Trẻ tự bạo hành mình trên mạng xã hội

02/03/2016 - 13:52

PNO -  Nhiều phụ huynh"đau đầu" trước hiện tượng trẻ tự viết những thông điệp tồi tệ về bản thân lên mạng xã để thu hút sự chú ý...

Tre tu bao hanh minh tren mang xa hoi
Phụ huynh không khỏi đau đầu khi con em mình cứ chúi mũi vào điện thoại thông minh - Ảnh: NETSANITY.NET

Gần đây, nhiều phụ huynh và các nhà nghiên cứu xã hội đang "đau đầu" trước hiện tượng trẻ tự viết những thông điệp tồi tệ về bản thân lên mạng xã để thu hút sự chú ý - một cách tự hành hạ chính mình.

Trong căn phòng nhỏ, cô bé có vẻ mặt rầu rĩ giơ một mẩu giấy viết nguệch ngoạc “Nướng tôi đi” bên cạnh tấm ảnh của mình. Đây là lời mời cư dân mạng Reddit tiêu diệt ngoại hình của chính cô. Chỉ vài phút sau, tấm hình tự sướng có tiêu đề “Tôi 15 tuổi” nêu trên được tải lên, một làn sóng “cắn xé” cô bé bằng những lời lẽ cay độc ập đến.

Chỉ có thể nhắc lại vài câu nhẹ nhàng nhất: “Cặp kính nói lên sự nhạt nhẽo về bạn”, “Khi bố mẹ biết bạn tự cắt tay để làm hại mình, chắc họ sẽ mua thêm dao lam bén hơn cho bạn”... Điều kiện duy nhất để tham gia trang mạng này là bạn trên 13 tuổi và người giơ tấm ảnh có tiêu đề phải là chính bạn. Cuộc chơi này như cuộc thi xem ai nhận được những lời bình luận cay độc nhất.

Hiện tượng trẻ em tự hành hạ hay kêu gọi mọi người “ném đá” mình trên mạng khiến người lớn không thể nào hiểu nổi. Nghiên cứu của dự án Ngày sử dụng internet an toàn ở Anh cho thấy, một phần tư bạn trẻ từ 13-18 tuổi bị lạm dụng trên mạng. Cứ 1 trong 25 trẻ cho biết, chúng bị cô lập vì những lời xúc phạm.

Theo thống kê trên 600 sinh viên tại Mỹ, có 1 trong 10 bạn cho biết đã viết những lời “xấu xí” về chính mình rồi tải lên mạng. Hành vi tự hủy hoại trên mạng xuất hiện tại Anh cách đây khoảng ba năm, khi cô bé 14 tuổi Hannah Smith tự tử trong phòng ngủ. Cuộc điều tra cho thấy có những tin nhắn như “Chết đi”, “Cầu cho bị ung thư”, “Đi uống thuốc tẩy” đã được gửi vào trang cá nhân của cô trên mạng Ask FM, một dạng hỏi và trả lời mà người sử dụng ẩn danh. Các điều tra viên kết luận, chính Smith đã gửi các tin nhắn này và tự kết liễu đời mình.

Tại sao những người trẻ lại sử dụng ngôn từ để làm đau chính mình? Chuyên gia Rachel Welch của tổ chức Giải phóng những nỗi đau (Freedom From Harm) cho biết: “Trưng bày sự đau khổ của mình với mọi người có thể làm cho trẻ cảm thấy thực tế hơn và quan trọng hơn”.

Cách tự hủy hoại này xem ra còn khó nhận ra hơn vết sẹo tự cắt trên tay. Andy Phippen, giáo sư Khoa Trách nhiệm xã hội của ĐH Plymouth cho biết: “Hình thức mới rất khó nhận biết và cũng khó để trẻ chia sẻ với ai khác. Một đứa trẻ làm như thế có thể chỉ đơn giản là thu hút sự chú ý, một trẻ khác lại dẫn đến tự tử. Dù thế nào đi nữa, đây cũng là biểu hiện của sự tự đánh giá thấp về bản thân và phiền muộn trong cuộc sống”. Ông nhấn mạnh, hiện tượng này là ảnh hưởng từ sự cô lập khi bị so sánh: “Sự soi mói không còn là ở ngoại hình chung chung như trước mà đi đến chi tiết như đôi chân của bạn có đủ dài và hình thù có chuẩn không…”.

Tre tu bao hanh minh tren mang xa hoi
Hannah Smith đã tự gửi cho mình tin nhắn như “Chết đi”, “Cầu cho bị ung thư”… trên mạng Ask FM - Ảnh: FACEBOOK

Ellie Thomas, 19 tuổi, nhớ lại, hồi 15 tuổi, cô cũng tự đăng câu hỏi trên mạng Ask FM “Điều gì tốt đẹp nhất trong tôi?” để rồi tự trả lời với một hồ sơ khác: “Không có gì cả, bạn chẳng là ai cả”. Cô không kể cho mẹ việc mình từng tự sỉ vả mình, nhưng tìm đến các nhà tư vấn để chia sẻ: “Tôi biết là tôi tự viết thế, nhưng trên mạng, chúng lại có vẻ như ai đó đã làm chứ không phải tôi. Trong đầu tôi cứ quay cuồng với ý nghĩ “tôi xấu xí, tôi vô dụng, chẳng ai thích tôi”. Bạn bè cố bảo vệ tôi trên mạng và để tiếp tục cuộc chơi, tôi lại viết những lời tấn công họ. Tôi đau đớn vì thấy bạn bè giận dữ thay cho mình, nên nghĩ là đã đến lúc dừng lại. Đây không phải xúc phạm người khác, mà là tôi chỉ muốn làm đau chính mình”.

Sau nhiều vụ tự tử do trẻ tự hành hạ mình trên mạng, các nhà mạng đã có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng hiện tượng này lại chuyển biến với hình thức khác, như tự bạo hành bằng cách đăng tải “hãy cho điểm tôi” trên Facebook hay YouTube, để nhận lại những lời xúc phạm. Chính những người trẻ tạo ra cuộc chơi này và nỗi đau họ nếm trải là có thật. Đây là lời cảnh báo mạnh mẽ với phụ huynh, rằng không có ai tự đánh giá bản thân con trẻ kỹ lưỡng bằng chính chúng.

Phan Quỳnh Dao (Theo Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI