Trật tự thế giới vẫn theo “luật của kẻ mạnh”

10/01/2020 - 06:57

PNO - Cả Mỹ và Iran đều đang muốn áp dụng luật quốc tế để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Hôm 8/1, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft - khẳng định, việc sát hại chỉ huy Qassem Soleimani của Iran ngày 3/1 là để tự vệ, và tuyên bố sẽ có hành động bổ sung ở Trung Đông nếu cần thiết, nhằm bảo vệ nhân viên và lợi ích của Mỹ.

Luật nhưng không hẳn là luật

Theo điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc, các quốc gia được phép thực thi quyền tự vệ chính đáng trong trường hợp bị tấn công vũ trang, trước khi báo cáo cho Hội đồng Bảo an về mọi biện pháp mà quốc gia thực hiện. 

Trong cuộc họp báo ngày 8/1, Tổng thống Trump tuyên bố: “Các lực lượng Mỹ đã chuẩn bị cho mọi tình huống, nhưng hiện tại, Iran dường như đang hạ nhiệt”
Trong cuộc họp báo ngày 8/1, Tổng thống Trump tuyên bố: “Các lực lượng Mỹ đã chuẩn bị cho mọi tình huống, nhưng hiện tại, Iran dường như đang hạ nhiệt”

Mỹ từng sử dụng điều 51 để biện minh cho hành động ở Syria chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo IS năm 2014. Giờ đây, Mỹ tiếp tục cho rằng, cuộc tấn công trên lãnh thổ Iraq nhắm vào một quan chức cấp cao của Iran là phản ứng tự vệ, mà theo đại sứ Craft là nhằm “đối phó với một loạt cuộc tấn công vũ trang leo thang trong những tháng gần đây của Iran, các dân quân được Iran hỗ trợ chống lại các lực lượng và lợi ích của Mỹ ở Trung Đông”, dù bằng chứng về các cáo buộc trên vẫn là dấu hỏi lớn trên nghị trường quốc tế. 

Ngược lại, Iran cũng biện minh cho hành động của mình theo điều 51 trong một lá thư gửi Hội đồng Bảo an ngày 8/1. Đại sứ Iran - UV Majid Takht Ravanchi - viết rằng, Tehran không tìm cách leo thang hay chiến tranh; Iran chỉ thực hiện quyền tự vệ bằng một phản ứng quân sự tương xứng nhắm vào một căn cứ không quân do Mỹ sử dụng ở Iraq. Theo ông Ravanchi, chiến dịch phóng 22 quả tên lửa nhắm mục tiêu chính xác không gây thiệt hại cho dân thường và tài sản dân sự trong khu vực. 

Có thể thấy, cả Mỹ và Iran đều đang muốn áp dụng luật quốc tế để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Chỉ có một điều bất ổn là, các hành động quân sự mà hai nước thực hiện trong 10 ngày qua diễn ra trên lãnh thổ Iraq, một quốc gia có chủ quyền và quyền tài phán riêng. 

Quyền của kẻ mạnh ngày càng lên ngôi

Ông Chas W. Freeman Jr. - một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ - nhận xét: “Nước Mỹ từng là thể chế thực thi luật pháp quốc tế nổi tiếng nhất với tư cách là người điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia, giờ lại muốn sử dụng “luật rừng”. Cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác, Tổng thống Trump dường như không quan tâm đến luật pháp quốc tế khi đe dọa tấn công các địa điểm văn hóa của Iran nếu nước này trả thù cái chết của tướng Soleimani. 

Mặt khác, quá trình vi phạm luật pháp quốc tế dựa trên cơ sở tuyên truyền các khái niệm về một nền văn minh thống nhất (chứ không phải một quốc gia tìm cách xác định biên giới theo sự công nhận quốc tế) đang xảy ra nhanh và dữ dội hơn trong những năm gần đây. Những lời cáo buộc của Iraq về hành vi vi phạm chủ quyền từ Mỹ cho thấy, hành động này tương tự việc Nga tự ý sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và can thiệp vào miền đông Ukraine, hay Tổng thống Trump đã phớt lờ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để đơn phương công nhận việc sáp nhập đông Jerusalem và cao nguyên Golan vào lãnh thổ Israel. 

Khi áp dụng nguyên tắc “sức mạnh thống trị”, các nhà lãnh đạo văn minh từ bỏ luật pháp quốc tế, bao gồm bảo đảm các quyền cơ bản và quyền của nhóm lợi ích thiểu số, từ đó thúc đẩy nguy cơ tạo ra một “khu rừng toàn cầu” mà trong đó chiến tranh, bạo lực chính trị, xung đột bên lề giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo sẽ phổ biến hơn áp dụng luật pháp.

Hiện tại, tình hình căng thẳng giữa Iran và Mỹ đã có dấu hiệu lắng xuống sau ngày 8/1, khi một giáo sĩ cấp cao của Iraq kêu gọi những người ủng hộ không tấn công Mỹ, còn Tổng thống Donald Trump chỉ đưa ra thêm biện pháp trừng phạt chứ không phải hành động quân sự. Vụ việc vẫn cho thấy, bên cạnh cốt lõi thượng tôn pháp luật của xã hội hiện đại, vẫn luôn có những ngoại lệ cứng rắn mà một hành động đi ngược lại đám đông có thể đem đến lợi ích cho kẻ mạnh. Trong trường hợp này, Tổng thống Trump sẽ được ca ngợi là nhà lãnh đạo có hành động quyết đoán chống lại chỉ huy quân sự quan trọng nhất của Iran, ngay lúc kỳ bầu cử năm 2020 đến gần và ông đối mặt với cuộc luận tội từ Hạ viện. 

Tấn Vĩ (theo CNA, Reuters, Eurasia Review)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI