Trẻ thông minh quá khó hòa nhập, dễ bị trầm cảm, rối loạn lo âu

30/11/2016 - 06:30

PNO - Phụ huynh không hiểu rằng, trẻ quá thông minh càng cần được quan tâm sát sao. Nếu không, các bé khó hòa nhập với mọi người, dễ trầm cảm, rối loạn lo âu…

Đa số phụ huynh chỉ đưa con đi khám tâm lý khi thấy trẻ phát triển chậm, còn với những trẻ quá thông minh, cha mẹ thường rất chủ quan, tự hào: “Bé già dặn, sâu sắc như ông cụ non”. Phụ huynh không hiểu rằng, trẻ quá thông minh càng cần được quan tâm sát sao. Nếu không, các bé khó hòa nhập với mọi người, dễ trầm cảm, rối loạn lo âu…

Lợi bất cập hại

Là cha mẹ ai cũng mong con mình thông minh, sáng tạo, tương lai trở thành những người có ích, thành đạt trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, nếu không có những phương pháp giáo dục đúng đắn, trẻ thông minh quá sẽ phát triển lệch lạc, sau này rất khó hoặc không thể sửa chữa hoặc thay đổi được.

Theo BS tâm lý Kiều Thanh Hà - Phòng khám Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), số bệnh nhi ở lứa tuổi tiền dậy thì hoặc dậy thì đi khám tâm lý rất đông với những lý do như: không chơi với bạn, cả ngày lầm lì, ít nói, hay than thở đau bụng, đau đầu nhưng đi khám thì bình thường, tính tình cáu gắt, không chơi được những trò chơi tập thể, con gái thì chơi trò con trai, con trai thì chơi trò con gái…

Tre thong minh qua kho hoa nhap, de bi tram cam, roi loan lo au
BS Kiều Thanh Hà đang khám tâm lý cho trẻ

Đặc biệt, trong nhóm này, BS Hà phát hiện một số trẻ có chỉ số IQ rất cao. Phụ huynh không bao giờ đưa con đi khám vì trẻ quá lanh lợi hay thông minh. Họ thường rất tự hào và chỉ nhận xét “như ông cụ non ấy”, cho đến khi sự việc trở nên tồi tệ và nghiêm trọng. Chỉ trong tuần qua, BS Hà tiếp nhận ba bệnh nhi tới khám. Cả ba bé đều khiến từ phụ huynh tới BS… “hoảng hồn kinh vía”, với chỉ số IQ trong ngưỡng 130-150 (người bình thường ở khoảng 76-124).

Bé thứ nhất tên Nguyễn Thành Nam, tám tuổi, ngụ tại Q.5, TP.HCM. Nam học lớp 3, chơi facebook chuyên nghiệp, vào Youtube rành rẽ, search Google điêu luyện. Từ phụ huynh tới nhà trường đều bật ngửa khi phát hiện Nam lập ra một nhóm kín gồm ba bạn, cắt máu ăn thề. Các thành viên trong nhóm thề sẽ bên nhau trọn đời, sau này quyết nên duyên vợ chồng... Đáng kinh hãi hơn là tư tưởng phát triển nhóm để phủ rộng mạng lưới trên toàn cầu, lấy tiêu chí kết nạp thêm thành viên mới làm chủ đạo mà Nam đề ra.

Cô bé Trần Hồng Thắm, 13 tuổi, ngụ tại Q.Thủ Đức, TP.HCM bằng trí thông minh, óc sáng tạo của mình đã nghĩ ra đủ chiêu trò quái đản khiến thầy cô, cha mẹ toát mồ hôi đối phó. Thắm được chẩn đoán bị chứng rối loạn đau cơ thể do yếu tố tâm lý. Bé hay phán xét thầy cô về ăn nói, ăn mặc, ăn uống không chuẩn. Mỗi lần tức tối với thầy cô, Thắm lại bị đau bụng, đau đầu.

Đi khám, các BS cho chụp chiếu nhưng không phát hiện bất thường, chỉ cho Thắm uống thuốc giảm đau. Nhớ lại phút giây trò chuyện cùng bé, BS Hà thực sự ái ngại: “Cô bé nói không uống thuốc đâu, bởi chỉ giả vờ đau thôi. Thuốc giảm đau bé gom lại, giấu trong cặp. Bạn bè của bé trong cặp cũng đầy thuốc, khi nào giận đời lôi ra uống hết một lần cho chết luôn”.

Trường hợp thứ ba đi khám tâm lý là một bé trai, tên Phạm Thành Minh, 14 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM. Chỉ số IQ của Minh là 150, cao nhất trong ba bé. BS Hà nhận định, trẻ có chỉ số IQ ở ngưỡng này gọi là rất thông minh. Bé đi khám vì quá kiêu ngạo, thường miệt thị, coi thường người khác. Bé tâm sự với BS: “Bạn bè cùng tuổi với con là một lũ… ngu như chó”. Bé Minh bị tẩy chay vì tội hay chửi bạn bè ngu. Bé cô độc, không có bạn.

Kiêu ngạo, cô độc và... "nổ"

Theo BS Hà, những trẻ có chỉ số thông minh vượt trội thường sống thu mình. Trẻ rất hạn chế kỹ năng giao tiếp xã hội do mất thời gian tập trung vào những lĩnh vực, mục tiêu thiên về năng khiếu của trẻ. Nhóm trẻ này thường rất tham vọng và cầu toàn nên luôn có xu hướng sử dụng chất xám, thời gian để tập trung thực hiện những mục tiêu phát triển bản thân.

Vì thế, trẻ rất khó thích nghi hay chấp nhận những điều không như trẻ nghĩ. Thời gian dành cho việc tương tác xã hội của trẻ bị hạn hẹp hơn. Quan niệm về hạnh phúc của những trẻ thông minh có xu hướng khác với những trẻ IQ bình thường. Trẻ rất bận rộn với những kế hoạch, mục tiêu mà trẻ vạch ra nên cho rằng những cuộc vui chơi, hẹn hò với bạn bè là xa xỉ.

Trẻ thông minh thường có khả năng phát hiện ra cái sai, chưa chuẩn của người khác và không thể kìm chế được nếu không nói ra điều đó. Vì vậy trẻ có thói quen “sửa lưng” mọi người. Thế nên chúng luôn cô độc. Trong các mối quan hệ xã hội trẻ bị đánh giá là nổ, khoe khoang khi cố gắng “chỉnh sửa” mọi người.

Dạy trẻ biết yêu thương

Trẻ quá thông minh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội cho phù hợp. Vì vậy trẻ sẽ không nhận được tình yêu thương từ mọi người. Cha mẹ nên dạy cho con học cách yêu thương. Học cách yêu thương rất quan trọng vì đó là điều cốt lõi của những giá trị. Yêu thương là một phần tự nhiên của những niềm vui và sự tận hưởng trong cuộc sống của trẻ.

Tình yêu thương là nhân tố quan trọng khiến trẻ cảm thấy lạc quan và hy vọng về tương lai, giúp trẻ cân bằng mọi phức tạp trong cuộc sống. Những đứa trẻ biết cách yêu thương sẽ luôn giữ được sự ổn định và lành mạnh giúp trẻ phát triển toàn diện hơn. Từ đó trẻ sẽ biết cách đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn, biết tự chăm sóc bản thân mình và chăm sóc người khác.

Khi trẻ thiếu tình thương, trẻ sẽ coi cái tôi của mình quá lớn và nghiêng về xu hướng chê bai người khác, khó chấp nhận người khác. Từ đó bé dễ bị kích động, lo lắng, sợ hãi, luôn phải chịu đựng những căng thẳng nội tâm. Hậu quả cuối cùng trẻ sẽ càng khó thích nghi, có thể mắc phải những rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu hay stress.

Dạy bé biểu hiện của tình yêu thương con người, cha mẹ cần phân tích cho bé hiểu rõ bản chất và cách thức thể hiện của tình yêu thương thông qua những hành động cụ thể như: biết kính trọng người lớn tuổi, biết nhường nhịn cho em nhỏ, sẻ chia với bạn bè, giúp đỡ người gặp khó khăn, quan tâm, hỏi han người khác khi ốm đau, mệt nhọc…

Ngay cả việc bé luôn biết nghe lời, chăm ngoan, học giỏi cũng chính là biểu hiện biết yêu thương mọi người, yêu thương bố mẹ. Cha mẹ không cần suốt ngày nói bé phải yêu thương ai, phải thế này, phải thế khác mà không chỉ ra cho bé những hành động, những biểu hiện cụ thể bé cần phải làm, bởi như thế bé sẽ không hiểu mình nên làm gì, làm thế nào mới gọi là yêu thương. Luôn khen ngợi khi bé có hành động đúng là một điểm cần chú trọng.

Khi bé biết yêu thương, quan tâm người khác dù chỉ với một hành động nhỏ như chia sẻ đồ chơi, thức ăn với bạn, lễ phép chào hỏi người lớn, hỏi han ba mẹ đi làm có mệt không, phụ huynh hãy khen bé ngay và nói cho chúng hiểu những hành động đó chính là yêu thương để bé nhớ và tạo thói quen tốt.

Nếu phụ huynh thấy con có dấu hiệu bất thường về cảm xúc hoặc hành vi, với thời gian kéo dài (liên tục trong ba-sáu tháng), gây ảnh hưởng tiêu cực tới bản thân và người khác, hãy đưa trẻ đi gặp chuyên viên tham vấn, trị liệu tâm lý. Phụ huynh nên bình tĩnh để tránh nhạy cảm thái quá về các biểu hiện cảm xúc, hành vi của trẻ.

Chẳng hạn, khi trẻ buồn, chán nản, phụ huynh nên dành thời gian nói chuyện với con xem liệu có vấn đề, sự kiện quan trọng nào vừa mới hoặc đang diễn ra trong cuộc sống của trẻ (bạn thân nghỉ học, chuyển trường, trẻ bị điểm kém, bị thầy cô mắng nặng lời). Tâm trạng buồn, chán khi vừa có các sự cố không như ý xảy ra trong cuộc sống của trẻ không thể xem là “bệnh trầm cảm”. Hãy cẩn thận, có khi chính sự hoảng sợ của cha mẹ lại đẩy con vào vòng luẩn quẩn “chữa bệnh nên sinh ra bệnh”. 

Thanh Huyền 

(*) Tên bệnh nhi đã được thay đổi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI