Trẻ học bán trú có tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19?

16/02/2022 - 06:25

PNO - Lo lắng việc học bán trú sẽ gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quyết định trẻ chỉ học một buổi/ngày. Tuy nhiên, theo chuyên gia y tế, nếu quản lý tốt thì trẻ học bán trú cũng chẳng khác mấy so với học một buổi.

“Khổ trăm bề” khi con không học bán trú

Dù đếm ngược từng ngày mong cậu con trai lớp Sáu và cô con gái lớp Một được đến trường, song hình thức học “offline” một buổi lại khiến gia đình chị Phạm Hương (H.Đông Anh, TP.Hà Nội) đảo lộn, khó khăn hơn trước đây. Chị Hương cho biết, nhà cách trường chỉ hơn 1km, tuy nhiên, vợ chồng chị đều đi làm cách nhà cả chục cây số.

Do quy định phòng, chống dịch nên thay vì học bán trú, các con chỉ học một buổi/ngày. Cứ tới gần 11 giờ trưa, chị lại phải xin nghỉ làm sớm và tất tả về nhà đón hai con, sau đó vội vàng chuẩn bị bữa trưa, rồi “sấp ngửa” về công ty cho kịp ca chiều. Gia đình chị ở riêng nên không có ông bà hỗ trợ, việc nhờ cậy hàng xóm cũng không thể kéo dài, chị Hương và chồng tính tới việc phải thuê người đón con. “Tìm được người tin cậy để đưa đón con cũng không đơn giản. Tuy nhiên, nếu cứ kéo dài như thế này thì công việc của bố mẹ cũng bị ảnh hưởng”, chị Hương than thở.

Chuyên gia cho rằng, nếu triển khai tốt, đảm bảo khoảng cách thì việc học bán trú không làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 - Ảnh: Bảo Khang
Chuyên gia cho rằng, nếu triển khai tốt, đảm bảo khoảng cách thì việc học bán trú không làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 - Ảnh: Bảo Khang

Cùng hoàn cảnh như gia đình chị Hương, anh Tiến Hải (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) cho biết cũng đang thấp thỏm đợi ngày Hà Nội cho học sinh nội thành từ lớp Một tới lớp Sáu đi học trở lại. “Theo quy định hiện nay, trường học không tổ chức bán trú nên nếu trẻ đi học trở lại, gia đình tôi chưa biết xoay xở ra sao, bởi không thể đưa đón con”, anh Hải lo lắng. Hiện nay, hai con của anh đang về quê để học trực tuyến. Nếu thời gian tới, Hà Nội vẫn không triển khai học bán trú, gia đình anh phải lên phương án xin cho trẻ về quê học để ông bà tiện đưa đón. 

Chị Nguyễn Huyền (Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) có con học trường tư thục, đóng tại H.Thanh Oai nên đã được trở lại trường học từ cuối tuần trước. Tuy nhiên, cũng do quy định không triển khai bán trú nên cả phụ huynh và học sinh đều vất vả. Theo đó, con gái chị đang học lớp Hai, hằng ngày phải dậy từ 6 giờ sáng để kịp ăn uống, bắt xe buýt đến trường. Sau khi học năm tiết, trẻ về nhà bằng xe buýt và buổi chiều tiếp tục phải học online thêm ba tiết. Khoảng thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi khiến con chị khá mệt mỏi. “Không chỉ phụ huynh trong lớp con tôi mà hầu hết các lớp của trường đều kiến nghị tổ chức học bán trú. Vì sao người lớn có thể đi làm cả ngày, đi ăn uống, cà phê, thậm chí du lịch cũng đã mở cửa mà trẻ lại chỉ được học trong buổi sáng? Điều này bất tiện và chưa thực sự đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới”, chị bức xúc.

Cần khôi phục hoạt động bán trú

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết, chuyên gia giáo dục, khẳng định cần sớm thực hiện học bán trú tại các trường mầm non và tiểu học. Bởi về tính hiệu quả, với trẻ mầm non, để ổn định tâm lý một đứa trẻ là phải có giấc ngủ trưa. Với trẻ cấp I, nếu học đến 12 giờ trưa mới về nhà thì sau khi ăn uống, nghỉ ngơi, trẻ gần như không có giấc nghỉ trưa đủ khi buổi chiều học online, tăng cường. Do đó, tâm thế của học sinh mệt mỏi, chế độ ăn uống sinh hoạt bị lệch nhịp. Còn nếu học bán trú thì sẽ ổn định chế độ sinh hoạt của trẻ, buổi chiều có thể tiếp tục học tại trường mà không bị ngắt quãng bởi thời gian đưa đón.

Liên quan tới lo ngại việc học bán trú có thể tăng nguy cơ lây nhiễm trong trường học, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1), nêu quan điểm, nếu quản lý tốt giờ ăn, nghỉ của trẻ thì việc học buổi sáng hay thời gian kéo dài thêm vài tiếng không có gì khác nhau. “Nếu trong cùng một không gian, khoảng cách, trẻ bị lây thì một tiếng hay tám tiếng cũng đều như nhau. Quan trọng là trong thời gian học bán trú, chúng ta quản lý được trẻ, đảm bảo khoảng cách khi ăn uống, nghỉ trưa. Điều này tránh tạo bất tiện cho phụ huynh phải đưa đón con, ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống”, bác sĩ nói. 

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Với các trường mầm non và học sinh phổ thông trước đây có điều kiện tổ chức cho học sinh bán trú thì tại thời điểm này, chúng tôi nhất quán chỉ đạo nên và cần thiết khôi phục các hoạt động trong đó có bán trú đối với học sinh. Tinh thần chung cần phải khôi phục hoạt động này trong phạm vi cả nước”. Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết thêm, việc các trường tổ chức ăn, ngủ nghỉ cho các cháu thế nào cần phải có thêm ý kiến từ phía y tế. Trong điều kiện cơ sở vật chất không dồi dào thì cần quan tâm, tuy nhiên mỗi nơi tùy theo tình hình, điều kiện cụ thể cần có phương án phù hợp. 

Bảo Khang - Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI