Trẻ học trực tuyến phải thi trực tiếp: Chuyên gia nói thêm áp lực cho trẻ, Bộ GD-ĐT nói cần thiết

14/12/2021 - 16:08

PNO - Bộ GD-ĐT yêu cầu tổ chức kiểm tra học kỳ 1 bằng hình thức trực tiếp với học sinh lớp 1 và 2 đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tổ chức kiểm tra học kỳ 1 bằng hình thức trực tiếp với học sinh lớp 1 và 2, vấn đề là hiện nhiều nơi học sinh học trực tuyến 100%, vậy có nhất thiết phải kiểm tra trực tiếp?

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc kiểm tra trực tiếp với trẻ lớp 1, 2 ở thời điểm này chưa thực sự phù hợp dù nhà trường cũng có những phương án để đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay lại trường thực hiện bài kiểm tra.

“Trong công văn hướng dẫn kiểm tra đánh giá học sinh có nêu trong "trường hợp bất khả kháng thì có thể kiểm tra trực tuyến. Như vậy, nhà trường vẫn phải chuẩn bị thêm cả phương án kiểm tra online bên cạnh phương án kiểm tra trực tiếp. Điều này làm gia tăng áp lực cho nhà trường, thầy cô và học sinh, vì cùng lúc phải chuẩn bị cho 2 phương án kiểm tra định kỳ. Trong giai đoạn dịch bệnh, mọi người chịu nhiều căng thẳng, sự cố gắng cũng đã gấp đôi, gấp ba, do đó, cần thống nhất một hình thức thi nhất định để giảm áp lực cho cả thầy và trò", PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Việc cho học sinh lớp 1 và 2 đến trường chia ca để thực hiện bài kiểm tra vô tình cũng khiến học sinh áp lực - Ảnh: Đại Minh
Việc cho học sinh lớp 1 và 2 đến trường chia ca để thực hiện bài kiểm tra vô tình khiến học sinh áp lực - Ảnh: Đại Minh

Ngoài ra, ở độ tuổi lớp 1, 2, việc đánh giá của các con cũng hầu hết liên quan đến "đọc thông, viết thạo"; do đó, thay vì yêu cầu trẻ tới trường làm bài kiểm tra trực tiếp, nhà trường có thể tổ chức kiểm tra theo hình thức online.

Hơn nữa, đối với chương trình tiểu học mới, hình thức đánh giá cũng vô cùng đa dạng. Bên cạnh đánh giá định lượng thì còn có đánh giá định tính, thông qua sự quan sát của cha mẹ, thầy cô… nên hình thức kiểm tra hoàn toàn có thể linh hoạt. Còn nếu chúng ta đưa trẻ đến trường kiểm tra chỉ vì số liệu báo cáo, rằng có bao nhiêu trẻ đọc thông, viết thạo, thì đánh giá này không có sự tập trung vào người học, không vì sự phát triển của trẻ con.

“Về khía cạnh tâm lý, cả một năm nay, do dịch bệnh, trẻ phải ở nhà học trực tuyến, vì vậy nhớ trường là tâm trạng tất yếu. Nhưng cho trẻ quay trở lại trường, việc đầu tiên không phải là vui chơi, mang sự kết nối vui vẻ, mà lại liên quan đến học, ôn thi, rồi thi cử căng thẳng… Điều này vô hình trung gieo cho trẻ nỗi sợ học, sợ đến trường, mỗi ngày đến trường không phải là ngày vui như chúng ta vẫn nói", PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.

Trường hợp nào học sinh được kiểm tra trực tuyến?

Nói về điều này, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, trường hợp bất khả kháng là những trường hợp đến ngày kiểm tra trực tiếp theo kế hoạch của trường nhưng học sinh thuộc diện F0, F1, F2 hoặc ở khu vực bị phong tỏa vì dịch bệnh, nhà trường phối hợp với gia đình sẽ có kế hoạch kiểm tra trực tuyến riêng với nhóm học sinh này. Những trường hợp còn lại thì không được xem là bất khả kháng, học sinh vẫn có thể đến trường, chia ca, đảm bảo giãn cách để làm bài kiểm tra trực tiếp.

“Học sinh lớp 1, 2 là các khối lớp những năm đầu thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong khi đó, những khối lớp đầu cấp tiểu học, không có bài kiểm tra giữa kỳ nên việc có một bài kiểm tra trực tiếp cuối kỳ sẽ đặc biệt quan trọng cần thiết, giúp đánh giá cả quá trình dạy học. Không để học sinh học xong lớp 1 nhưng chưa biết đọc, biết viết”, ông Thái Văn Tài cho hay.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI