Trẻ mắc COVID-19, cảnh báo nguồn lây từ người thân

12/09/2021 - 14:53

PNO - Trẻ không ra ngoài, ít tiếp xúc nhưng vẫn mắc COVID-19, hãy cẩn thận nguồn lây từ người lớn.

Nhiều nguồn lây COVID-19 cho trẻ nhỏ

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trung bình có khoảng 300 trẻ em mắc COVID-19 đang điều trị, trong đó trẻ dưới 12 tháng tuổi chiếm khoảng 30%. Ngoài ra, có những trẻ bị thừa cân, béo phì, hay mắc các bệnh nền khác.

Theo bác sĩ của bệnh viện, tuy đa phần trẻ em mắc COVID-19 có chuyển biến nhẹ, mau hết bệnh nhưng vẫn có một số trẻ bị diễn biến nặng. Nhóm trẻ em mắc COVID-19 có nguy cơ trở nặng thường thấy ở trẻ dưới 12 tháng tuổi bởi còn quá nhỏ, sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ cũng chưa phát triển đầy đủ.

Một trường hợp trẻ nhỏ có bệnh lý nền mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố
Một trường hợp trẻ nhỏ có bệnh lý nền mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Ngoài ra, trẻ nhỏ chưa ý thức và không thể diễn đạt được triệu chứng của mình, khi người thân phát hiện, đưa đến bệnh viện thì bệnh đã vào giai đoạn nặng. Bên cạnh đó, trẻ mắc tim mạch, hen suyễn, bệnh bẩm sinh về máu, đái tháo đường... hay vừa mắc COVID-19 vừa mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng… đều phải nhập viện điều trị tích cực.

Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi hầu hết lây nhiễm COVID-19 từ người chăm sóc trực tiếp như cha mẹ, người giúp việc, ông bà… vì trẻ không thể tự ra ngoài.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, trước đây khi số ca mắc COVID-19 ít, trẻ em rất khó mắc bệnh bởi luôn được người lớn cho ở trong nhà. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt những đứa trẻ sống trong các khu vực phong tỏa, gần phong tỏa cần được lưu ý về nguy cơ lây nhiễm. 

Nếu gia đình ở trong, gần khu phong tỏa có trẻ nhỏ biết đi lại, hay chạy chơi cần chú ý đến con em mình hơn, bởi trẻ chưa ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh. Trẻ thích khám phá, chạm vào đồ vật xung quanh, nếu đưa tay lên ngậm, quẹt mũi, cầm nắm đồ ăn sẽ rất dễ lây bệnh. Trường hợp các trẻ chơi chung với nhau cũng có thể lây cho nhau nếu có một trẻ đang mắc hay ủ bệnh.

Đối với trẻ từ 12 tuổi trở xuống nhưng thừa cân, béo phì, hay trẻ em miễn dịch yếu, thường bệnh vặt đặc biệt là viêm phổi, viêm phế quản nếu bị lây nhiễm COVID-19 rấy dễ diễn tiến nặng. Vì vậy, người lớn trong gia đình đặc biệt lưu ý, hướng dẫn con em mình cách phòng ngừa COVID-19.

Cần làm gì khi nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ mắc COVID-19?

Theo bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, khi nhắc đến COVID-19, người lớn rất lo sợ con em mình phải đối mặt với căn bệnh này, nhất là khi trong nhà có người mắc bệnh.

“Cho đến nay, theo báo cáo của các nước trên thế giới, trẻ em mắc COVID-19 đa phần nhẹ và mau hết trong vài ngày. Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ bị nhiễm bệnh, hoặc trong nhà có người lớn mắc COVID-19, mọi người không nên quá lo lắng, sự rối ren sẽ làm cho không khí trong nhà căng thẳng, thậm chí quên đi cách phòng bệnh cho trẻ”, bác sĩ nói thêm.

Có 2 nhóm nguy cơ làm cho COVID-19 diễn tiến nặng ở trẻ đó là trẻ thừa cân, béo phì và trẻ mắc các bệnh về hô hấp. Vì vậy, việc đầu tiên khi trong nhà có người bệnh, hãy cách ly ngay trẻ nhỏ, nếu trẻ mắc bệnh và thuộc nhóm trẻ hay bị viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn mãn tính… hãy báo ngay với bác sĩ hoặc đưa trẻ đến bệnh viện để được chăm sóc, điều trị.

Một em bé ở vùng nguy cơ tại Gò Vấp được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2
Một em bé ở vùng nguy cơ tại Q.Gò Vấp được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2

Bác sĩ Khanh khuyến cáo, người lớn nên hướng dẫn trẻ cách tự phòng tránh COVID-19 cho bản thân. Nhất là tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, rửa tay ít nhất trong 20 giây dưới vòi nước sạch. Trường hợp không có vòi nước, hãy cho trẻ rửa tay bằng nước rửa tay nhanh.

Với những trẻ có thói quen ngậm tay, ngậm đồ vật, hay ngoáy, quẹt mũi, nên hướng dẫn trẻ từ bỏ. Nói cho trẻ biết về việc phải hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với các đồ vật công cộng, nhất là các gia đình ở vùng nguy cơ, phong tỏa.

Nếu trẻ bị cảm, sốt, chảy mũi… cha mẹ đừng quá hoang mang, lo lắng, hãy rà soát lại trong nhà hay nhà hàng xóm gần đó có ai đang mắc bệnh không, người lớn có hay thường xuyên ra ngoài không. Nếu có, hãy gọi đến cơ sở y tế để được hỗ trợ về chăm sóc, đưa bé đến bệnh viện khám bệnh. Nếu trẻ bị cảm sốt thông thường, hãy cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Với trẻ mắc COVID-19 được điều trị tại nhà, người lớn hãy dạy cho bé mang khẩu trang đúng cách, cho ăn riêng, ngủ riêng, sinh hoạt riêng… uống thuốc bình thường theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Lưu ý, không nên bật máy lạnh, cho trẻ ngủ xa máy quạt, giữ cho phòng của trẻ thoáng mát, có ánh nắng càng tốt. Bên cạnh đó, bổ sung dinh dưỡng cho trẻ cũng rất quan trọng.

Mặc dù trẻ nhỏ mau hết bệnh trong từ 5-7 ngày, nhưng cha mẹ không nên chủ quan. Hãy theo dõi các biểu hiện của trẻ, nếu trẻ than mệt, tức ngực, hơi thở nhanh hoặc ngực lõm xuống khi thở, ra nhiều mồ hôi… hãy đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TPHCM, ngày 10/9, TPHCM có 2.727 trẻ em dưới 16 tuổi, đến trưa nay (12/9) có thêm 78 trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19, nâng tổng số trẻ em F0 lên 2.805 trường hợp.

Tại cuộc họp báo chiều 8/9, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng cũng cho biết dịch COVID-19 đã làm 13 trẻ em dưới 18 tuổi tử vong. Trong 13 trẻ tử vong có nhiều trường hợp trẻ mắc các bệnh lý nền, trong đó có cả trẻ đang điều trị ung thư.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI