Trẻ bị tai nạn đuối nước, té cầu thang vẫn nhiều, vì sao?

19/08/2023 - 06:04

PNO - Mùa hè sắp kết thúc, trẻ chuẩn bị trở lại trường, dù vậy, vẫn còn nhiều trường hợp trẻ gặp tai nạn mùa hè. Có em may mắn được cứu sống nhưng khả năng chịu di chứng rất cao.

Nhiều trẻ đuối nước, té cầu thang

Trước khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), anh Nguyễn Thành Trung (37 tuổi, ở tỉnh Tiền Giang) đứng ngồi không yên, chốc chốc lại bước đến gần cửa ngóng tình hình con trai N.T.Q. (7 tuổi).

Bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 thăm khám lại cho bé M.
Bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 thăm khám lại cho bé M.

Sắp vào năm học mới nên gia đình anh tổ chức cho các con đi du lịch và chọn nơi nghỉ dưỡng có biển, hồ bơi, khu trò chơi dành cho trẻ em. “Trước khi chuẩn bị về, chúng tôi vào một quán cà phê gần khu trò chơi, vừa uống cà phê vừa quan sát con trai và người anh họ của bé chơi trượt cầu tuột. Vài phút sau, tôi không thấy 2 bé liền đi tìm. Lúc này, có người la lớn có trẻ bị đuối nước trong hồ cá. Tôi chạy đến đã thấy con bất tỉnh”, anh Trung kể. Bé Q. được bảo vệ cấp cứu tại chỗ rồi đưa đến bệnh viện địa phương. Nhận thấy tình trạng bé quá nặng, gia đình xin chuyển viện đến TPHCM. 

Hiện Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng đang theo dõi sát sức khỏe của bé N.G.T.M. (4 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) bị đuối nước khi đi chơi ở khu du lịch tại tỉnh Bình Thuận. Theo người nhà, ngày 12/8, sau khi tắm hồ bơi, mọi người và bé M. đi lên để thay quần áo. Không may, đang đi trên thành hồ, bé trượt chân té xuống khu vực hồ sâu nhưng người nhà không biết. Khoảng 2 phút sau, bảo vệ hồ bơi phát hiện, nhảy xuống vớt lên thì bé M. đã ngưng tim, ngưng thở. Bé được cấp cứu tại chỗ rồi đưa đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ can thiệp nội khí quản, cho bé thở máy, hồi sức tích cực. Khi bé có nhịp tim trở lại thì được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Hiệp Phát - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, do ngưng tim, ngưng thở nên bé M. bị phù não, viêm phổi vì hít nước vào phổi. Mặc dù bé chưa tỉnh hoàn toàn nhưng đang có tiến triển tốt. “Bé tỉnh đã là rất ngoạn mục, có thể nói công tác cứu hộ tại hồ bơi và hồi sức, cấp cứu khá tốt tại bệnh viện tuyến dưới nên bé còn cơ hội sống”, bác sĩ Vũ Hiệp Phát nói.

Ông cũng cho biết vài ngày trước khi bé M. nhập cấp cứu, 1 bé trai 6 tuổi, ở huyện Củ Chi cũng bị đuối nước tương tự nhưng tình trạng quá nặng. Bé bị chết não, dù được chăm sóc, hồi sức rất nhiều nhưng 10 ngày vẫn không tỉnh, gia đình phải xin về.

Ngoài tai nạn đuối nước, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bé bị té cầu thang với chấn thương rất nặng. Có ngày khoa tiếp nhận đến 3 em bé từ 4-7 tuổi bị tai nạn này. Có bé chấn thương rất nặng, gãy cả tay chân, chấn thương đầu phải mổ cấp cứu.  

Người lớn phải luôn quan sát trẻ

Theo bác sĩ Vũ Hiệp Phát, trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận từ 50-70 trẻ. Trong dịp hè, số lượng trẻ bị tai nạn tăng khoảng 15 - 20%. Trong đó, tai nạn sinh hoạt như đuối nước, té cầu thang, té từ trên cao xuống chiếm đến 7%; thường gặp ở trẻ từ 3-9 tuổi. Trẻ ở Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, Lâm Đồng… chiếm đa số. Mức độ chấn thương từ trung bình đến nặng. Một số trẻ tổn thương đa cơ quan, cột sống, não cần phải phối hợp đa chuyên khoa mới có thể cứu sống.

Mọi năm, đến thời điểm gần tựu trường, các tai nạn này sẽ giảm dần nhưng năm nay, số lượng trẻ gặp tai nạn sinh hoạt còn đang cao.

“Vì vậy, phụ huynh không nên chủ quan bởi trẻ nhỏ rất hiếu động, tò mò, thích khám phá xung quanh. Đặc biệt, khi được đi du lịch, trẻ có nhiều thời gian hơn, càng bị thu hút bởi những địa điểm mới. Tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu người lớn không theo sát trẻ”, bác sĩ Vũ Hiệp Phát nói.

Đặc biệt, các bé rất thích nước, chơi ở hồ bơi, ao hồ mà chưa ý thức được nguy hiểm. Người lớn, nhân viên cứu hộ chỉ cần lơ là trong tích tắc trẻ đã chìm xuống nước. Đã có nhiều tình huống phụ huynh bận nghe điện thoại hay vắng mặt 1-2 phút là đã xảy ra tai nạn. Các trẻ lớn khoảng 8-9 tuổi thì thường thích rủ nhau chơi đùa, leo trèo, đặc biệt leo qua lan can cầu thang nên bị té ngã rất nhiều.  

Khi tai nạn xảy ra, trẻ thường bị sang thương về thần kinh, chấn thương đầu, máu tụ, gãy tay, chân, gãy cột sống cổ, gãy xương chậu, đôi khi đi kèm theo vỡ gan, lách, thận… gây nguy hiểm, thậm chí tử vong. Nếu may mắn qua khỏi, trẻ rất có thể gặp di chứng như yếu liệt, di chứng về thần kinh… 

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 - khuyến cáo để tránh trẻ gặp tai nạn đuối nước, cha mẹ phải luôn theo sát con. Kể cả cho trẻ đi bơi tại các hồ bơi có bảo vệ trông giữ, người lớn cũng không được chủ quan, bỏ mặc con mình cho người khác. Hồ bơi tuy nước trong, có cứu hộ trực nhưng do có rất nhiều trẻ cùng đến vui chơi, bơi lội nên có thể nhân viên cứu hộ không thể quan sát hết được. Có trường hợp nhân viên cứu hộ quan sát thấy nhưng lại nghĩ rằng các bé đang vùng vẫy, chơi đùa, khi phát hiện bé bị đuối nước thì đã trễ.

Gia đình và nhà trường cần kết hợp dạy trẻ nhận biết về các mối nguy hiểm khi tiếp xúc với sông, suối, ao, hồ... và dạy trẻ kỹ năng bơi lội. Đặc biệt, gia đình có con nhỏ dưới 3 tuổi phải đậy kín vật dụng chứa nước trong nhà, khi sử dụng xong phải đổ nước đi, tránh tình trạng trẻ vọc nước rồi ngã vào xô, chậu. Các phụ huynh nên tham gia lớp huấn luyện cấp cứu, nhất là tai nạn đuối nước để kịp thời xử trí nếu phát hiện trẻ bị đuối nước, tránh hậu quả đáng tiếc. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI