Trao niềm vui cho một gia đình khốn khó ở Long An

15/04/2020 - 09:25

PNO - Gia đình ông Nghĩa - bà Nhung hiện có bốn người nhưng chẳng ai khỏe mạnh. Đứa con trai tật nguyền bán vé số là trụ cột của gia đình, nay vé số dừng phát hành, gia đình chẳng biết bám víu vào đâu.

Mấy hôm nay, người dân ở xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An hay lui tới thăm hỏi bà Lê Thị Tuyết Nhung - sinh năm 1958, ở ấp 4 - đang bị tai biến, nằm liệt giường. 

Ông Phan Ngọc Nghĩa - chồng bà Nhung - cho biết, mấy năm trước, ông còn đi làm phụ vợ kiếm đồng ra, đồng vô. Năm ngoái, tự dưng đổ bệnh, đôi chân ông đột nhiên đi không nổi. Thấy ông tội nghiệp, người quen mới lấy ống nhựa chế thành đôi nạng để ông di chuyển trong nhà.

Báo Phụ Nữ TP.HCM trao 15 triệu đồng và quà cho gia đình bà Nhung
Báo Phụ Nữ TPHCM trao 15 triệu đồng và quà cho gia đình bà Nhung

Chồng đổ bệnh, bà Nhung trở thành trụ cột của gia đình. Công việc của bà Nhung là trồng cỏ lác rồi dệt chiếu bán, thu nhập không cao nhưng cũng giúp gia đình có tiền mua gạo ăn hằng ngày. Đầu năm nay, bà Nhung đột nhiên bị tai biến, nằm một chỗ. Sau bà Nhung, đến lượt người con gái cũng đổ bệnh, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM).

“Hôm bà ấy đổ bệnh, nhà tui phải đi mượn 40 triệu đồng để cứu chữa cho bả. Bả vừa ở bệnh viện về, còn nằm một chỗ thì đứa con gái tui làm nghề giúp việc cũng đổ bệnh” - ông Nghĩa nói.

Từ ngày cả nhà đổ bệnh, thu nhập của gia đình chỉ trông cậy vào tiền bán vé số của đứa con trai tật nguyền Phan Hải Dương. Theo ông Nghĩa, từ nhỏ, sau một cơn bạo bệnh, Dương bị tật đôi chân, trí não cũng không phát triển  bình thường. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vé số dừng phát hành, Dương thất nghiệp, cả gia đình điêu đứng. Thấy hoàn cảnh đáng thương của bà Nhung, người em gái đang làm việc ở TPHCM phải xin nghỉ việc để về chăm bà trong những ngày bà nằm một chỗ. 

Chiều 14/4, Báo Phụ Nữ TPHCM đã trích gạo, mì tôm và 10 triệu đồng từ nguồn quỹ chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch COVID-19 để gửi tặng gia đình bà Nhung. Một nhà hảo tâm giấu tên ở quận 1 đã thông qua Báo Phụ Nữ TPHCM gửi tặng gia đình bà Nhung 5 triệu đồng.

Cầm trên tay phần quà của Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Phan Ngọc Nghĩa xúc động: “Hôm nay, gia đình tôi nhận được hai niềm vui, đó là nhận được quà của Báo Phụ Nữ TPHCM và Mạnh Thường Quân. Tôi cũng vừa được người thân báo tin là con gái sắp được xuất viện. Cảm ơn những tấm lòng đã hướng đến gia đình tôi trong lúc khó khăn này”.

Trước đó, ngay sau khi đăng loạt bài COVID-19 và những khoảng trống vỉa hè, Báo Phụ Nữ TPHCM đã thực hiện chuỗi hoạt động san sẻ gánh nặng với người lao động nghèo, người vô gia cư… trong mùa dịch COVID-19. Nguồn quỹ của chuỗi hoạt động này do các nhà hảo tâm cùng cán bộ, nhân viên, phóng viên của Báo Phụ Nữ TPHCM đóng góp.

Trong chuỗi hoạt động này, Báo Phụ Nữ TPHCM đã trao hàng trăm phần quà gồm tiền mặt, gạo, mì tôm, khẩu trang, nước rửa tay… cho những người bán vé số, người lao động nghèo, người vô gia cư ở TPHCM.

Sơn Vinh

“Già rồi, bệnh nữa, ở một mình, nhà cửa rộng quá cũng không nên, vậy là cô kêu bán, người ta trả 11 tỷ, cô chưa trả lời. Rồi dịch bệnh kéo tới, quá trời người khổ, dưới miền Tây lại hạn mặn, thiếu nước ngọt. Cô chịu không nổi con ơi, kêu luôn người ta bán rẻ, 9,5 tỷ, giao nhà ngay, miễn sao đưa trước cho tui 1 tỷ để mua liền mấy trăm khối nước ngọt, gạo, mì cho bà con ở dưới” - bà nói một tràng ngay khi vừa gặp.

So với hồi nhà cũ (vừa bán), bà khỏe hơn, do về ở chung với vợ chồng người cháu, được chăm sóc bữa ăn, uống thuốc kỹ lưỡng, đều đặn. Rồi bà nói, cô nhớ tới con, nhớ tờ báo nên muốn dành riêng 100 triệu đồng để nhờ tụi con gửi cho những người nghèo đang cần đến đồng tiền này, làm giùm cô. 

Bà Sáu Hộ nhờ Báo Phụ Nữ chuyển 100 triệu đồng đến những người nghèo đang gặp khó khăn trong mùa dịch
Bà Sáu Hộ nhờ Báo Phụ Nữ chuyển 100 triệu đồng đến những người nghèo đang gặp khó khăn trong mùa dịch

Bà cho con cho cháu, để lại phòng thân một ít, còn bao nhiêu dành giúp những nơi thiếu thốn, trong đó bà gửi 100 triệu đồng cho những đồng đội của bà ở Lữ đoàn 316, có hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật. Một biệt động Sài Gòn, người đàn bà đã “xông vào hang cọp để bắt cho được cọp”, tơi tả giữa cuộc chiến trong lòng địch, để ngày hòa bình, chẳng thể nở nụ cười chiến thắng khi buộc phải sống nốt cho hết “vai diễn” từ phía bên kia. Mãi đến khi trong một chuyến từ thiện, đồng đội nhận ra bà. “Tư Sương phải không”. “Là Sáu Hộ chứ còn ai”.

Cái tên Nguyễn Thị Hộ được trả lại, trả trong sự trân trọng và yêu thương của đồng đội về một phẩm giá đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. 

Sáng 13/4, cầm trên tay số tiền 100 triệu đồng, tôi thầm thay mặt những người nghèo mình chưa biết để cảm ơn bà. Thêm một lần nữa, tôi lại mắc nợ bà, nợ một cuộc chiến trầm luân mà bà đã tận hiến, nợ một nghĩa tình bà đã sống và trao...

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI