Trẻ em và những cái bẫy trên internet

23/03/2018 - 07:52

PNO - Từ đầu năm 2017 đến nay, hàng loạt kênh YouTube ẩn chứa nội dung xấu, hình ảnh gợi cảm, bạo lực được ngụy trang dưới vỏ bọc là các nhân vật hoạt hình được trẻ em yêu thích đã bị khơi ra.

Từ thói quen đến vấn nạn

Hiện nay trên hệ thống video của YouTube đang có rất nhiều kênh giải trí dành cho trẻ em trá hình với nội dung được xây dựng từ những nhân vật hoạt hình nổi tiếng từ các bộ phim như công chúa Elsa, Minions, Doc McStuffins, Thomas the Tank Engine, Peppa Pig, Cookie Monster, Mickey, Minnie Mouse... nhưng lại chứa hình ảnh phản cảm, gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ. 

Tre em va nhung cai bay tren internet

Hàng loạt các video trên YouTube được ngụy trang thành những nhân vật hoạt hình để tiếp cận khán giả nhí

Hay các kênh âm nhạc chuyên đăng tải những ca khúc mang tính chất nổi loạn, bất cần và “đậm đặc” chất chơi như Quăng tao cái boong, Túy âm... mà trẻ em hoàn toàn có thể dễ dàng tiếp cận. Thế nhưng, các kênh giải trí có nội dung xấu kể trên lại thu hút lượng người xem, theo dõi khá lớn, trong đó đa phần là khán giả nhỏ tuổi. Điều này đã khiến không ít phụ huynh đau đầu trong việc tìm kiếm kênh giải trí “sạch” cũng như định hướng, quản lý con em để tránh cho trẻ có cơ hội bắt gặp nội dung không lành mạnh.

Không riêng các kênh giải trí riêng lẻ, mới đây ứng dụng YouTube kids của Google lại vướng phải lùm xùm khi bị người tiêu dùng phát hiện nhiều nội dung không an toàn đang được cung cấp cho trẻ em toàn cầu. Ứng dụng này từng được xem là giải pháp để cha mẹ có thể yên tâm cho con sử dụng YouTube, nhưng nay lại tiếp tục đi vào “vết xe đổ” của hàng nghìn kênh video phản cảm khác.

Dưới góc nhìn của một phụ huynh có con đương tuổi trưởng thành, ca sĩ Cẩm Ly thẳng thắn thừa nhận vấn đề bảo vệ trẻ trước những nội dung xấu trên internet nói chung và YouTube nói riêng là điều nan giải với chị.

Tre em va nhung cai bay tren internet

“Hiện việc tiếp cận YouTube của trẻ không còn trong mức hạn chế được và cũng không có giải pháp nào để can thiệp vấn đề này. Mỗi khi ra đường, tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ chừng 2-3 tuổi thoải mái ngồi chơi điện thoại, xem YouTube để bố mẹ có thể thảnh thơi làm việc khác. Bản thân tôi cảm thấy rất khó chịu bởi ở nhà tôi cũng không hài lòng nếu thấy con mình cứ chăm chăm ôm điện thoại nhưng lại không biết phải làm sao ngăn cấm bởi điều này đã trở thành một...”đại dịch” rồi”- Cẩm Ly trăn trở.

Cẩm Ly khẳng định không chỉ riêng cô mà hiện tại có rất nhiều bậc cha mẹ cảm giác bất lực trước thực trạng chọn giải pháp tức thời là cho con giải trí trên YouTube để bố mẹ rảnh tay lại trở thành thói quen không tốt cho trẻ em. Đồng thời, nữ ca sĩ cho rằng việc trường học ứng dụng công nghệ vào giáo dục cũng phần nào khiến cô gặp khó khăn trong việc quản lý con.

“Trường học bây giờ thầy cô cứ cho làm bài trên vi tính không, cứ biểu là gửi qua mail hoặc một trang nào đó, thế là khi tôi la rầy con việc sử dụng internet nhiều thì con lại bảo bé làm bài. Không lẽ giờ tôi phải đứng canh suốt, tôi còn có công việc nữa và phải đi ra ngoài nên không thể quản lý được. Tôi cho rằng bây giờ ý thức của trẻ là điều quan trọng nhất chứ phụ huynh không thể nào quản chặt chẽ được. Có thể là mình sẽ dành nhiều thời gian nói chuyện với con để bé nhận thức được những nội dung độc hại trên mạng hơn là canh chừng con mọi lúc, điều này là không thể được. Tôi dám chắc bây giờ không một ai có thể đưa ra giải pháp nào để kiểm soát vấn nạn này”, Cẩm Ly nhấn mạnh.

Kênh giải trí “sạch” dành cho trẻ: liệu có khả thi?

Việc tìm kiếm kênh giải trí “sạch” dành cho trẻ em hiện nay vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Bản thân YouTube cũng chưa có giải pháp để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho các em dù YouTube đã chủ động thực hiện những biện pháp lọc, chặn quảng cáo, xóa bỏ hàng triệu video và gỡ hàng nghìn kênh người dùng... khi phát hiện hoặc tiếp nhận phản hồi từ người xem về video có nội dung tiêu cực đối với đối tượng này.

Chưa kể, với “vỏ bọc” ngày càng tinh vi, được ngụy trang dưới nhiều hình thức khó phát hiện như phim hoạt hình, MV ca nhạc... việc tìm kiếm cho con em kênh giải trí “sạch” trên YouTube là điều không dễ dàng với các bậc phụ huynh.

Tre em va nhung cai bay tren internet

Những kênh cho trẻ hiện chứa rất nhiều nội dung không phù hợp

Thực trạng này không chỉ là vấn đề đau đầu với nhiều phụ huynh mà còn là niềm trăn trở của các nhà sản xuất nội dung giải trí lành mạnh cho trẻ, với mong muốn giúp các em có cơ hội tiếp cận nhiều kiến thức giáo dục, khoa học bổ ích trên thế giới.

Là một trong số đơn vị kinh doanh giải trí kỹ thuật số ấp ủ nhiều dự án giải trí cho trẻ em Việt Nam, đại diện Pops Worldwide cho biết: “Ngay từ đầu khi quyết định làm kênh giải trí dành cho trẻ em mang tên Pops kids, chúng tôi đã định hướng việc đề cao sự an toàn về nội dung thông tin cho các bé và tính giáo dục phải được đặt lên hàng đầu. Vấn đề này được chúng tôi kiểm soát rất chặt chẽ. Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng cơ sở nội dung mang tính chiến lược, đi theo từng nhánh và phát triển một cách đa dạng. Bên cạnh việc tự sản xuất chương trình dành cho trẻ, chúng tôi còn ký kết với một số đối tác nước ngoài để cung cấp nguồn phim hoạt hình chất lượng, phù hợp cho các bé”.

Chia sẻ quan điểm về xu thế để trẻ em hội nhập với nền giáo dục, giải trí trên mạng trực tuyến, đại diện kênh Pops Kids thẳng thắn nhìn nhận: “Việc cấm tiệt hoặc không cho trẻ tiếp cận với internet thì tôi thấy rất khó thực hiện, bởi xu thế xã hội như vậy rồi. Ai có con nhỏ cũng không thể tách chúng hoàn toàn khỏi công nghệ khi bố mẹ cũng xài điện thoại. Thậm chí, nhiều em bé rất phụ thuộc vào việc giải trí trên mạng và phụ huynh bây giờ không có cách nào để thay đổi thói quen đó. Do vậy, tôi cho rằng thay vì nghĩ đến việc cho trẻ dùng hay không sử dụng internet thì mình nên nghĩ đến việc cho con dùng thế nào là phù hợp bằng việc lựa chọn kênh giải trí, điều tiết thời lượng cho phép bé xem chứ không nên phụ thuộc vào kênh thứ ba”.

Tre em va nhung cai bay tren internet
 

Trước tốc độ phát triển mạnh mẽ của các kênh giải trí trên internet ngày nay, đại diện kênh Sen vàng Kids cũng đề xuất giải pháp và nhấn mạnh vai trò của các bậc cha mẹ trong việc cho trẻ tiếp cận với YouTube.

“Hiện tại, hàm lượng video trên YouTube hay các trang mạng xã hội rất là lớn, và lượng nội dung tiêu cực – tích cực là ngang ngửa nhau, do vậy các bé hoàn toàn có thể bắt gặp những hình ảnh bạo lực, gợi cảm... Điều quan trọng là vai trò của phụ huynh trong việc định hướng tư duy và nhận thức cho trẻ. Chúng ta có cấm tiệt trẻ cũng không được, vì vậy cách tốt nhất mà các nhà sản xuất nên phối hợp với phụ huynh là cùng nhau tìm kiếm cho con em mình những kênh giải trí “sạch”, có giá trị về mặt giáo dục, lành mạnh, đồng thời phụ huynh phải đặt ra giới hạn liều lượng cho phép trẻ được vui chơi giải trí thông qua mạng trực tuyến”, đại diện kênh Sen vàng kids bày tỏ.

Tuy vậy, dù các nhà sản xuất chân chính có kiểm soát chặt chẽ nội dung mà họ thực hiện trên kênh giải trí của mình thì cũng không sao quản lý được những nội dung xem thêm nằm trong tính năng gợi ý video đang có của YouTube. Chính từ chức năng này mà không ít kênh có nội dung không lành mạnh với trẻ dễ dàng tiếp cận các bé bằng việc ngụy trang thành nhân vật hoạt hình hay MV ca nhạc...

Tre em va nhung cai bay tren internet
 

Nói về nguy cơ mà trẻ em có thể gặp phải bởi tính năng trên của YouTube, đại diện kênh Eli kids cho biết: “Những clip bắt đầu rất bình thường và vui vẻ nhưng tính năng gợi ý các video kế tiếp của YouTube sẽ dần dần đưa đứa trẻ sa chân vào “ổ nhền nhện”: những video clip nhảm nhí, kích động bạo lực bằng những nhân vật hoạt hình quen thuộc nhưng lồng ghép trong đó là những nội dung khiêu dâm, kích dục hay hướng dẫn chúng trở thành tội phạm”.

Như ca sĩ Cẩm Ly chia sẻ, đây là vấn đề luôn khiến cô đau đầu và khó chịu vì chưa tìm ra được giải pháp thỏa đáng. Thậm chí, nữ ca sĩ còn bày tỏ mong muốn sẽ có “trung tâm cai nghiện” để bảo vệ con em trước những nội dung không lành mạnh trên mạng. Cô băn khoăn: “Cái gì mà càng phát triển, được mặt tốt thì chắc chắn cũng sẽ có tác dụng phụ, với dòng chảy của công nghệ bây giờ thì thật sự tôi không biết phải làm sao để ngăn chặn. Lúc trước tôi từng nghe đến có trung tâm cai nghiện internet, mà có hay không? Và không lẽ bây giờ tôi đưa con mình đến đó? Mà chắc có lẽ phải đưa hết trẻ em đi cai... không có đứa nào mà giờ không xài internet hết... Cả một vấn đề và khi nhắc đến vấn đề này là tôi nhức đầu lắm mà không biết làm sao?”.

Thiết nghĩ với nhu cầu phát triển của xã hội hiện nay, việc cấm không cho trẻ em tiếp cận với internet là điều bất khả thi. Thay vào đó, cha mẹ nên đẩy mạnh vai trò của mình trong việc định hướng những nội dung hữu ích để con trẻ tiếp cận cũng như theo dõi chặt chẽ quá trình tìm tòi trên mạng của bé để kịp thời ngăn chặn nếu phát hiện kênh có nội dung xấu thì việc bảo vệ con em mình trước vấn nạn này sẽ an toàn hơn.

Thanh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI