điều đó thật khó khăn”. Yesim cho biết, khi bị nhiễm COVID-19, cô mất khứu giác và vị giác. Thứ duy nhất cô yêu cầu chồng đem đến nơi cách ly là một chiếc áo của con trai. Người mẹ nhớ lại: “Khi tôi phục hồi khứu giác, tôi muốn cảm nhận mùi của con mình đầu tiên”.

Con trai của Yesim cũng bị nhiễm virus sau khi một thành viên trong gia đình có kết quả xét nghiệm dương tính. Cô chia sẻ: “Lúc ấy, tôi nhận ra mình không hề lo lắng cho bản thân. Việc con tôi nhiễm vi-rút khiến tôi mệt mỏi hơn nhiều. Những nhân viên y tế như chúng tôi nhớ con cái và cha mẹ. Chúng tôi cảm thấy cay đắng khi không thể ôm hoặc hôn con như nhiều người mẹ khác".

Zeliha Gurlek Ustabasi - bác sĩ làm chung bệnh viện với Yesim - cho biết cô yêu công việc của mình nhưng suốt một năm rưỡi khó khăn khiến đôi khi họ cảm thấy mệt mỏi với trách nhiệm trên vai. Khi cuộc chiến diễn ra cả ở bệnh viện và ở nhà, họ đã phải nỗ lực rất nhiều để không lây nhiễm cho con cái và người thân. Ustabasi thổ lộ “Tôi không thể chơi với các con trong một thời gian dài. Mùi của chúng thực sự là thứ tôi nhớ da diết”. Nhấn mạnh rằng dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em, Ustabasi kêu gọi mọi người tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. 

Ngọc Hạ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI