Trẻ nhỏ ít biến chứng nặng vẫn nên tiêm vắc xin COVID-19

17/02/2022 - 06:22

PNO - Thời gian gần đây, thông tin Việt Nam sẵn sàng các phương án để có thể tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi đang ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận.

 

Mặc dù phần lớn người dân bày tỏ sự ủng hộ, mong đợi trẻ nhỏ được tiêm vắc xin để có thể trở lại trường học một cách an toàn, tuy nhiên, một số phụ huynh cũng còn băn khoăn vì cho rằng nhiều chuyên gia đã khẳng định, tỷ lệ trẻ biến chứng nặng vì COVID-19 thấp, trẻ hầu hết có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng, vậy tại sao cần thiết tiêm vắc xin? 

Liên quan tới vấn đề này, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc (Bộ Y tế), cho biết gần đây, đơn vị này đã làm việc chặt chẽ với Bệnh viện Nhi Trung ương cùng các bệnh viện nhi đồng và thấy rằng số lượng trẻ em mắc COVID-19 đang tăng theo thời gian. Dù chưa có con số cụ thể, song số trẻ phải điều trị tích cực, điều trị kéo dài tại các bệnh viện nhi tăng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương có hàng trăm trường hợp nặng, nhiều trẻ phải thở máy.

“Mặc dù số ca nặng ở trẻ không cao như người lớn, nhưng với trường hợp nặng, vẫn có các em diễn tiến nguy kịch và tử vong. Như vậy, với số lượng trẻ nhiễm lớn thì số ca nặng và tử vong không nhỏ. Qua thời gian làm việc với các bệnh viện, tôi nhận thấy tỷ lệ mắc hội chứng hậu COVID-19, biến chứng bất lợi như viêm cơ tim không nhỏ. Các đối tượng này chưa được tiêm vắc xin. Nguy cơ này lớn hơn nhiều so với nguy cơ có thể gặp biến chứng khi tiêm vắc xin mà một số phụ huynh lo lắng”, vị chuyên gia nói.

Đặc biệt, theo tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái, hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã điều chỉnh chiến lược và khuyến cáo liên quan tới vấn đề tiêm chủng cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Trong các cuộc họp của các nhóm chuyên gia gần đây, WHO khẳng định tiêm vắc xin là điều cần thiết. Mặc dù những biến chứng liên quan đến COVID-19 không nhiều như nhóm trẻ lớn hoặc người lớn, tuy nhiên ảnh hưởng lâu dài của bệnh lên nhóm tuổi này đã được khẳng định, điều đó ảnh hưởng sức khỏe của trẻ sau này. Do đó, các chuyên gia khẳng định cần tiêm cho trẻ để tránh ảnh hưởng lâu dài cũng như các nguy cơ, biến chứng. Bên cạnh đó, trẻ 5 - 11 tuổi cũng tham gia chuỗi lây truyền COVID-19. Vì vậy, tiêm chủng giúp chúng ta sớm quay lại bình thường mới. 

Đầu tháng 2/2022, Chính phủ đã đồng ý mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfizer cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi để phòng, chống dịch COVID-19. Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái chia sẻ, theo các nghiên cứu, vắc xin này dùng công nghệ mới, tốt hơn vắc xin cho nhóm người lớn nên nguy cơ gây viêm cơ tim ở trẻ 5 - 11 tuổi thấp hơn ở trẻ lớn và người lớn. Tỷ lệ viêm cơ tim này gần như không thấy ở các quốc gia khi triển khai tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi. Tuy nhiên, những phản ứng khác như sốt, sưng đau tại chỗ cũng có dù thấp hơn ở trẻ lớn, người lớn. “Những phản ứng này không thể tránh được vì đây là phản ứng rất bình thường của cơ thể. Điều này đã nằm trong tính toán”, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái chia sẻ trước nhiều lo lắng của phụ huynh liên quan đến độ an toàn của vắc xin COVID-19 tiêm cho trẻ nhỏ. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI