Trò chuyện với người chết: Lời thì thầm… gửi gió

02/08/2020 - 14:15

PNO - Trò chuyện với người chết, chuyện tưởng chừng hoang đường nhưng với những ai từng biết đến Kaze no Denwa sẽ hiểu khoảng riêng bộc bạch có tác dụng xoa dịu đến thế nào. Kaze no Denwa, cuộc gọi gửi đến gió, là những lời tâm tình gửi vào khoảng không nhưng là cách giúp người ở lại tìm về cảm giác bình an.

Trò chuyện với người chết, chuyện tưởng chừng hoang đường nhưng với những ai từng biết đến Kaze no Denwa sẽ hiểu khoảng riêng bộc bạch có tác dụng xoa dịu đến thế nào. Kaze no Denwa, cuộc gọi gửi đến gió, là những lời tâm tình gửi vào khoảng không nhưng là cách giúp người ở lại tìm về cảm giác bình an. 

Làm lành với nỗi đau

Không gì có thể bù đắp được nỗi đau mất người thân. Itaru Sasaki hiểu được điều ấy bởi ông cũng từng là người ở lại với vết thương lòng chưa lành lặn vì không thể chấp nhận sự thật là người thân qua đời. Ông đã tự tìm cách khuây khỏa với chiếc điện thoại cũ ở góc vườn. Ông dành một khoảng đất trong vườn nhà đặt buồng điện thoại mang tên Kaze no Denwa. Ông nhấc máy và quay số, mặc định đang gọi cho người thân đã mất. Tưởng tượng bên kia đầu dây là những tiếng chuông đổ dài, Itaru Sasaki bắt đầu trò chuyện.

Thật ra, ông chỉ đang nói chuyện một mình. Ông nói về những ngày tháng khó khăn, chông chênh, đơn độc. Ông nhắc về những kỷ niệm của gia đình. Ông trút hết tất cả với gió, để thấy lòng mình vơi đi chất chứa bấy lâu. Chỉ là tình cờ nhưng Itaru Sasaki ngày càng nhận ra cách giãi bày giúp ông nguôi ngoai dần. 

Bên trong buồng điện thoại còn có quyển sổ tay để ghi lại những dòng nhắn gửi đầy cảm xúc của người ở lại
Bên trong buồng điện thoại còn có quyển sổ tay để ghi lại những dòng nhắn gửi đầy cảm xúc của người ở lại

 

Ông Sasaki chỉ là thợ làm vườn nhưng đã mang đến cho nhiều người một phương thuốc chữa lành hiệu nghiệm

Ông Sasaki chỉ là thợ làm vườn nhưng đã mang đến cho nhiều người một phương thuốc chữa lành hiệu nghiệm

Một năm sau khi người thân của Itaru Sasaki qua đời thì xảy ra trận động đất gây sóng thần. Ông nhìn thấy những trái tim tan vỡ và quyết định mở cửa buồng điện thoại chào đón tất cả những ai cần đến. Buồng điện thoại sơn trắng, bên trong đặt một chiếc điện thoại cũ xưa, không có bất cứ đường dây kết nối nào. Itaru Sasaki muốn hàng xóm xung quanh một lần thử như ông, trút hết tất cả với gió, để gió cuốn đi những muộn phiền, cho lòng mình được nhẹ nhõm.

Buồng điện thoại nay đã trở thành một trong những biểu tượng gắn liền với thị trấn Otsuchi, đón nhận khoảng 25.000 lượt người đến thực hiện những cuộc điện thoại chuyển lời qua gió. Otsuchi vốn là thị trấn nằm trên bờ biển Sanriku thuộc tỉnh Iwate (Nhật Bản), là một trong những nơi bị sóng thần tấn công dữ dội nhất vào năm 2011. 

Mỗi sáng, ông Itaru Sasaki dậy sớm dọn dẹp khu vực bên trong và bên ngoài buồng điện thoại. Trên bàn điện thoại, ông đặt sẵn một quyển sổ và bút, mọi người có thể chia sẻ bất cứ suy nghĩ nào của mình vào đấy. Người đàn ông đã ngoài 70 tuổi, trải qua bao thăng trầm cuộc đời hiểu rằng, cách tốt nhất giúp chính mình là cố gắng tự nâng đỡ mình. Ai cũng có khả năng tự phục hồi. Ông đã trao cho họ một không gian như thế. 

Bên trong buồng điện thoại, những nỗi lòng sâu kín nhất của người ở lại đã được nói ra
Bên trong buồng điện thoại, những nỗi lòng sâu kín nhất của người ở lại đã được nói ra

Sóng thần tấn công, thị trấn Otsuchi 16.000 người tan tác. Gần 2.000 người bị nhấn chìm dưới lớp sóng, phần lớn những người còn lại bỏ hết nhà cửa ra đi. Trong một dịp đến làm phóng sự về buồng điện thoại Kaze no Denwa, nhóm phóng viên của đài NHK đã gặp một phụ nữ 66 tuổi. Bà tìm đến buồng điện thoại để trút những giọt nước mắt nhớ thương gửi người chồng là ngư dân đã bỏ mạng trên biển cả khi sóng thần ập đến. Bà ngập ngừng nhấc máy, khe khẽ đọc số điện thoại nhà cũ năm xưa rồi quay số.

Khoảnh khắc ấy, bà thật sự hồi hộp dẫu biết rằng không thể nghe được giọng nói thân thương của chồng mình. Nhưng chỉ hành động dám gọi điện để đối diện với người mình thương nhớ cũng là sự dũng cảm. Bà không đến đây một mình mà đi cùng các cháu.

Mỗi lần đến rồi đi, bà cảm nhận được một phần vết thương được chữa lành bởi cảm giác mất mát, tiếc nuối dần được thay thế bằng sự kết nối, trân trọng. Phóng sự của đài NHK đã bắt được những câu hỏi thăm của những đứa trẻ gửi đến người ông: “Chào ông, cháu đã làm hết bài tập rồi ạ. Ông khỏe không? Cả nhà rất khỏe ạ. Lần sau bà và tụi cháu sẽ đến nói chuyện với ông nữa nhé!”. Phóng sự dài gần 60 phút của NHK đã ghi lại những đoạn độc thoại cảm động. Lời nhắn nhủ dù chẳng nhận được hồi âm nhưng với người ở lại, đó chính là cách tìm lại cảm giác bình an cho mình. 

Chấp nhận để bước tiếp

Những người đến với Kaze no Denwa ban đầu chủ yếu vì tò mò, cho rằng có điều gì đó kỳ diệu phía sau chiếc điện thoại không có tín hiệu kết nối viễn thông nào. Nhưng về sau, họ hiểu rằng việc tìm đến buồng điện thoại này không nhằm tìm kiếm cho mình điều gì khác ngoài nỗ lực cân bằng bên trong mình.

Lời nhắn gửi đầy tình cảm của bà và các cháu dành cho người ông quá cố
Lời nhắn gửi đầy tình cảm của bà và các cháu dành cho người ông quá cố

Có lần, ông Sasaki đọc được lời nhắn gửi ghi trong quyển sổ tay đặt cạnh điện thoại: “Về nhà sớm thôi con ơi. Bố mẹ, ông bà đang chờ con”. Lời nhắn gửi ấy được ghi năm 2013. Sau này, Sasaki có dịp gặp được người thân của chàng trai là nhân vật của đầu dây bên kia điện thoại. Chàng trai trẻ làm việc cho một công ty công nghệ. Lần ấy, anh có chuyến công tác đến Otsuchi và mãi mãi không quay trở lại. Chàng trai mất tích và người thân vẫn cố gắng tìm kiếm anh. Mẹ của nạn nhân chia sẻ với ông Sasaki rằng, bà chẳng biết làm gì sau khi đã gõ cửa tất cả những nơi bà hy vọng có thể giúp mình. Khi tìm đến buồng điện thoại của Sasaki, người mẹ đau khổ, tuyệt vọng bỗng thấy được an ủi rất nhiều.

Ông Sasaki chia sẻ: “Thời gian trôi qua, mọi người dần học được cách chấp nhận. Khi giải tỏa được nỗi lòng, họ cảm thấy nhẹ nhõm phần nào. Họ thấy có những người giống mình cũng đang tìm kiếm nguồn vui sống trở lại và họ dần thay đổi. Thay vì cố níu kéo điều đã mất đi, họ viết vào quyển sổ tay lời chúc bình an cho người đã khuất và hứa rằng họ sẽ tiếp tục sống cuộc đời ý nghĩa. Thật ra, họ biết những lời nhắn gửi ấy đâu thể đến với người đã mất. Đó chính là cách họ chấp nhận và chữa lành cho chính họ”. 

Không chỉ người nhà nạn nhân trong trận sóng thần mà người nhà của những người không may mất người thân vì tự sát hay tai nạn cũng tìm đến buồng điện thoại trong sân vườn ông Sasaki. Họ chọn nơi đây để bộc lộ cảm xúc, điều mà không phải lúc nào họ cũng có thể thoải mái thể hiện. Sasaki từng xuất bản quyển sách Điện thoại gửi gió: Những điều tôi đã thấy xuyên qua cánh cửa buồng điện thoại sáu năm sau trận động đất. Ông chỉ là một người thợ làm vườn, tìm sự bình yên bên cỏ cây, hoa lá, không phải là một chuyên gia tâm lý nhưng lại có được sự rung động, thấu cảm sâu sắc đầy tình người. Trong quyển sách của mình, ông chia sẻ về trải nghiệm có lẽ hiếm ai có được: nhìn thấy những trái tim đầy vết xước từng ngày lành lặn trở lại. Điều ấy chỉ có thể biến thành hiện thực khi họ cảm thấy mình được lắng nghe. Lời nói gió bay, cuốn những giằng xé bi kịch ra xa, bỗng trở thành phép chữa lành hiệu nghiệm.

Khi một người bước vào buồng điện thoại đặc biệt này là họ chọn hàn gắn những vết thương, chữa lành mối quan hệ bằng cách chấp nhận sự ra đi của người thân để đối diện với sự sống. Otsuchi đang từng ngày được tái thiết. Điều ấy không quan trọng bằng việc mỗi người bước qua cú sốc tinh thần đang từng ngày tái thiết cuộc đời mình.

Thiên Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI